Việt Nam đang trở lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,9 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,9 tỉ USD, tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, vượt Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Đây là lần thứ 2 Việt Nam có thể trở lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới.

Giá gạo Việt Nam vượt nhiều quốc gia

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, liên tiếp trong nhiều ngày qua giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và giữ vững ở mức giá cao: Gạo loại 5% tấm của Việt Nam hiện đang được giao dịch ở mức 493 - 497 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đang bị giảm nhẹ khoảng 3USD/tấn so với tuần trước, bán ra ở mức 463 - 467 USD/tấn. “Với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 27 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 15 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Pakistan 80 USD/tấn” - chủ một DN xuất khẩu gạo tại TPHCM cho biết.

Theo đánh giá của các doanh nhân ngành lúa gạo, trong lịch sử 30 năm xuất khẩu lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan, đặc biệt, mức chênh lệch từ 15- 20 USD/tấn là hoàn toàn không nhỏ. Với mức giá xuất khẩu cao và số lượng đều, và năm 2020 có nhiều khả năng lượng gạo xuất khẩu của ta cũng sẽ vượt Thái Lan và trở thành quốc gia giữ vị trí quán quân lần thứ hai về xuất khẩu gạo. Giá gạo của Việt Nam tăng, song song với đó, kim ngạch XK gạo sang nhiều quốc gia cũng tăng là lợi thế “kép” để ngành lúa gạo Việt Nam mang về thắng lợi trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. XK gạo tại nhiều thị trường cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của VN với 36,9% thị phần, đạt 1,4 triệu tấn và 634,3 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng tới 30,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường XK gạo có trị giá tăng mạnh nhất là: Senegal (gấp 19,6 lần đạt 41,1 nghìn tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần đạt 45,2 nghìn tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9% đạt 457,6 nghìn tấn).

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), 7 tháng đầu năm, khối lượng và trị giá XK gạo đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo XK bình quân 7 tháng năm 2020 đạt 487,6 USD/ tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam nắm bắt đúng nhu cầu về lúa gạo trên thế giới

Theo thông tin dự báo cập nhật mới nhất trong tháng 7 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,3% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Theo Bộ Công Thương, với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các DN gạo Việt Nam đang có cơ hội gia tăng sản lượng và giá XK gạo. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội khi nhu cầu thu mua lúa gạo tăng cao, khi liên tiếp trong 2 vụ thu hoạch Đông-Xuân 2019-2020 và Hè-Thu 2020, sản lượng lúa của Việt Nam tăng cao, chớp đúng thời cơ khi giá gạo XK trên thế giới tiếp đà tăng bởi nhu cầu thu mua của nhiều quốc gia để dự trữ, phòng dịch bệnh COVID-19.

“Vụ Đông Xuân ở ĐBSCL gieo cấy được 1,54 triệu ha, năng suất bình quân là 70,2 tạ/ha, có thể nói là cao kỷ lục, được đánh giá cao hơn năm 2018 - là năm kỷ lục, với sản lượng ước tính khoảng 7,3 triệu tấn lương thực” - ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đặt nhiều mục tiêu về sản xuất nông nghiệp, trong đó có mục tiêu đạt 43,5 triệu tấn lúa, đủ nguồn cung ứng trong nước và dư để XK khẩu từ 6,7-7 triệu tấn gạo trong năm 2020. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, để đạt mục tiêu, quan điểm chỉ đạo sản xuất là tập trung giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng địa phương và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước.

* Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa công bố danh sách thương nhân kinh doanh XK gạo đến ngày 15.7. Theo danh sách này, cả nước có 192 doanh nhân đủ điều kiện kinh doanh XK gạo. Trong đó, Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh XK gạo lớn nhất cả nước với 41 DN, tiếp đó là TPHCM với 34 DN, Long An 25 DN, An Giang 20 DN, Đồng Tháp 17 DN, Hà Nội 7 DN, Kiên Giang 6 DN và Nghệ An 6 DN. Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh XK gạo là Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Hậu Giang, Nam Định, Ninh Bình, Lạng Sơn, Quảng Trị.

* Tại thị trường trong nước, giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giá lúa được duy trì ổn định, giá lúa tươi IR 504 ở mức 5.800 đồng/kg; lúa Jasmine: 6.000 đồng/kg; OM 957 và OM 9582: 5.850 đồng/kg; Đài Tthơm 8: 6.200 đồng/kg; Nàng hoa: 9 6.400 đồng/kg; OM 6976: 5.800 đồng/kg.

* Thông tin về thứ hạng XK trên thị trường quốc tế, mới đây, Hiệp hội các nhà XK gạo Thái Lan cũng đưa ra thông tin: XK gạo của quốc gia này trong cả năm 2020 có thể chỉ đạt 6,5 triệu tấn - mức thấp nhất trong 1 thập niên và thấp hơn mức dự báo 7,5 triệu tấn đã được đưa ra trước đó. Nguyên nhân được lý giải do dịch COVID-19 đã khiến suy yếu nhu cầu gạo toàn cầu, đồng baht tăng giá và hạn hán kéo dài làm giảm sản lượng lúa gạo.

Phong Nguyễn

Việt Nam có thể vượt Thái Lan để đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo Việt Nam có thể vượt Thái Lan để đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo
Doanh nghiệp từng “xù” hợp đồng lại trúng thầu cung cấp gạo dự trữ Doanh nghiệp từng “xù” hợp đồng lại trúng thầu cung cấp gạo dự trữ
Nghi vấn thông đồng giữa các Cục Dự trữ Nhà nước và doanh nghiệp Nghi vấn thông đồng giữa các Cục Dự trữ Nhà nước và doanh nghiệp
/ laodong.vn