Thể thao Việt Nam năm Nhâm Dần: Hướng đến đỉnh cao SEA Games 31
Cú hích từ bóng đá
Môn thể thao Vua đã hoàn thành nhiệm vụ “xông đất” cho thể thao Việt Nam trong năm mới Nhâm Dần 2022 một cách xuất sắc. Ngay ngày mùng 1 Tết, tuyển nam Việt Nam vượt qua tuyển nam Trung Quốc 3-1 trên sân Mỹ Đình trong thế trận trên cơ hoàn toàn. Thầy trò HLV Park Hang-seo nói được, làm được. Không chỉ giành điểm số đầu tiên tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam còn đi vào lịch sử với tư cách đại diện đầu tiên của Đông Nam Á giành chiến thắng ở giai đoạn này. Ngay cả người Thái ở thời kỳ đỉnh cao cũng không làm được điều đó.
Quan trọng hơn cả kỷ lục là sự thuyết phục trong lối chơi của đội bóng áo đỏ. Sự trở lại của Đỗ Hùng Dũng với tấm băng đội trưởng và cánh chim lạ Tuấn Hải trên hàng công đã mang lại sự tươi mới mà tuyển Việt Nam thiếu từ lâu. Họ cùng với quyết tâm thay đổi của HLV Park Hang-seo có thể mở ra chu kỳ thành công mới cho bóng đá Việt Nam.
Tuyệt vời không kém, tuyển nữ Việt Nam dễ dàng đánh bại tuyển nữ Thái Lan vào ngày mùng 2 Tết trong loạt trận play-off tranh vé dự World Cup 2023. Chiến thắng này không chỉ khẳng định ngôi hậu của bóng đá nữ Việt Nam tại Đông Nam Á, mà còn mở ra cơ hội đưa chúng ta lần đầu tiên đến với ngày hội lớn nhất hành tinh. Như vậy, sau futsal, bóng đá nữ Việt Nam cũng ghi tên mình vào lịch sử World Cup. Đó là cú hích không thể hoàn hảo hơn cho nền thể thao nước nhà bước vào năm mới và hướng đến các mục tiêu quan trọng, đặc biệt tại SEA Games 21.
Hướng đến đỉnh cao SEA Games 31
Sau nhiều lần trì hoãn và sắp xếp lại lịch trình vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, SEA Games 31 chính thức ấn định thời gian diễn ra vào giữa tháng 5 năm nay tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Đây là lần đầu tiên ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á trở lại Việt Nam kể từ thành công vào năm 2003.
Cách đây gần 20 năm, đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc giành ngôi nhất toàn đoàn với 158 huy chương vàng, bỏ xa Thái Lan 68 huy chương vàng. Trong lần thứ hai đăng cai SEA Games, Việt Nam đương nhiên muốn lặp lại thành tích đó. Xét mọi yếu tố, chúng ta có đủ khả năng chiếm ngôi đầu, thậm chí một cách dễ dàng.
Tại SEA Games 30, đoàn Việt Nam đứng thứ 2 trên bảng tổng sắp, chỉ sau nước chủ nhà Philippines. Từ lâu, thông lệ đoàn chủ nhà SEA Games luôn có thứ hạng cao và thường xuyên giành ngôi nhất toàn đoàn nhờ các môn thể thao mang tính chất “ao làng” - thế mạnh của đội chủ nhà. Chính vì vậy, có thể xem Việt Nam đang là đoàn thể thao dẫn đầu “phần còn lại” của khu vực, ngoại trừ chủ nhà Philippines.
Đáng chú ý, Việt Nam sẽ đi đầu trong việc dẹp bỏ thông lệ này khi tập trung vào các môn thể thao Olympic và đón đầu xu hướng với các môn thể thao đang phát triển mạnh như eSports.
SEA Games 31 sẽ có 40 môn thi đấu và 526 nội dung với 10.000 người tham dự. Trong đó, Thủ đô Hà Nội sẽ tổ chức lễ khai mạc và lễ bế mạc lần lượt vào các ngày 12/5 và 23/5. Hai buổi lễ quan trọng này sẽ diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Ở thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cơ sở vật chất đều đã cơ bản hoàn thành.
Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao nhấn mạnh, SEA Games 31 sẽ không bỏ sót bất cứ nội dung thi đấu nào ở các môn thể thao Olympic. Đây là lần đầu tiên SEA Games diễn ra theo hình thức này. Việt Nam không lựa chọn những môn thế mạnh của mình mà gạt thế mạnh nước khác ra, qua đó hướng đến việc phát triển và nâng cao sức cạnh tranh không chỉ của thể thao Việt Nam mà của toàn khu vực.
Quyết định này có ý nghĩa thiết thực hơn nữa khi ASIAD 19 diễn ra sau SEA Games 31 vài tháng. Cơ hội so tài sòng phẳng ở khu vực Đông Nam Á sẽ giúp các vận động viên có thêm kinh nghiệm hướng đến các đấu trường lớn hơn.
Vượt ngưỡng tại ASIAD 19
Sau khi trắng tay tại Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao Việt Nam quyết tâm giành thành tích cao tại ASIAD 19 với mục tiêu đoạt ít nhất 4 huy chương vàng. Nếu như giành ngôi nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 là nhiệm vụ bắt buộc với chúng ta, thì câu chuyện ở ASIAD 19 còn quan trọng hơn.
Theo ông Trần Đức Phấn, nếu trước đây thể thao Việt Nam tập trung ưu tiên nhiệm vụ top 3 toàn đoàn SEA Games thì bây giờ, mọi chuyện đã thay đổi. Olympic là ưu tiên số 1, ASIAD xếp thứ hai, tiếp đó mới là SEA Games. Nói cách khác, chúng ta đã đến thời điểm phải bước ra khỏi “ao làng” để hòa mình với biển lớn, không chỉ trong bóng đá.
Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư vào các vận động viên mũi nhọn tranh tài ở Olympic và chọn môn trọng điểm có khả năng tranh huy chương tại ASIAD. Khi thể thao Việt Nam có sức cạnh tranh ở các đấu trường này, chinh phục SEA Games sẽ không còn là vấn đề quá lớn với chúng ta.
Đảm bảo an toàn cho VĐV về phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu tại SEA Gams 31 Đó là ý kiến được đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng tại buổi làm việc diễn ra chiều ngày 27/1, giữa Phó Tổng cục trưởng phụ trách Trần Đức Phấn –Phó trưởng Ban tổ chức SEA Gams 31 với ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế về phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại SEA Games 31.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, các nội dung phòng, chống dịch COVID-19, quy định bắt buộc đối với quan chức, cán bộ, VĐV của các đoàn thể thao phải đảm bảo các yêu cầu: Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS Cov-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và có chứng nhận xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thực hiện cấp; có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc giấy xác nhận đã từng bị nhiễm SARS CoV-2.
Nói vậy để thấy sự nỗ lực của các nhân viên hậu cần sẽ đóng góp một phần quan trọng cho thành công của SEA Games 31 cũng như đoàn thể thao Việt Nam trong năm nay.