Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã thừa nhận một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp tại buổi tổng kết công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022.
Đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của VNR cho biết, một mặt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng tập trung triển khai để đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân đã làm giảm năng lực thông qua trên tuyến Bắc - Nam và kéo dài thời gian chạy tàu, bắt buộc phải giảm số đôi tàu khách, tàu hàng chạy trên tuyến, nên ảnh hưởng giảm sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa. Trong năm khối vận tải, vận chuyển hàng hóa tăng trưởng tốt, thực hiện được 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,5% cùng kỳ.
Nhưng sản lượng vận chuyển hành khách rất thấp 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, chỉ bằng 37,2% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải chỉ đạt 2.262,8 tỷ đồng, bằng 77,8% so với cùng kỳ. Vì vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của VNR bị giảm sút nghiêm trọng. Doanh thu hợp nhất dự kiến thực hiện được 6.653,7 tỷ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ và đạt 100,9% kế hoạch năm. Nhưng lợi nhuận sau thuế âm 677,6 tỷ đồng.
Thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại của ngành Đường sắt, lãnh đạo VNR cho biết, đầu năm 2021, do ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19 tình hình tài chính của Tổng Công ty gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh lỗ, không bảo toàn được vốn, nguy cơ mất vốn chủ sở hữu, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh mất cân đối nghiêm trọng, có nguy cơ dừng hoạt động; thu nhập, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm tháng đầu năm chưa bố trí được nguồn vốn cho công tác bảo trì hạ tầng nên không có tiền để thay thế vật tư, trả lương khoảng 11.300 cán bộ công nhân viên khối hạ tầng.
Trong khi đó, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến vận tải. VNR đã phải giảm chi phí, trong đó có giảm lương người lao động, mục tiêu là trụ vững vượt qua đại dịch. Kết quả, Công ty mẹ doanh thu âm hơn 690 tỷ đồng, giảm được lỗ so với âm 700 tỷ đồng kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao, còn doanh thu Tổng Công ty hợp nhất âm hơn 670 tỷ đồng. “Phải thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta vẫn chậm đổi mới, cả về tư duy, cung cách làm việc và tiếp cận thị trường. Vì vậy, thời gian tới, càng phải đổi mới hơn nữa, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa và tiếp tục duy trì kiểm soát chặt chẽ chi phí. Khi đó mới kỳ vọng năm 2022 tăng được doanh thu”, ông Minh nói.
Tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết thêm, để giảm lỗ và duy trì sản xuất, năm 2022, VNR tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa. Đặc biệt là vận chuyển hàng hóa bằng container, tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến và vận tải liên vận quốc tế bằng container. Đồng thời, tích cực tham gia vào chuỗi logistics; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang Nga, Châu Âu... bằng đường sắt. Cùng với đó, nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm.
Để đẩy mạnh tàu hàng liên vận quốc tế, Tổng Công ty sẽ xúc tiến các biện pháp tháo gỡ các nút thắt cơ chế, chính sách để nâng cao sản lượng các tuyến Hải Phòng-Lào Cai-Hà Khẩu-Côn Minh, Hà Nội-Đồng Đăng-Bằng Tường-Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc và đi các nước thứ 3. Năm 2022, toàn Tổng Công ty dự kiến thực hiện được sản lượng và doanh thu bằng 89% trở lên so với cùng kỳ; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Công ty mẹ dự kiến doanh thu bằng 108,4% trở lên so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế là âm 580 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 100 tỷ so với năm 2021. Doanh thu trực tiếp từ vận tải bằng 107,6% trở lên so với cùng kỳ.
Ngoài các biện pháp trên, lãnh đạo VNR cho hay sẽ chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, nhu cầu đi lại của hành khách để từng bước khôi phục kế hoạch chạy tàu Thống Nhất và tàu khu đoạn cho phù hợp, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của hành khách. Tiếp tục duy trì các mác tàu, tuyến đường mang lại doanh thu hiệu quả cao; đồng thời nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, phương án vận tải hành khách trên các đoạn tuyến trung bình, ngắn thay thế đường dài, giảm bớt các đoàn tàu hiệu quả thấp.
Đặng Nhật
Bố trí 3.000 tỷ đồng bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 |
Dấu mốc được kỳ vọng thay đổi căn bản vận tải đường sắt |