Bộ Y tế vừa có tờ trình Thủ tướng về việc ban hành Chỉ thị về tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 ở Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn, với 29.819 ca mắc.
Trong đó, 3 giai đoạn trước cả nước chỉ có khoảng 1.700 ca nhiễm, nhưng đến giai đoạn 4 từ ngày 27/4 đến nay với sự xuất hiện của biến chủng Delta đã lây lan rất nhanh với khoảng 27.000 ca nhiễm, 90 người chết. Giai đoạn này có quy mô lớn, đa nguồn lây, đa ổ bệnh, nguy hiểm hơn và làm tăng bệnh nặng hơn so với 3 đợt dịch trước.
Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ xâm nhập vào một số cơ sở y tế mà còn vào các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các sự kiện văn hóa, tôn giáo có tập trung đông người và các đô thị đông dân cư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (Ảnh: Nhật Bắc) |
Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân khách quan của đợt dịch thứ 4 là do biến chủng virus mới Delta có khả năng lây lan nhanh, mạnh, không chỉ lây nhiễm theo chuỗi mà còn lây rộng theo chùm, qua không khí. Dịch bệnh tại các quốc gia trong khu vực và các nước láng giềng có diễn biến phức tạp với số mắc tăng cao.
Cũng như các giai đoạn trước, đợt dịch thứ 4 nguồn lây do mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh. Bộ Y tế cho rằng có sơ hở, lỏng lẻo trong thực hiện và giám sát phòng, chống dịch tại một số cơ sở y tế và khu công nghiệp; một số người dân trong các khu cách ly, phong tỏa chưa thực hiện nghiêm quy định về giãn cách, không tụ tập đông người.
Nhiều người dân và một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có một số biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là sau khi kiểm soát tốt đợt dịch thứ 3. Các địa phương chưa có kinh nghiệm phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp với số lượng lớn người lao động ăn ở, làm việc tập trung nên bị động, lúng túng trong chống dịch thời gian đầu.
Trong hơn một năm qua, Thủ tướng đã ban hành nhiều Chỉ thị về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch để đáp ứng kịp thời với yêu cầu phòng chống dịch theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, trước diễn biến mới của tình hình dịch, một số giải pháp cần được điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới để phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Chỉ thị được xây dựng trên cơ sở đánh giá, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống dịch từ đầu năm 2020, nhất là từ khi xảy ra đợt dịch thứ 4; tiếp tục quán triệt, tập trung cao độ, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch theo đúng quan điểm, nguyên tắc, phương châm kế thừa phát huy các giải pháp hiệu quả, phù hợp, các thành quả, kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình tốt trong thực tiễn phòng chống dịch trọng thời gian qua.
“Chống dịch như chống giặc”; tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, sớm nhất có thể, sớm ổn định tình hình, đưa cuộc sống trở lại bình thường; đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết, không để bất kỳ bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu do dịch bệnh.
Nội dung Dự thảo Chỉ thị cũng nêu vấn đề huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự ủng hộ, hưởng ứng, hợp tác tích cực và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của mọi người dân; Thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm vật tự tại chỗ, sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Ngoài ra, dự thảo còn đề cập việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine, tập trung cho các đối tượng ưu tiên, trước hết là khu vực sản xuất; Kịp thời điều chỉnh đối tượng ưu tiên cho phù hợp tình hình thực tế của dịch trong từng giai đoạn; Sau khi đạt miễn dịch cộng đồng thì chuyển sang áp dụng cơ chế tiêm chủng mở rộng.
XUÂN TRƯỜNG - PHẠM QUÝ
Doanh nghiệp thời đại dịch Covid-19: Cơ hội trong thách thức |
Thêm gần 1 triệu liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam |
Ảnh: Shipper bất chấp nguy hiểm, tất bật mưu sinh giữa tâm dịch TP.HCM |