Dù đẩy mạnh tour đến những điểm an toàn và chấp nhận cho khách lùi tour nhưng các doanh nghiệp lữ hành vẫn phải đối mặt với hiệu ứng dây chuyền huỷ tour hàng loạt.
Du lịch, hàng không là những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và rõ ràng nhất tác động do đại dịch COVID-19 gây ra.
Đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ nhất, hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động, thậm chí là phá sản. Từ tháng 6 đến nay, khi ngành du lịch đang trên đà phục hồi thì dịch bệnh lại bùng phát lần 2, khởi đầu tại thành phố du lịch Đà Nẵng, khiến nhiều doanh nghiệp "khóc dở, mếu dở" vì khách đồng loạt hủy tour.
"Tầm này khách đi du lịch bất cứ đâu muốn huỷ tour cũng là điều dễ hiểu vì khách đang nghe ngóng tình hình, cũng như hạn chế đi lại để tránh dịch. Phía công ty chúng tôi đã hỗ trợ hết sức để khách cảm thấy thoải mái nhất khi hủy hoặc dời tour lại vài tháng, đến khi tình hình ổn định mới đi", đại diện Medi Travel chia sẻ.
Mặc dù chấp nhận tình huống xấu nhất nhưng nhiều công ty du lịch thời điểm này đều mong muốn "xin khách đừng vội hủy tour" bởi họ không chỉ đối mặt với việc khách có tour đến Đà Nẵng, Quảng Nam - những vùng có dịch - yêu cầu hủy mà hầu hết tour đến các địa điểm du lịch khác cũng bị hủy do hiệu ứng dây chuyền.
"Doanh nghiệp mong khách cẩn trọng trước dịch bệnh nhưng cũng không vội vàng hủy tour, nhất là những tour đến nơi chưa có dịch hoặc những tour có thời gian khởi hành còn xa. Hiện nhiều tour phải 2, 3 tháng nữa, thậm chí là cuối năm mới diễn ra nhưng khách vẫn đồng loạt hủy. Điều này gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp", đại diện một công ty lữ hành ở Hà Nội tâm sự.
Không chỉ riêng Đà Nẵng, hàng loạt các điểm đến khác đều bị khách huỷ tour. (Ảnh: Dulichlive) |
Theo doanh nghiệp, do là cầu nối trung gian giữa khách hàng và các loại hình dịch vụ từ máy bay đến cơ sở lưu trú nên khi khách đặt tour, doanh nghiệp lữ hành đều đã ký kết hợp đồng hợp tác với các cơ sở để giữ chỗ cho khách. Việc huỷ tour đồng loạt sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, bởi một số nơi không đồng ý trả lại tiền mà chỉ đồng ý bảo lưu ngày lưu trú cho khách đến sau khi hết dịch. Để giải quyết ổn thỏa cho khách hàng, nhiều công ty phải bỏ tiền túi ra ứng trả trước cho khách và sẽ thanh toán với các đơn vị đối tác sau.
"Mặc dù nhiều khi khách hủy tour sẽ khiến chúng tôi bị đối tác phạt rất nặng nhưng cũng đành phải chịu vì tình hình chung. Chúng tôi cũng cố gắng hoàn lại các chi phí mà khách chưa sử dụng, thậm chí dù khách hủy tour nhưng công ty vẫn tặng thêm voucher, thẻ giảm giá các dịch vụ vui chơi, massage, ăn uống để sau này khách sẽ quay lại mà vẫn cảm thấy vẫn thoải mái. Những chi phí đó đều là doanh nghiệp bỏ tiền túi ra", lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.
Ông Nguyễn Tiến, CEO Du lịch Bluesky Travel nói: "Riêng trong tháng 8, toàn bộ khách du lịch đi Đà Nẵng đều đã huỷ tour, một số người chuyển sang các địa điểm khác như Phú Quốc, Nha Trang... nhưng những nơi này lại bắt đầu vào mùa mưa nên khách cũng đang cân nhắc. Phía công ty chúng tôi đang đẩy mạnh các chương trình ưu đãi về tour cho khách tại các địa điểm an toàn khác như Sapa, Hạ Long...
Mặc dù khi vận hành các tour này chúng tôi gần như không có lãi nhưng chúng tôi vẫn cố để giữ khách và lấy chi phí tồn tại. Đây quả thực lại là một đòn đau giáng xuống ngành du lịch trong nước vốn chưa kịp phục hồi vì dịch bệnh. Khi thị trường quốc tế chưa mở cửa, thị trường nội địa mới nhen nhóm được gần một tháng nay thì giờ lại phải hứng chịu tác động này".
Không chỉ phải chuyển đổi chuyến, xây dựng tour mới để có thể tồn tại nhiều doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng ngủ đông gần như hoàn toàn. "Thời điểm này, chúng tôi vẫn đưa ra lời khuyên với khách hàng của mình không nên di chuyển nhiều, mọi người nên ở nhà để phòng dịch cho tốt. Chúng tôi sẽ cơ cấu lại, dành thời gian này để nâng cao dịch vụ, học hỏi những cái mới và đào tạo cho nhân viên thêm về kiến thức phòng dịch cũng như phong cách phục vụ khách hàng", đại diện Lim Travel nói.
Hiệp hội du lịch nhiều địa phương cũng đã có những phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoãn, huỷ tour. (Ảnh: TRAVEL+LEISURE). |
Nhận thấy việc các doanh nghiệp lữ hành đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoãn, huỷ tour vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều Hiệp hội du lịch các địa phương đã có động thái hỗ trợ.
Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã có văn bản đề nghị các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước vận động đơn vị cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất và thiệt hại; không phạt hủy, hoãn, đồng thời hoàn tiền cho doanh nghiệp lữ hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng.
Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, Nha Trang – Khánh Hòa cũng vừa có các văn bản gửi cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành trong đàm phán hủy, hoãn tour nhằm chia sẻ khó khăn. Các hiệp hội cho rằng việc hủy tour và hoãn lại các chuyến đi du lịch vào lúc này là quyết định cần được chấp nhận vì sức khỏe cộng đồng.
Doanh nghiệp lữ hành khốn khổ vì dịch bệnh viêm phổi virus corona |
Công ty lữ hành lâu đời nhất thế giới phá sản |
Nhiều đơn vị lữ hành giảm giá tour du lịch ngắn ngày dịp lễ Quốc khánh |