Vỉa hè gần như bị "cướp" hết, lấy đâu chỗ mà đi bộ?

Bao nhiêu người chỉ trích dân Việt lười đi bộ, nhưng vỉa hè gần như bị "ăn cướp" trắng trợn hết rồi, có chỗ nào để đặt chân đâu mà đi!

Theo dõi kỹ các bài viết về sự lười đi bộ của người Việt và đọc gần hết bình luận, tôi đồng ý rằng nước ta cần đẩy mạnh các phương tiện giao thông công cộng, người dân cần đi bộ nhiều hơn. Nhưng nếu nói lười đi bộ là nguyên nhân của tình trạng "lạm phát" xe máy, "ghẻ lạnh" phương tiện công cộng thì quả là oan ức cho nhiều người.

Quãng đường đi làm của tôi cũng chỉ hơn 1,5km. Tôi vẫn đi xe máy, nhưng không phải vì lười. Là tôi sợ. Có 2 thứ làm tôi sợ khi đi bộ trên quãng đường đó: Thiếu an toàn và ức chế.

Tôi không may mắn sống ở khu vực có vỉa hè rộng thênh thang, hàng cây mát rượi, hai bên đường là biệt thự hoặc nhà liền kề. Đi dọc những con đường gần nhà tôi, ngẩng đầu lên thấy chằng chịt dây điện quấn lấy nhau thành từng bó nặng trĩu. Nhìn xuống đất - nghĩa là vỉa hè - thì nào túi rác hoặc thùng rác, nào bếp than tổ ong, bàn ghế của mấy bà bán trà đá, nồi chiên bánh khoai bánh chuối, vật liệu xây dựng... Nhiều nhất là xe máy và hàng hóa của các cửa hàng mặt đường - những ngôi nhà ống bề ngang chỉ 3-4 mét, không có sân, bước ra khỏi cửa là đặt chân luôn xuống vỉa hè. Vì thế, vỉa hè nghiễm nhiên bị họ độc chiếm, coi như sân nhà mình.

Vỉa hè gần như bị 'cướp' hết, lấy đâu chỗ mà đi bộ? - 1
Người đi bộ làm gì còn chỗ đặt chân? (Ảnh: X.M.)
Vỉa hè gần như bị 'cướp' hết, lấy đâu chỗ mà đi bộ? - 2
Chủ shop này nghiễm nhiên coi vỉa hè là sân, là kho nhà mình. (Ảnh: X.M.)

Nhiều người cứ chê dân Việt lười đi bộ, nhưng với tình hình đường sá như thế, có chỗ nào để đặt chân đâu mà đi!

Bước xuống đường thì xe máy, ô tô tuýt còi cảnh báo, tài xế quát mắng, có lúc dựng tóc gáy khi thấy xe như đâm sầm vào mình. Lên vỉa hè thì lắm khi bị những người kiếm sống trên đó lườm nguýt, hoặc là chẳng còn vỉa hè mà lên, bị họ "ăn cướp" trắng trợn hết rồi. Chỗ nào vỉa hè to rộng, chưa bj người bán hàng “chiếm đóng” thì vào giờ cao điểm, hàng chục, hàng trăm xe máy ầm ầm lao lên để nhanh nhanh chóng chóng vượt qua đoạn đường tắc nghẽn. Tóm lại, đi bộ luôn luôn là căng thẳng, hồi hộp, lo lắng và... ức chế.

Nếu nói lười đi bộ, thì đó là lười đối mặt với cảm giác thiếu an toàn và không thoải mái do bước trên không gian công cộng mà như đang đi nhờ đất người khác, chứ không phải lười vận động. Ai đó có thể nói: Khi đã không muốn thì thế nào mà chả tìm ra lý do. Nhưng con người mà, hướng đến sự dễ chịu, thuận tiện là điều tự nhiên thôi. Sáng và tối, các công viên, những con đường nội bộ thoáng đãng trong khu dân cư luôn tấp nập người đi bộ, điều đó chứng tỏ dân Việt không lười vận động, chẳng qua họ chọn vận động trong một không gian phù hợp thôi. Điều đó chẳng có gì sai cả.

Nếu trách, hãy trách những kẻ trắng trợn cướp đoạt vỉa hè, trách những cán bộ, cơ quan chức năng không chịu "đòi" vỉa hè về cho dân, cho người đi bộ.

XUÂN MAI

Ảnh: Vỉa hè, lòng đường Hà Nội nghi ngút khói ngày rằm tháng 7 Ảnh: Vỉa hè, lòng đường Hà Nội nghi ngút khói ngày rằm tháng 7
Đề xuất 50 tỷ đồng lát đá vỉa hè quanh Hồ Con Rùa Đề xuất 50 tỷ đồng lát đá vỉa hè quanh Hồ Con Rùa
Bác đề xuất sử dụng vỉa hè để kinh doanh xuyên đêm của quận Hoàn Kiếm Bác đề xuất sử dụng vỉa hè để kinh doanh xuyên đêm của quận Hoàn Kiếm

/ vtc.vn