PVTRANS TỪNG BƯỚC CỤ THỂ HÓA THAM VỌNG VƯƠN RA BIỂN LỚN

Ngày 25/6/2020 tới đây, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT) dự kiến tổ chức Đại hội cổ đông năm 2020. Tại đại hội, PVT sẽ báo cáo cụ thể về tình hình kinh doanh năm 2019, định hướng phát triển trong năm 2020.

Nền tảng tăng trưởng

Năm 2019, PVTrans ghi nhận tổng danh thu 8.047 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 821 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 146% và 205% kế hoạch.

Về cơ cấu doanh thu, tỷ trọng doanh thu dịch vụ vận tải của PVTrans tăng từ 57% lên 61%, tỷ trọng lợi nhuận dịch vụ vận tải tăng từ 69% lên 71%.

Dịch vụ vận tải hàng lỏng, với doanh thu đạt 4.752 tỷ đồng, PVTrans tiếp tục giữ vững vị trí là doanh nghiệp vận tải hàng lỏng số 1 Việt Nam.

Trong năm qua, PVTrans đã thực hiện vận chuyển an toàn, hiệu quả 1.664 chuyến hàng các loại, bao gồm vận chuyển hơn 6,6 triệu tấn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, 2,4 triệu tấn dầu thô bằng tàu VLCC từ Kuwait về Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, hơn 2,2 triệu tấn dầu sản phẩm, 1,4 triệu tấn LPG. Tổng công ty duy trì 100% thị phần vận tải dầu thô và LDP trong nước, chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần vận tải xăng dầu tại thị trường nội địa.

Hiện nay, 70% đội tàu PVTrans thường xuyên hoạt động tại thị trường quốc tế với các hình thức cho thuê đa dạng (thuê chuyến, định hạn, vận chuyển nhập khẩu) đã giúp doanh nghiệp tăng nguồn thu ngoại tệ, xây dựng được thương hiệu quốc tế và đặc biệt là đa dạng hóa được thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường nội địa đang bão hòa và có xu hướng bất ổn, giảm sút.

Trong năm 2019, Công ty mẹ PVTrans nhận tàu PVT Aurora và tháng 11/2019, các đơn vị thành viên nhận 6 tàu, nhằm từng bước trẻ hóa đội tàu. Năm 2020, Công ty mẹ dự kiến đầu tư mới 4 tàu, với trọng tải lần lượt 50.000 - 80.000 DWT, 10.000 - 25.000 DWT, 105.000 - 120.000 DWT, 25.000 - 39.999 DWT.

Bên cạnh đó, Tổng công ty góp vốn vào Công ty cổ phần Vận tải dầu Phương Đông Việt (PVTrans Oil), Công ty cổ phần Vận tải Nhật Việt và Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí Quốc tế (Gas Shipping). Các công ty thành viên dự kiến sẽ đầu tư 11 tàu trong năm 2020.

Như vậy, với việc liên tục đầu tư vào các tàu mới, mục đích không những khai thác trong nước mà khai thác cho khách hàng quốc tế, sẽ tạo nên cơ hội tăng trưởng doanh thu gối đầu từ các khách hàng mới, dự kiến điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp từ năm 2021 trở đi, khi các tàu mới vận hành ổn định.

Về kế hoạch tài chính, năm 2020, PVTrans lên kế hoạch đạt tổng doanh thu 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Được biết, trong quý I/2020, doanh nghiệp ghi nhận 89,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 20,6% kế hoạch năm. PVTrans cho biết, trong quý đầu năm, Tổng công ty đã trích chi phí sửa chữa lớn tàu dầu thô để chuẩn bị lên đà vào quý II/2020.

Kết quả kinh doanh mảng dịch vụ vận tải PVT.

Định hướng năm 2020

Định hướng hoạt động của PVTrans trong năm 2020 là vận chuyển an toàn, kịp thời toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào (kể cả dầu thô nhập khẩu) và sản phẩm đầu ra của Nhà máy lọc dầu Dung Quất; tăng cường làm việc với PetroVietnam, đối tác KPC/KPI để PVTrans giành được quyền tham gia vận chuyển dài hạn nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm đầu ra cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Đồng thời, PVTrans tiếp tục làm việc với khách hàng để cung cấp dịch vụ vận chuyển, chuyển tải than phục vụ cho dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, hoàn thiện phương án chi tiết vận chuyển than cho các dự án nhà máy nhiệt điện khác do PetroVietnamđầu tư như Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu; ký kết chính thức hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng vận chuyển than cho các nhà máy trên.

Bên cạnh đó, Tổng công ty dự kiến đầu tư phương tiện tàu vận chuyển quốc tế, chuyển tải kết hợp tìm kiếm đối tác cung cấp phương tiện, dịch vụ ngoài nếu giành được quyền phục vụ công tác vận chuyển nguồn than nhập khẩu với sản lượng tối thiểu 50% nhu cầu các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1.

Ngoài ra, PVTrans tổ chức thực hiện vận chuyển CNG cho Công ty cổ phần CNG Việt Nam, LPG cho Nhà máy GPP Cà Mau; từng bước nâng cao khối lượng, chất lượng dịch vụ vận chuyển sản phẩm của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Cà Mau.

Khách hàng của PVTrans chủ yếu là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu, nhà máy nhiệt điện và nhà máy sản xuất phân đạm, nên khối lượng công việc tương đối ổn định, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính đều và tăng trưởng trong những năm qua.

Năm 2017, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính là 745,1 tỷ đồng, năm 2018 là 930,9 tỷ đồng và năm 2019 là 1.178,5 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2020, Tổng công ty có 2.807 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn, chiếm 25% tổng tài sản, lượng tiền mặt tương đương 9.975 đồng/cổ phiếu.

Về dòng tiền đầu tư, trong hai năm 2018 và 2019 âm lần lượt là 1.663,3 tỷ đồng và 1.522,6 tỷ đồng, chủ yếu do PVTrans thực hiện chiến lược trẻ hóa đội tàu.

Nếu như các tàu mới kể từ năm 2021 bắt đầu tạo được dòng tiền đều về doanh nghiệp thì lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng, giúp PVTrans có vị thế tài chính ngày một mạnh hơn sau giai đoạn đẩy mạnh đầu tư.

https://www.pvtrans.com/blog/tin-hoat-ong-pvtrans-11/post/pvtrans-tung-buoc-cu-the-hoa-tham-vong-vuon-ra-bien-lon-4706

Tổng Công ty Vận tải Dầu khí: Cứu con tàu "sắp đắm" bằng cách nào? Tổng Công ty Vận tải Dầu khí: Cứu con tàu "sắp đắm" bằng cách nào?

Năm 2011, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) là đơn vị khốn khổ nhất Tập đoàn: Nợ nần chồng chất, ...

Khen thưởng thực chất nhìn từ PVTrans Khen thưởng thực chất nhìn từ PVTrans

Với sự công tâm, thực chất và không ngừng đổi mới, văn hoá khen thưởng tại Tổng Công ty Cổ phần Vận tại Dầu khí ...

/ www.pvtrans.com