Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố thêm 2 bị can bị Cưỡng đoạt tài sản tại các cơ sở dịch vụ tang lễ.
Tối 31.8, Công an tỉnh Thái Bình thông tin, quá trình tiếp tục điều tra mở rộng vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" các cơ sở dịch vụ tang lễ xảy ra tại Thái Bình, ngày 31.8.2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra Quyết định khởi tố thêm 2 bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật hình sự.
Các bị can gồm: Phạm Văn Úy (tên thường gọi Phạm Văn Trường, sinh năm 1989, trú tại số nhà 509 - CT1- Khu đô thị 379, tổ 36, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, hiện bị can đang bị tạm giam để điều tra hành vi Giết người) và Nguyễn Khắc Nin (sinh năm 1979, trú tại thôn Cao Bạt Trung, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Khắc Nin. Các Quyết định và Lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phê chuẩn.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sátNhân dân tỉnh củng cố tài liệu, chứng cứ, điều tra mở rộng vụ án theo quy định của pháp luật.
Trước đó, như Lao Động đưa tin, ngày 22.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản đối với Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", sinh năm 1971, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình); Ninh Đức Lợi (sinh năm 1974, phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình).
Theo đó, từ đầu tháng 12.2017, bằng nhiều thủ đoạn đe dọa, gây rối, khống chế, Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn đã buộc Công ty Thành Phát - là công ty làm dịch vụ hỏa táng cho Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long (Nam Định) - phải ngừng hoạt động tại Thái Bình.
Tiếp đó, Đường "Nhuệ" cùng Ninh Đức Lợi (sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình) đã tìm cách thâu tóm địa bàn bằng cách tự nguyện tuyên bố là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ (đã được các công ty dịch vụ tang lễ thành lập từ trước, nhưng không xin phép chính quyền công nhận).
Đường "Nhuệ" đứng ra phân chia địa bàn hoạt động cho các công ty dịch vụ tang lễ và tự ý đặt ra quy định về các khoản nộp bắt buộc tính trên số ca hỏa táng. Tiền này được gọi là hội phí và quỹ từ thiện. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đó do Đường thu và toàn quyền quyết định.
Bằng các hành vi đe dọa, cưỡng ép, Đường đã buộc các công ty hoạt động dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh phải chấp nhận các quy định của mình. Lo sợ bị trả thù, các công ty này không dám tố cáo đến các cơ quan chức năng về hành vi của Nguyễn Xuân Đường.
Đặng Luân - Mai Chi
Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường bị đề nghị phạt bao nhiêu năm tù? |
An ninh thắt chặt trong phiên xử vụ vợ chồng Đường Nhuệ đánh phụ xe |
Hôm nay xét xử vợ chồng Đường "Nhuệ" và đàn em đánh phụ xe dã man |