Đây là thực tế tại Israel khi nhiều người dân vẫn nhiễm COVID-19 chủng biến thể Delta dù họ đều được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ ba.
Theo số liệu của Times of Israel, đến ngày 8/8 khoảng 420.000 công dân ở Israel đã được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ ba, một tuần từ thời điểm quốc gia 9 triệu dân quyết định tiêm tăng cường vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao để ngăn chặn biến chủng Delta.
Tuy nhiên, ít nhất 14 người trong số những người được tiêm liều vaccine thứ ba đã được xét nghiệm dương tính với biến chủng Delta. 11 người trong 14 người này trên 60 tuổi, 3 người dưới 60 tuổi thì có bệnh nền. Trong số 14 người nhiễm có hai người đã nhập viện.
Israel là một trong những quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới với hầu hết dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Tuy nhiên, từ khi dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế COVID-19 từ tháng 6, số ca nhiễm tại Israel đã gia tăng đáng kể, trong đó phần lớn người bệnh được xác định mang biến chủng Delta, vốn được mô tả là nguy hiểm hơn và có tốc độ lây lan nhanh hơn các chủng cũ.
Trước bối cảnh này, Israel quyết định tiêm thêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho một số đối tượng, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia tạm hoãn tiêm tăng cường vaccine để nhường nguồn cung vaccine cho các quốc gia nghèo khó hơn.
Trước đó, nhiều quốc gia đã có những động thái yêu cầu người dân tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt tiêm mũi vắc xin thứ ba. Thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 1-7 dành cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi. Trong số những người nhận liều thứ ba có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trước đó ông đã được tiêm hai liều vắc xin Trung Quốc Sinovac.
Chính phủ Anh cũng đang lên kế hoạch thực hiện chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng 9 nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trước lo ngại hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt đầu giảm. Chương trình này dự kiến sẽ bắt đầu sau ngày 6/9, với mục tiêu mỗi tuần thực hiện tiêm mũi vaccine thứ 3 cho gần 2,5 triệu người từ 50 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch.
Chính phủ Anh hiện đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine khác loại với 2 mũi tiêm đầu, sau khi các thử nghiệm ban đầu cho thấy việc trộn vaccine có thể kích thích phản ứng miễn dịch cao hơn. Đến nay, hơn 85 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng tại Anh, với hơn 72,5% người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi, và 88,6% đã tiêm 1 mũi, trong khi hơn 68% số người từ 18 đến 29 tuổi cũng đã tiêm 1 mũi. Dự kiến, tới giữa tháng 9, tất cả người trưởng thành ở Anh sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Tại Campuchia, phát biểu tại lễ khởi động chương trình tiêm phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12 - 17 ngày 1/8, Thủ tướng Hun Sen cho biết mũi tiêm thứ 3 sẽ được ưu tiên dành cho 500.000 - 1.000.000 nhân viên tuyến đầu chống dịch. Tính đến ngày 31/7, hơn 7,3 triệu người trưởng thành ở Campuchia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi có 4,7 triệu người đã tiêm mũi thứ 2.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên trang web Medrxiv.org, khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 sẽ tăng lên đáng kể nếu như tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac (Trung Quốc) cách mũi thứ 2 từ 6 tháng trở lên. Nghiên cứu trên cũng phù hợp với các nghiên cứu gần đây đối với vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) điều chế. Vào tháng 6/2021, các nhà nghiên cứu Anh đã công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng trên tình nguyện viên cho thấy tiêm liều thứ 3 vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford có thể giúp tăng nồng độ kháng thể trong cơ thể tình nguyện viên. Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy liều thứ 3 vaccine AstraZeneca sẽ mang lại mức bảo vệ đáng kể nếu hiệu quả của hai liều đầu tiên giảm dần theo thời gian.
PV (th)