Tranh cãi về nguồn gốc ổ Covid-19 Bắc Kinh

Quan chức Trung Quốc nghi ngờ cá hồi đông lạnh là nguồn phát tán nCoV, nhưng các nghiên cứu cho thấy virus khó lây qua thực phẩm hay bao bì.

Từ khi ổ Covid-19 mới bùng phát từ chợ thực phẩm Tân Phát Địa tại Bắc Kinh ngày 11/6, hàng nghìn mẫu hải sản, thịt và rau củ nhập khẩu lẫn nội địa ở Trung Quốc đã được xét nghiệm nCoV. Tới nay, tất cả đều âm tính. Điều này phù hợp với quan điểm được đồng thuận chung tại các tổ chức y tế và thực phẩm toàn cầu rằng không có bằng chứng nCoV lây lan qua đồ ăn hoặc bao bì.

tranh cai ve nguon goc o covid 19 bac kinh
Các sạp bán thịt lợn tại một khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Dù vậy, nó vẫn không thể ngăn Trung Quốc thắt chặt kiểm soát nhập khẩu thực phẩm, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về khả năng ổ dịch Bắc Kinh có thể liên quan đến các loại thịt đông lạnh nhập từ nước ngoài.

Những biện pháp hạn chế bao gồm cấm nhập khẩu sản phẩm từ một số nhà máy thịt nước ngoài và yêu cầu các nhà xuất khẩu xác nhận an toàn cho lô hàng. Động thái trên đã gây lo ngại ở Mỹ, nước xuất khẩu lượng thực phẩm khổng lồ đến Trung Quốc.

"Không có bằng chứng về việc con người có thể lây nhiễm Covid-19 từ thực phẩm hay bao bì đóng gói", Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue và ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn cho biết trong một thông báo hôm 24/6. "Hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm Mỹ, được các cơ quan của chúng tôi giám sát, luôn đi đầu thế giới trong việc đảm bảo độ an toàn của các sản phẩn thực phẩm, bao gồm cả sản phẩm cho xuất khẩu", thông báo có đoạn.

Dù vậy, dịch bệnh đang khiến nhà chức trách Trung Quốc bối rối sau khi thủ đô Bắc Kinh báo cáo các ca nhiễm nCoV đầu tiên ở chợ Tân Phát Địa sau 55 ngày không ghi nhận trường hợp nào. Nguồn lây đến nay vẫn chưa rõ.

Chính việc phát hiện ra dấu vết virus trên thớt dùng cho cá hồi nhập khẩu tại chợ đầu mối Tân Phát Địa đã thổi bùng lên đồn đoán rằng thực phẩm do các công nhân nhiễm nCoV ở nước ngoài xử lý đã mang virus trở lại Trung Quốc.

Giới chức y tế Trung Quốc thừa nhận khả năng lây nhiễm virus từ thực phẩm nhập khẩu mới chỉ là một giả thuyết và một quan chức hải quan tuần trước lưu ý rằng nguy cơ nCoV lây lan qua thực phẩm "cực kỳ thấp". Một bản tin y tế công cộng do truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải tuần qua không khuyến khích người dân ngừng ăn thực phẩm nhập khẩu nhưng nhấn mạnh cần xử lý và vệ sinh đúng cách.

Trung Quốc cũng nhất trí với Na Uy, nhà sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới, rằng cá hồi nhập khẩu từ Na Uy không phải nguồn lây nhiễm nCoV ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, họ không ngăn được tình trạng tẩy chay cá hồi lan rộng và nhiều sản phẩm đã bị dẹp khỏi kệ hàng siêu thị.

tranh cai ve nguon goc o covid 19 bac kinh
Khách hàng đeo khẩu trang lựa hải sản tại một siêu thị ở Trung Quốc ngày 17/6. Ảnh: Reuters.

Tương tự, những hướng dẫn cho ngành công nghiệp thực phẩm do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành cho biết "rất ít khả năng con người có thể nhiễm Covid-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm".

Họ đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp vệ sinh phù hợp trong việc "làm giảm nguy cơ bề mặt thực phẩm và nguyên liệu đóng gói thực phẩm" bị nhiễm virus từ công nhân mắc nCoV. Nghiên cứu cho thấy nCoV có thể tồn tại trên một số bề mặt trong vài ngày ở điều kiện phòng thí nghiệm.

Theo Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Đại học Hong Kong, trong thực tế, Covid-19 khó lòng tồn tại trên bề mặt thịt hay các loại thực phẩm khác và gây lây nhiễm sau hành trình với những quãng đường xa như vậy.

"Tôi không nghĩ việc giám sát thực phẩm hay bao bì thực phẩm có thể ngăn Covid-19 lây lan", Cowling nói và thêm rằng ông cũng chưa thấy bất cứ bằng chứng nào về việc virus lây lan theo cách này thậm chí ở những lô hàng nội địa với quãng đường di chuyển ngắn hơn.

Trung Quốc tuần trước đình chỉ nhập khẩu thịt lợn từ một nhà máy ở Đức và thịt gà từ một nhà máy ở Mỹ sau khi các công nhân tại những cơ sở trên nhiễm Covid-19. Một nhà máy thịt bò Brazil và một nhà máy thịt lợn Anh hôm 22/6 cũng tình nguyện ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi các công nhân của họ dương tính với nCoV, theo giới chức hải quan Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18/6 cho biết sẽ "tăng cường liên lạc và hợp tác với các quốc gia liên quan để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của thực phẩm cũng như những nông sản nhập khẩu từ các nguồn này, đồng thời bảo vệ an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng Trung Quốc".

Dù các nhà máy chế biến thịt đã trở thành điểm nóng lây nhiễm Covid-19 với hàng nghìn trường hợp công nhân nhiễm virus trên toàn cầu, thực phẩm từ những nhà máy này hay thực phẩm nói chung không được các tổ chức quốc tế coi là nguồn lây virus. Các nhà khoa học đa phần đều hoài nghi về tính hiệu quả của việc xét nghiệm và cấm thực phẩm nhập khẩu.

Chuyên gia an toàn thực phẩm Benjamin Chapman, giáo sư tại Đại học bang Bắc Carolina, cho rằng thực phẩm không phải con đường lây nhiễm có nguy cơ cao. Việc từ chối chấp nhận sản phẩm từ một số nhà máy bị bùng dịch dường như không phải quyết định vì sức khỏe cộng đồng, ông cho hay.

Các nhà khoa học khác cho rằng việc tập trung vào xét nghiệm hàng loạt thịt nhập khẩu khiến nhà chức trách bỏ qua một mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng thực phẩm rất cần được giám sát: Gia súc, gia cầm sống.

"Điều chúng ta cần làm hơn là theo dõi gia súc, gia cầm sống trước khi giết mổ. Liệu có bằng chứng nào về việc virus tồn tại trên gia súc, gia cầm sống hay không?", Gregory Gray, chuyên gia về dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm, giáo sư Đại học Duke, Mỹ, bình luận.

Nghiên cứu từ Viện Friedrich-Loeffle của Đức và Viện nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân ở Trung Quốc đều phát hiện ra rằng cả lợn và gà đều không dễ bị nhiễm nCoV. Tổ chức Thú y Thế giới không khuyến nghị xét nghiệm rộng rãi trên động vật, dựa vào những bằng chứng hiện nay.

Nhưng Gray cho rằng kết quả từ những nghiên cứu có thể không phản ánh đúng tình huống xảy ra thực tế tại các trang trại, nơi gia súc như lợn có thể bị suy yếu hệ thống miễn dịch từ những loại virus khác ẩn náu trong cơ thể nhưng không biểu hiện thành bệnh.

Một nhóm chuyên gia Trung Quốc hồi đầu tháng cũng kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn lợn nuôi sau khi nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng các loài động vật, bao gồm cả mèo, có một số tế bào nhạy cảm với nCoV.

"Trong bối cảnh Covid-19 vẫn tiến triển và các chủng nCoV không ngừng phát triển, chúng ta cần tiếp tục giám sát và đánh giá khả năng lợn trở thành vật chủ trung gian lây nhiễm trong tương lai", các tác giả của nghiên cứu cho hay.

Tracey McNamara, giáo sư về bệnh lý tại California, cho biết việc xác định các con đường lây nhiễm khác nhau của virus là vô cùng quan trọng, bao gồm cả những biện pháp mà Trung Quốc áp dụng để xét nghiệm bề mặt thực phẩm.

"Đặt ra giả thiết và xem xét từng cái, tiếp cận một cách có hệ thống. Chúng ta đang đối mặt với một chủng virus luôn khiến ta bất ngờ. Nếu bạn lo lắng về điều gì, hãy nghiên cứu nó", McNamara nói.

tranh cai ve nguon goc o covid 19 bac kinh Trung Quốc phong tỏa nửa triệu dân gần Bắc Kinh

Giới chức Trung Quốc phong tỏa huyện An Tân với nửa triệu dân, cách Bắc Kinh 150 km, nơi cung cấp cá cho chợ Tân Phát ...

tranh cai ve nguon goc o covid 19 bac kinh Ổ dịch Bắc Kinh đặt ra câu hỏi về tuyến đường lây nhiễm mới Covid-19

Việc Bắc Kinh sau 55 ngày lại bùng phát dịch đặt ra câu hỏi về các tuyến đường lây nhiễm mới của SARS-CoV-2 mà chúng ...

tranh cai ve nguon goc o covid 19 bac kinh Bắc Kinh (Trung Quốc) ghi nhận thêm 11 ca mắc Covid-19 mới

Thủ đô Bắc Kinh lại có thêm 11 ca Covid-19 mới trong ngày 25/6 theo số liệu vừa công bố sáng nay (26/6).

https://vnexpress.net/tranh-cai-ve-nguon-goc-o-covid-19-bac-kinh-4121461.html 

/ vnexpress.net