Với 152 bệnh nhân Covid-19 được công bố ngày 23/6, số ca nhiễm tại TP HCM đã tăng lên 2.074, xếp thứ hai cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Đây là số ca nhiễm nằm trong trong tình huống thứ ba - "nghiêm trọng nhất" theo kịch bản ứng phó Covid-19 của ngành y tế TP HCM xây dựng giữa tháng 5. Thời điểm đó, thành phố chỉ mới ghi nhận 3 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4.
Theo kịch bản này, những ca nặng sẽ được điều trị ở các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và thành phố sẽ tăng cường các bệnh viện dã chiến ở Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), Nhà triển lãm quận 7, Nhà văn hoá thể thao các quận với tổng công suất 5.000 giường, 1.000 giường hồi sức, 55 giường đặt trong buồng áp lực tâm và 1.000 máy thở.
Người dân quận Bình Tân xếp hàng lấy lẫu xét nghiệm, tối 22/6. Ảnh: Hữu Khoa. |
Trong các nhiễm công bố hôm qua, 21 trường hợp phát hiện qua khám sàng lọc ở bệnh viện, đang điều tra dịch tễ. Đây không phải là ngày đầu thành phố ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng qua khám sàng lọc. Nửa tháng qua, mỗi ngày thành phố đều phát hiện ca nhiễm mới thông qua sàng lọc, không rõ nguồn lây. "Điều này cho thấy mầm bệnh đang âm thầm lây lan trong cộng đồng", theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM.
Quận Bình Tân ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất TP HCM với 309 ca; tiếp đó là Hóc Môn, Gò Vấp, quận 12, TP Thủ Đức, quận 8 với số ca nhiễm lần lượt là 205, 168, 130, 123, 118. Hai địa phương ít ca nhiễm nhất là huyện Cần Giờ 2 ca và quận 4 với 9 ca.
Ngoài ổ dịch lớn nhất tại điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở Gò Vấp với 587 ca nhiễm, TP HCM đang ghi nhận một số ổ dịch lớn khác gồm: chung cư Ehome 3, quận Bình Tân (196 ca); Công ty Kim Minh, phường 13, quận 5 (100 ca); Hnam Mobile (70 ca); xưởng cơ khí Hóc Môn (70 ca); chung cư Phú Thọ, quận 11 (48 ca); vựa ve chai Đề Thám, quận 1 (29 ca); nhân viên UBND quận 7 (28 ca)...
Trong công văn gửi UBND TP HCM ngày 23/6, Bộ Y tế cho rằng TP HCM tiếp nhận hơn 870.000 liều vaccine Covid-19, song đến nay mới tiêm được hơn 50.000 liều là chậm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị thành phố khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp.
Vùng dịch lớn thứ nhì ở phía Nam là Bình Dương cũng đang diễn biến phức tạp. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 164 ca Covid-19 trong cộng đồng. Riêng ổ dịch phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, đã lây ra nhiều chuỗi lây nhiễm khác tại các công ty: Công ty Việt Nam House Wares 86 ca; Công ty gốm Hiền Hòa Anh 21 ca; Chi nhánh xử lý chất thải Bình Dương 20 ca; Công ty Vision (phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên) 2 ca...
Theo Liên đoàn Lao động Bình Dương, đến nay tỉnh ghi nhận 87 công nhân mắc Covid-19, 171 doanh nghiệp, nhà máy bị ảnh hưởng. Hơn 5.200 công nhân gồm 600 F1, 3.200 F2 và 1.400 lao động trong khu vực phong tỏa phải tạm nghỉ việc.
Trước diến biến phức tạp của dịch, tỉnh đã phong tỏa phường Tân Phước Khánh với 50.000 dân. TP Thuận An, thị xã Tân Uyên và bốn phường Hiệp An, Chánh Mỹ, Phú Hòa, Hiệp Thành (TP Thủ Dầu Một) giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (bìa phải) trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về việc phòng chống dịch tại khu trọ phường Bình Hòa, TP Thuận An, sáng 23/6. Ảnh: Phước Tuấn. |
Thị sát khu nhà trọ công nhân tại phường Bình Hòa và khu cách ly tập trung tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, ngày 23/6, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá việc thực hiện giãn cách xã hội ở đây chưa nghiêm khi nhiều mặt hàng không thiết yếu vẫn hoạt động, công trình xây dựng vẫn làm, không có hàng rào ngăn cách với các địa phương khác.
"Chỉ thị 16 rất nghiêm ngặt, nguyên tắc người cách ly người, nhà cách ly nhà, khu phố cách ly khu phố... nên tôi sẽ kiến nghị Bình Dương cần siết chặt hơn nữa", ông Sơn nói và cho rằng Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp với 1,2 triệu công nhân nên cần chủ động phòng chống, không để lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt vào khu vực nhà máy sản xuất.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế sẽ kiến nghị sớm tiêm vaccine cho công nhân Bình Dương như TP HCM để ngăn chặn mầm bệnh vào công xưởng. "Việc sớm tiêm vaccine cho công nhân ở các tỉnh này như đã áp dụng tại TP HCM là vô cùng quan trọng trong chống dịch", ông Sơn nói.
Trong ngày 23/6, Việt Nam ghi nhận thêm 217 ca trong nước, nâng tổng số ca nhiễm cả nước trong đợt dịch thứ tư lên 10.657 ca, ở 44 tỉnh thành. Bắc Giang vẫn là địa phương ghi nhận số nhiễm nhiều nhất với 5.499 ca; tiếp đó là TP HCM 2.074 và Bắc Ninh 1.549 ca.
Hữu Công
Một ngày phát hiện 21 ca chưa rõ nguồn lây tại TP HCM |
Chiến dịch tiêm vaccine lịch sử ở TP.HCM: Sợ không được tiêm hơn sợ tác dụng phụ |