Việc các vận động viên quê nhà không được thi đấu dưới màu cờ sắc áo của đất nước không khiến người Nga quá bận tâm tại kỳ Thế vận hội lần này.
Khi vận động viên Nga đứng lên bục nhận huy chương vàng tại kỳ Olympic lần này, quốc ca Nga sẽ không vang lên. Thay vào đó là bản concerto số 1 của nhà soạn nhạc nổi tiếng Pyotr Tchaikovsky.
"Để họ nghe nhạc cổ điển", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong đoạn video Bộ này đăng tải để cổ vũ cho đội tuyển.
Khi các vận động viên Nga không được thi đấu dưới màu cờ sắc áo do bê bối sử dụng doping trong quá khứ, người hâm mộ xứ bạch dương đang hả hê trước các tấm huy chương mà đội tuyển của họ giành được tại kỳ Olympic này.
"Điều này sẽ ngăn cản các vận động viên của chúng ta sao? Không. Thế vận hội đang trở thành đấu trường nơi bạn muốn cho mọi người thấy rằng bạn là người Nga", Tina Kandelaki - một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội viết trên Instagram.
Một quán bar ở Moskva tường thuật các bộ môn thi đấu từ Thế vận hội Tokyo 2020. (Ảnh: New York Times) |
"Không ai thấy phiền về tình huống này cả", Dmitri Kozika, nhân viên pha chế tại quán bar Probka cho hay.
Trong buổi chiều tà ở Moskva, người hâm mộ Nga ngồi nhấm nháp ly bia và theo dõi các bản tin phát đi từ Tokyo.
Khi các vận động viên giành được huy chương vàng, các khách trong quán của Kozika sẽ reo hò sung sướng.
Theo Kozika, sự giám sát kỹ lưỡng hơn với các vận động viên của họ - những người phải trải qua các cuộc kiểm tra doping nghiêm ngặt càng khiến người Nga tự hào hơn về những tấm huy chương.
"Họ kiểm tra các vận động viên của chúng tôi rất kỹ lưỡng. Họ "sạch" doping", Kozika nói.
Roman Pritula, một nhân viên cứu thương ngồi trong quán bar của Kozika nói việc các vận động viên Nga phải thi đấu dưới danh nghĩa của Ủy ban Olympic Nga (ROC) không phải điều gì quá quan trọng.
"Họ vẫn là người Nga. Khi họ giành được chiến thắng, điều đó mang lại những cảm xúc tích cực", Pritula cho hay.
Ngay cả những quan chức Nga từng phàn nàn về lệnh cấm giờ cũng không quá gay gắt khi nói về nó.
Người đứng đầu Ủy ban Olympic Nga Stanislav Pozdnyakov như vỡ òa sau chiến thắng của đội thể dục đồng đội nữ gồm Nga trước đối thủ Mỹ.
Dmitry Guberniyev - bình luận viên kênh Channel One tự hào về các tấm huy chương của các vận động viên Nga tới nỗi đề nghị xem xét một ngày nghỉ lễ quốc gia.
"Chúng ta cần một lễ kỷ niệm trên toàn nước Nga. Đội tuyển thật không thể tin được. Chúng tôi đang tạo ra những điều kỳ diệu", Guberniyev nói.
Người Nga không giấu nổi sự tự hào về tinh thần chiến đấu quả cảm của nữ kiếm sĩ Marta Martyanova bất kể tên của đội cô là gì.
Martyanova từ chối rút lui dù gặp chấn thương ở chân khiến cô phát khóc ngay ở đầu trận chung kết đấu kiếm đồng đội nữ.
Bức tranh tường ở Moskva cho thấy một võ sỹ với biểu tượng gấu trên áo quật ngã tung đối thủ trong trang phục có phù hiệu của Cơ quan chống doping thế giới (WADA). (Ảnh: New York Times) |
"Tôi đã bị thương nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi không thể thay người nữa. Tôi không nghĩ điều gì khác ngoài việc phải ra sân và chiến đấu. Tôi cố gắng nén đau vì đồng đội cần tôi", Martyanova nói.
Sau khi trở lại, Martyanova thi đấu cực kỳ ấn tượng, giúp đội ROC giành huy chương vàng.
"Một nữ anh hùng thực sự", người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitri S. Peskov nói về nữ kiếm sỹ Nga.
Trong cuộc phỏng vấn, Aleksei Durnovo - bình luận viên của Telesport cho biết các lệnh cấm liên quan tới doping đã đeo bám thể thao Nga trong nhiều năm tới mức người hâm mộ nước này không còn chú ý tới điều đó.
"Họ chỉ muốn xem thể thao, không nghĩ về những gì đang xảy ra trong các phòng thí nghiệm y tế”, Durnovo nói.
Nguồn cơn từ lệnh cấm đội tuyển Nga thi đấu xuất phát từ một trong những vụ bê bối nghiêm trọng nhất lịch sử thể thao. Trong Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi (Nga), các huấn luyện viên, vận động viên và quan chức an ninh Nga bị cáo buộc đổi mẫu nước tiểu của các vận động viên sử dụng doping sang mẫu sạch.
Cáo buộc trên liên quan tới hơn 1.000 người và dẫn tới lệnh cấm toàn diện với Nga trong nhiều giải đấu thể thao quốc tế, bao gồm cả Thế vận hội.
Nga cố gắng lật ngược lệnh cấm trong nhiều năm nay. Tới tháng 12/2020, Tòa án Trọng tài Thể thao đồng ý để 330 vận động viên Nga tới Tokyo nhưng họ không được thi đấu dưới màu cờ sắc áo của quê hương.
Đội bơi nghệ thuật của Nga đã cố gắng thi đấu trong bộ đồ bơi có gắn biểu tượng gấu, nhưng kế hoạch này bị các quan chức Olympic phản đối vì nó liên quan tới biểu tượng quốc gia Nga.
Nữ vận động viên Nga Alla Shishkina phàn nàn về quyết định trên.
"Điều này làm chúng tôi khó chịu. Gấu sống ở nhiều nước, không chỉ ở Nga", cô này nói.
Nhưng Shishkina thừa nhận cô và các đồng đội chỉ khó chịu đôi chút trong phòng thay đồ.
"Điều quan trọng nhất là phải có một màn trình diễn tốt", cô chia sẻ.
Đoàn Ủy ban Olympic Nga đứng trong top 5 bảng tổng sắp huy chương Olympic 2020 tính đến hết ngày 1/8. |
Tại thủ đô Moskva những ngày này, một trong những hình ảnh thu hút sự chú ý của công chúng là bức tranh tường vẽ cảnh một võ sỹ trong bộ đồ có biểu tượng gấu đang quật ngã đối thủ trong bồ đồ có phù hiệu của WADA, Cơ quan Chống Doping Thế giới. Đây dường như là thông điệp mà người Nga muốn gửi tới thế giới: doping không làm cản bước các chiến thắng của họ.
Song Hy ( Nguồn : The New York Time )
Những nhà vô địch Olympic túng quẫn, phải bán huy chương sống qua ngày |
Hành trình đẫm nước mắt của nhà vô địch nhảy cao Olympic Tokyo 2020 |