"Tôi ở lại TP.HCM ăn Tết, trực tại bệnh viện, bởi tôi muốn được làm một điều gì đó cho thành phố này - nơi vừa trải qua nhiều đau thương, mất mát".
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, chị Bùi Thị Mến (26 tuổi) rời quê hương vào làm việc tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) được 4 năm. Bốn năm làm việc, chị Mến có 3 cái Tết xa nhà...
Chị Mến tâm sự: "Đã chọn nghề y là chúng tôi coi bệnh viện là nhà, người bệnh là người thân. Ngày Tết, người người sum họp bên gia đình, còn chúng tôi bên bệnh nhân chính là bên gia đình. Và người thân, bố mẹ ở nhà luôn ủng hộ "sứ mệnh" mà chúng tôi đã chọn".
Điều dưỡng Bùi Thị Mến chọn ở lại bệnh viện chăm sóc F0 dịp Tết. |
Ở lại vì không muốn tiếc nuối
Trải qua đại dịch COVID-19, cũng giống như mọi người, chị Mến cho rằng tài sản quý giá nhất của con người là sức khỏe, là tính mạng. Những ngày tháng thành phố oằn mình để chống lại COVID-19, lúc đó mới thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, vì thế chị Mến quan niệm mỗi chúng ta khi còn sống hãy sống làm sao cho khỏi ân hận về sau. Điều đó đã thôi thúc chị ở lại dịp Tết, trực tại bệnh viện để chăm sóc F0.
"Dịch bệnh đã qua đỉnh điểm, nhưng còn đó những người bệnh, những F0, họ không có người thân bên cạnh, rất cần y bác sĩ chăm sóc, mình không thể rời đi.
Tôi ở lại TP.HCM ăn Tết, tôi muốn được làm một điều gì đó cho thành phố này - nơi vừa trải qua nhiều đau thương, mất mát. Tôi ở lại chăm sóc F0 bởi vì tôi làm nghề y, là thầy thuốc tôi phải góp chút sức tuổi trẻ để chăm người bệnh, để sau này không phải nuối tiếc rằng tuổi trẻ đã không cống hiến hết mình cho nghề mình đã chọn", chị Mến chia sẻ.
Năm qua, điều chị Mến ấn tượng nhất là tình đoàn kết, chung tay chống dịch của nhân viên y tế từ các khoa, ban khác nhau, từ các vùng miền khác nhau. Tất cả không quản ngại khó khăn vất vả, sẵn sàng sát cánh bên nhau vượt qua, vì một mục tiêu chung chăm sóc giúp đỡ những bệnh nhân COVID-19 chiến thắng bệnh trở về bên gia đình.
Điều dưỡng Bùi Thị Mến được phân công chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở khu bệnh nhân vừa và nặng. Khi bệnh nhân tới đây không có người thân, hơn nữa phải có sự hỗ trợ của bình oxy và máy móc, thiết bị theo dõi gắn trên người, họ không có khả năng tự chăm sóc bản thân được, nên rất cần nhân viên y tế. Nơi đây, các điều dưỡng, bác sĩ, y tá… đều xem họ như người nhà, tận tình điều trị.
Điều dưỡng Mến kể, có những anh chị đã tạm xa chồng con, cha mẹ già, gác lại mọi công việc để vào khu cách ly chống dịch. Số lượng bệnh nhân tăng mỗi ngày dẫn tới công việc quá tải, giờ giấc làm việc kéo dài khiến họ bị áp lực tâm lý đè nặng dẫn tới căng thẳng.
Bệnh nhân còn khó khăn gấp bội khi vừa phải một mình vào khu cách ly vừa hằng ngày phải vật lộn với những đau đớn tổn thương cả về tinh thần và thể chất nặng nề mà COVID-19 gây ra. Bệnh diễn tiến rất nhanh khiến y bác sĩ phải chạy đua với thời gian mới có thể cứu giúp họ.
Cả hai điều này khiến cho các nhân viên y tế mệt mỏi hơn bao giờ hết, đã căng thẳng lại càng dễ gục ngã. “Có những lúc bản thân tôi cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, muốn về nhà, nhưng rồi trách nhiệm của người hành nghề y buộc tôi phải đứng dậy và tiếp tục công việc của mình”, chị Mến nói.
Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19. |
Động lực là khi bệnh nhân khỏe lại
Khó khăn là thế, nhưng khi kể về những ngày chống dịch đã qua, chị Mến cho biết, nguồn động lực để chị cùng các đồng nghiệp vượt qua chính là nhìn thấy bệnh nhân khỏe lại.
Trong hơn 6 tháng chăm sóc và điều trị bệnh nhân, chị Mến vô cùng nể phục với nghị lực sống mãnh liệt của cụ ông Lại Thế Khởi, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông Khởi vào viện trong tình trạng khó thở nặng, 2 phổi tổn thương diện rộng kết hợp nhiều bệnh nền, nhiều lúc tưởng chừng không qua khỏi.
Nhưng bằng ý chí mạnh mẽ và sự quyết tâm chiến đấu kiên cường, kết hợp với sự chăm sóc tận tình của y bác sĩ Khoa Điều trị COVID-19 của bệnh viện, sau hơn 4 tuần điều trị tích cực, ông cụ đã dần hồi phục và xuất viện trong niềm vui, hạnh phúc của các y bác sĩ, của người thân.
“Nhìn thấy nụ cười của ông như tiếp thêm sức mạnh và niềm hi vọng không chỉ cho riêng chúng tôi mà các bệnh nhân khác nữa. Giờ đây, khi chăm sóc bệnh nhân, họ khỏi bệnh, khỏe mạnh chính là nguồn động lực để tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê khi Tết đến", điều dưỡng Bùi Thị Mến chia sẻ.
MAI CÁT
Đám cưới qua điện thoại của nữ điều dưỡng Hà Nội tại BV dã chiến TP.HCM |
Nữ điều dưỡng F0 xin ở lại khu điều trị làm “bảo mẫu” cho các em nhỏ |
Quảng Nam: 3 bác sĩ, điều dưỡng nhiễm SARS-CoV-2 |