Giá lợn hơi tại miền Bắc lại tiếp tục đà tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg. Trước giá lợn tăng cao, một số địa phương dự kiến mở điểm bán thịt lợn bình ổn giá.
Ngày 30.6, trong khi giá lợn hơi tại khu vực phía Nam và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên giảm, thì giá lợn hơi tại miền Bắc lại tiếp tục đà tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá lợn bán ra tại Ninh Bình tăng 3.000 đồng/kg lên 93.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh: Yên Bái, Thái Bình, Hà Nội, giá lợn tăng 2.000 đồng/kg lên 92.000 đồng/kg. Tại tỉnh Vĩnh Phúc giá bán ra ở mức 92.000 đồng/kg - tăng nhẹ 1.000 đồng/kg.
Ngược lại, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam đang giảm nhẹ, giá bán ra phổ biến ở mức 85.000-86.000 đồng/kg. Cá biệt một số địa phương như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu giá giảm còn 83.000 đồng/kg và ổn định mức này trong 2 ngày nay.
Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, giá giảm nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg: Khánh Hòa giá còn 84.000 đồng/kg; Hà Tĩnh: 85.000 đồng/kg.
Do nguồn cung giảm, nên giá thịt lợn bán ra trên thị trường các tỉnh phía Bắc vẫn ở mức cao, phổ biến từ 150.000-180.000 đồng/kg, sức mua chậm.
Tại các siêu thị, thị nhiều mặt hàng thịt lợn như sườn non, ba chỉ… cao hơn giá bán tại chợ dân sinh khoảng 20%.
Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để bổ sung nguồn cung trong nước, nhằm kéo giá thịt lợn xuống, nhưng giải pháp này chưa phát huy được hết hiệu quả, bởi lợn sống nhập khẩu về Việt Nam bị “đội” giá quá cao, khó có thể bán dưới 80.000 đồng/kg để điều tiết giá thị trường.
Cần nhập khẩu thêm thịt lợn để tăng nguồn cung. Ảnh: Khánh Vũ |
Trao đổi với PV Lao Động sáng 30.6. ông Trần Duy Đông-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện tại, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành đề xây dựng đề án nhập khẩu thịt lợn từ 1 số nước (trong đó có Hoa Kỳ) thông qua 1 số doanh nghiệp phân phối lớn.
Mặt khác, Bộ Công Thương đang đề nghị các hệ thống phân phối lớn như Vinmart, Big C, Saigon Coop... tăng cường đưa các mặt hàng thịt lợn nhập khẩu vào hệ thống phân phối của mình để phục vụ người tiêu dùng và chạy các chương trình khuyến mại, giảm giá bán, chia sẻ lợi ích với chính phủ và người tiêu dùng.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương thực hiện các chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn tại địa phương và có một số địa phương có cách làm khá tốt. Ví dụ như UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản thống nhất cho một doanh nghiệp được mở các điểm bán thịt lợn bình ổn giá tại các chợ trên địa bàn tỉnh, với giá bán thấp hơn thị trường khoảng 10-20%. Dự kiến từ tuần tới sẽ triển khai bán thịt lợn theo chương trình bình ổn thị trường” – ông Trần Duy Đông nói.
"Dự kiến bán 18 điểm, mỗi chợ 1 điểm, Nhà nước không phải bỏ chi phí, doanh nghiệp tự thuê mặt bằng và bán thịt với giá thấp hơn thị trường”- Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Vũ Long
Nghịch lý, thịt lợn bình ổn giá ở siêu thị đồng loạt tăng mạnh
Giữa lúc người dân đang hy vọng giá thịt lợn sẽ hạ nhiệt khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, thì các hệ thống ... |
Giá thịt lợn và tư duy điều hành
Giá thịt lợn, một lần nữa, lại trở thành chủ đề nóng bỏng trên diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế ... |
Thủ tục nhập khẩu lợn sống quá “lề mề”, nguy cơ không còn lợn để nhập
Thủ tục nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam quá lâu, trong khi nguồn cung tại quốc gia này có hạn. Trung ... |