Thêm tuyến cáp quang biển mới, khả năng dự phòng sự cố được tăng cường

Một số nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam vừa cho biết đã tham gia đầu tư vào tuyến cáp quang biển mới có tên ADC (Asia Direct Cable) Tuyến cáp ADC được cho là nguồn cung mới băng thông Internet quốc tế, đồng thời cũng mang đến thêm nguồn dự phòng lỡ khi xảy ra sự cố đối với các tuyến cáp quang biển hiện hữu.

Liên tục xảy ra sự cố

Như Lao Động đã đưa tin, từ tháng 4-6.2020, liên tục các sự cố cáp quang biển xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.

Cụ thể, vào lúc 8h15 ngày 30.4.2020, tuyến cáp quang biển APG nhánh S9 hướng Việt Nam – Singapore gặp sự cố khiến toàn bộ lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến này bị mất.

Tiếp đó, vào ngày ngày 14.5, tuyến cáp quang biển AAG (Asia-America Gateway) dài 20.000km kết nối Đông Nam Á với Mỹ cũng bị sự cố gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet quốc tế trên tuyến. Lỗi xảy ra trên nhánh S1H, đoạn kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong (Trung Quốc), có vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 107,7km.

Đến ngày 23.5, một sự cố nữa xảy ra với tuyến cáp APG (Asia Pacific Gateway) khiến cáp bị đứt ngay đoạn S1.7. Tuyến cáp APG có băng thông tối đa lên tới 54,8Tbps, và chiều dài hơn 10.000km được kéo ngang dưới lòng biển Thái Bình Dương. Các ISP của Việt Nam tham gia tuyến cáp này gồm có VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom.

Và gần đây nhất, vào đêm ngày 3.6, lúc khoảng 21h trên nhánh S1H hướng kết nối đi Hồng Kông (Trung Quốc) của tuyến cáp quang biển AAE-1 (Asia Africa Europe 1) lại gặp sự cố. AAE-1 là hệ thống cáp biển kết nối các khu vực Châu Á, Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu, đi qua 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng chiều dài khoảng 23.000km và tổng chi phí đầu tư khoảng 820 triệu USD.

Nâng cao năng lực cung cấp và dự phòng?

Cho tới thời điểm đầu tháng 6, các ISP của Việt Nam đã tham gia đầu tư vào nhiều tuyến cáp quang biển nhằm kết nối lưu lượng Internet đi quốc tế. Cụ thể đó là các tuyến AAG, SMW3, APG, AAE-1, TGN-IA (hay còn gọi là Liên Á), T-V-H, SJC.

Với việc tham gia thêm vào tuyến ADC, rất có thể đây là tuyến cáp thứ 8 mà các ISP Việt Nam tham gia.

Tuyến ADC được cho rằng có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp 3 lần tuyến cáp APG hiện nay, tức lưu lượng tối đa có thể đạt trên 140Tbps, gồm nhiều cặp sợi cáp quang cho phép truyền tải dữ liệu lớn tốc độ cao giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Tuyến ADC sẽ kết nối Việt Nam, Trung Quốc (Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông), Nhật Bản, Philippines, Singapore và Thái Lan, dự kiến thi công hoàn thành vào quý IV/2022.

Với việc bổ sung một dung lượng lớn băng thông Internet đi quốc tế, tuyến cáp ADC có khả năng hỗ trợ hoạt động cho các ứng dụng với nhu cầu băng thông cao, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ 5G, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI).

Bên cạnh đó, với những sự cố về cáp quang biển hay xảy ra ảnh hưởng đến lưu lượng Internet Việt Nam đi quốc tế tác động đến công việc của người dùng và các doanh nghiệp, việc tham gia vào thêm tuyến cáp quang biển mới cũng sẽ giúp tăng cường khả năng dự phòng băng thông Internet quốc tế của Việt Nam.

 

Thế Lâm

them tuyen cap quang bien moi kha nang du phong su co duoc tang cuong Thêm tuyến cáp quang biển mới, khả năng dự phòng sự cố được tăng cường

Một số nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam vừa cho biết đã tham gia đầu tư vào tuyến cáp quang biển ...

/ laodong.vn