Khi các nền kinh tế phương Tây hồi sinh thì đợt bùng phát dịch ở châu Á lại tạo ra nút thắt mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đợt bùng phát dịch mới tại một trong những cảng đông đúc nhất thế giới ở miền nam Trung Quốc đã dẫn đến sự chậm trễ trong vận chuyển toàn cầu. Cùng với đó, tình hình lây nhiễm tại các điểm chính của chuỗi cung ứng bán dẫn như Đài Loan và Malaysia, đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip toàn cầu.
Những biến cố mới gia tăng lo ngại về lạm phát, sau khi Trung Quốc và Mỹ tuần này lần lượt công bố mức tăng vọt về chỉ số giá sản xuất và giá tiêu dùng cao nhất trong hơn một thập kỷ. Nếu như tình hình tồi tệ hơn, chúng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
Trong phần lớn năm ngoái, Trung Quốc, Đài Loan cùng nhiều khu vực khác của châu Á đã kiểm soát đại dịch tốt hơn Mỹ và châu Âu, nên hạn chế một số thiệt hại kinh tế. Nhưng nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng mạnh, phương Tây bắt đầu nới lỏng các hạn chế và kinh tế dần hồi phục.
Trong khi đó, châu Á lại đi sau trong việc tiêm chủng, các nhà chức trách phần lớn chọn cách kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn để ngăn chặn virus xâm nhập. Và Covid-19 vẫn lan rộng. Thái Lan bị vùi dập trong hai tháng qua bởi số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam - một trung tâm sản xuất ngày càng quan trọng, dù kiểm soát dịch tốt năm ngoái nhưng giờ cũng ảnh hưởng.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp trên toàn châu Á có thể dẫn đến việc tiếp tục duy trì các quy định về giãn cách xã hội và phong tỏa, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng. "Điều này diễn ra vào thời điểm thực sự nhạy cảm khi chúng ta mới bắt đầu chứng kiến sự phục hồi thương mại toàn cầu", Nick Marro, nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit, đánh giá.
Cảng Diêm Điềm tại Thâm Quyến, Quảng Đông vào tháng 5/2020. Ảnh: Reuters. |
Tại Diêm Điềm, một cảng container ở thành phố Thâm Quyến, ổ dịch mới lây lan trong nhân viên cảng đã khiến giao thông tắc nghẽn, gây thêm căng thẳng cho ngành vận tải biển quốc tế, vốn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu container và tắc nghẽn kéo dài một tuần ở kênh đào Suez hồi đầu năm.
Một số tàu đã phải đợi đến hai tuần để nhận hàng tại Diêm Điềm, với khoảng 160.000 container đang chờ được xếp. Giá vận chuyển một container 40 feet đến Bờ Tây của Mỹ đã tăng lên 6.341 USD, theo Chỉ số Freightos Baltic, tức tăng 63% kể từ đầu năm và hơn ba lần so với một năm trước đó.
Năm ngoái, Diêm Điềm xử lý lượng hàng hóa nhiều hơn gần 50% so với Cảng Los Angeles - cảng container nhộn nhịp nhất của Mỹ. Trong quý I/2021, khối lượng container đã tăng 45% so với một năm trước đó. Hua Joo Tan, một nhà phân tích tại Liner Research Services (Singapore) cho biết cảng này xử lý hơn 13 triệu container mỗi năm, và hiện ở mức cao hơn 30% so với mức bình thường, nên sự chậm trễ có thể kéo dài trong vài tuần.
Lars Mikael Jensen, người đứng đầu A.P. Moller-Maersk A/S, gã khổng lồ vận tải biển của Đan Mạch, cho biết tình trạng tồn đọng ở Thâm Quyến sẽ tác động toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng hóa của Walmart và Home Depot.
"Đó là một cảng lớn và rất năng động. Trì hoãn ở đó sẽ ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới", ông Jensen cho biết công ty đang chuyển hướng 40 tàu container từ Diêm Điềm đến các cảng khác, bao gồm cả Hong Kong. "Chưa có thay đổi trong trước mắt. Người Trung Quốc vẫn đóng cửa cho đến khi chắc chắn Covid-19 sẽ không lây lan", ông nói.
Trong khi đó, Đài Loan, nơi chiếm một phần năm năng lực sản xuất chip của thế giới, đang hứng chịu đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tại King Yuan Electronic, một trong những công ty đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất của hòn đảo, hơn 200 nhân viên đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong tháng này. Có 2.000 công nhân khác đã được cách ly, làm giảm khoảng một phần ba doanh thu trong tháng này.
TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, chiếm 92% sản lượng chip tinh vi toàn cầu, cho biết vẫn chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đợt bùng phát đang xảy ra ngay cạnh trụ sở chính của họ ở Tân Trúc, Đài Loan. Với sự thiếu hụt chip toàn cầu vốn đã căng thẳng, đợt bùng phát dịch "tất nhiên làm tình hình tệ hơn", theo Brady Wang, nhà phân tích chất bán dẫn tại Counterpoint Research.
Malaysia, nơi có một số nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài liên quan đến sản xuất chip, tụ điện, điện trở và các mô-đun quan trọng khác được sử dụng trong thiết bị điện tử tiêu dùng và ôtô, cũng chứng kiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng.
Infineon Technologies AG, một nhà sản xuất chất bán dẫn của Đức với hai nhà máy ở Malaysia, đã bị cơ quan y tế yêu cầu đóng cửa một cơ sở, làm chậm trễ một số đơn hàng. Theo Gregor Rodehueser, phát ngôn viên của công ty, các nhà máy toàn cầu khác của công ty đang hoạt động với công suất cao và không thể chia sẻ đơn hàng bị chậm trễ.
Taiyo Yuden, nhà máy sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện bán dẫn của Nhật Bản tại Malaysia đã kéo dài thời gian ngừng hoạt động thêm 10 ngày, sau khi phát hiện thêm một số ca dương tính. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia cho biết việc phong tỏa sẽ làm giảm sản lượng từ 15% đến 40%.
Sự thiếu hụt chất bán dẫn đã tác động đến các doanh nghiệp nhỏ, với việc giao hàng chậm hơn và giá cao hơn. Hector Martinez, CEO Rye Auto Care ở New York cho biết mọi thứ liên quan đến các bộ phận điện tử đều đến muộn. "Săm lốp đang khan hiếm và giá phụ tùng đã tăng 20% trong hai tháng qua", ông nói.
Ngoài tác động đến các công ty trong chuỗi cung ứng, sự gián đoạn có thể gây ra trở ngại cho lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc - một trong những trụ cột mạnh nhất trong quá trình phục hồi kinh tế - và gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu.
Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại công ty bán lẻ trực tuyến JD, cho biết Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn áp lực lạm phát toàn cầu, khi các nhà sản xuất đã hấp thụ phần lớn sự gia tăng của chi phí đầu vào. Tuy nhiên, gián đoạn mới nhất ở Diêm Điềm có nguy cơ đẩy giá tiêu dùng cao hơn trên khắp thế giới.
Quảng Đông là tỉnh mà Thâm Quyến trực thuộc và là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, đóng góp khoảng 1/10 sản lượng kinh tế cho nước này. Việc Covid-19 bùng phát ở đó đã khiến một số nhà sản xuất phải tăng giá và thậm chí tạm ngừng hoạt động để tránh tiếp tục xói mòn biên lợi nhuận.
"Điều này thật đáng sợ. Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến sự suy giảm công suất cảng quy mô như vậy ở Trung Quốc", Zhu Guojin, một nhà tư vấn tại công ty hậu cần Jizhi Supply Chain Service, cho biết.
Hôm 10/6, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói Covid-19 bùng phát ở Quảng Đông vẫn chưa tác động rõ rệt đến ngoại thương. Trong số khoảng 2.000 nhà xuất khẩu của tỉnh, hơn một nửa cho biết các đơn đặt hàng mới vẫn cao hơn so với một năm trước đó.
Các nhà phân tích chất bán dẫn cũng lạc quan rằng tác động của đợt bùng phát ở Đài Loan đối với hoạt động sản xuất chip là tối thiểu, cho rằng mọi thứ sẽ không trở nên tồi tệ hơn đáng kể.
Patrick Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu Đài Loan của CLSA, một công ty môi giới, cho biết vấn đề quan trọng nhất là ngăn chặn sự bùng phát tại các công ty cụ thể và ngăn nó lây lan ra ngoài. "Nếu không thể, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với một sự gián đoạn nghiêm trọng hơn nhiều", ông nói.
Một số công ty lại có thể hưởng lợi khi các chuỗi cung ứng khó khăn. Cổ phiếu của một số công ty vận tải biển Trung Quốc như Cosco Shipping Holdings - một trong những nhà khai thác tàu hàng lớn nhất thế giới - đã tăng tới 14% vào 10/6, lên cao nhất trong hơn một thập kỷ nhờ dự báo giá vận chuyển container sẽ còn tiếp tục tăng.
Phiên An (theo WSJ)
Không đeo khẩu trang phòng COVID-19, Tổng thống Brazil bị phạt tiền |
Đông Nam Á tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 |
Mỹ thách thức ngoại giao vaccine của Trung Quốc |