Những ngày "lửa đốt" của bệnh nhân ung thư

Những bệnh nhân ung thư biết Covid-19 có thể "hạ gục" họ, nhưng dừng điều trị, sinh mạng cũng gặp nguy hiểm chẳng kém nên tất cả đều "ngóng" ngày viện K hết phong tỏa.

Chị Vũ Minh Tâm và anh Nguyễn Văn Tuấn ở Kinh Môn, Hải Dương là hai người cuối cùng còn trụ lại ở khu trọ gần bệnh viện K cơ sở Tân Triều. "Về nhà bây giờ nhỡ trên xe có người dương tính, anh ấy bị nhiễm thì xác định khỏi chữa. Chưa kể về quê còn phải đi cách ly. Thôi đành ở lại, hy vọng bệnh viện sớm được mở cửa, chồng tôi lại được điều trị tiếp", người phụ nữ 46 tuổi thở dài, giải thích cho sự "kiên định" bất đắc dĩ của mình.

Mấy ngày qua, hai vợ chồng chị gần như tự nhốt mình trong phòng, bám víu vào chút hy vọng để cầm cự là đơn thuốc được bác sĩ kê trước đó. Từ khi chồng tái phát bệnh phổi, chị Tâm vẫn chưa tin đây là sự thật. Năm ngoái khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, anh Tuấn đã được phẫu thuật cắt khối u thành công, người phụ nữ này nghĩ chồng đã khỏi. Không ngờ, lần này lại là một hành trình điều trị dài ngày.

Những ngày "lửa đốt" của bệnh nhân ung thư
Bệnh viện K phong tỏa từ sáng 7/5 sau khi ghi nhận ca Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành.

Từ giữa tháng 3, anh Tuấn bắt đầu được điều trị ung thư phổi giai đoạn 3. Mới xạ trị được 7 ngày và truyền hóa chất 3 ngày thì bệnh viện bị phong tỏa. Người đàn ông bị thuốc "công", sụt mất 3 kg, tay lúc nào cũng đập bùm bụp vào ngực để ngăn những cơn ho. Trước đây, mỗi lần như vậy, anh được bác sĩ cho xông họng giảm ho nhưng từ ngày bệnh viện nội bất xuất ngoại bất nhập, chị Tâm chỉ biết ngồi vuốt ngực, vuốt lưng cho chồng. Nhiều lúc thấy anh Tuấn như tàu lá héo rũ, phải ngủ ngồi vì khó thở, chị ôm chồng, nước mắt chảy ngược vào trong.

Xóm trọ có hai mươi phòng giờ vắng tanh. Hôm viện bị phong tỏa, mọi người hớt hải gọi điện cầu cứu bác sĩ nhưng chẳng ai nhận được câu trả lời chính xác về thời gian đợt xạ trị kế tiếp nên rủ nhau về quê hết.

Ở lại Hà Nội chờ đợi là lựa chọn duy nhất của cặp vợ chồng này bởi nếu về tuyến dưới hoặc chuyển viện, họ không có bệnh án. Nhiều người mách dùng thêm thuốc bắc nhưng chị Tâm kiên quyết từ chối: "Phải nghe lời bác sĩ điều trị".

"Dừng xạ trị và truyền thuốc, tôi thấy bệnh của anh ấy trở nặng nhanh hơn", bà mẹ ba con nói. Anh Tuấn liên tục khó thở, không nói được vì mỗi lần vừa định cất tiếng là cơn ho đến nhanh hơn âm thanh phát ra.

Những ngày "lửa đốt" của bệnh nhân ung thư
Anh Tuấn đấm bùm bụp vào lồng ngực mỗi khi cơn ho kéo đến. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tự nhận mình may mắn hơn những bệnh nhân như anh Tuấn, chị Đào Thị Hoa, quê Tiền Hải, Thái Bình vẫn được các bác sĩ chăm sóc hàng ngày do đang được cách ly ngay tại bệnh viện.

Hoa, 34 tuổi, vừa phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung hồi giữa tháng 4. Về nhà đầu tháng 5, nhưng bị tắc ruột sau phẫu thuật, chị phải quay lại viện cấp cứu. Bệnh nhân này được bỏ xông dạ dày đúng ngày phong tỏa viện K, giờ nhúc nhắc đi lại và tập ăn cháo. Theo lịch, 10/5 là ngày đầu được xạ trị nhưng giờ thì "phòng nào ở yên phòng đấy".

Nằm viện hơn một tháng, chị Hoa không biết căn bệnh ung thư của mình đang ở giai đoạn nào, bác sĩ chỉ bảo đợi xạ trị sẽ ổn, nên chị đếm từng ngày. Mẹ đẻ lên trông, ngày ngày nghe con gái thều thào trên giường bệnh: "Nay là ngày mấy?". Càng gần đến ngày được xạ trị, Hoa cảm nhận đường sống của mình càng dài ra. Nhưng "đùng một cái", bệnh viện bị phong tỏa 21 ngày khiến chị khóc ròng. "Tôi khóc không phải vì tuyệt vọng mà vì sự chờ đợi của mình trở nên quá dài", người phụ nữ hai con nói.

Covid-19 ập đến không chỉ đóng băng cơ hội được xạ trị mà còn khiến Hoa đau đầu về viện phí. Mỗi ngày tốn vài trăm nghìn tiền giường, cộng thêm tiền ăn cho hai mẹ con khiến người phụ nữ nông dân không cố nổi nữa. Hoa vừa đăng ký danh sách bệnh nhân không thể chi trả tiền ăn cách ly, xin hỗ trợ nhưng chưa có kết quả.

Hai ngày trước, chị lên một hội nhóm dành cho người ung thư xin khẩu trang và sữa bột, bởi người thân ở nhà cũng bị cách ly cả, chẳng còn ai tiếp tế.

Cách Hà Nội hơn 100 km, trên giường một bệnh viện tại Ninh Bình, nửa đêm ông Trịnh Văn Chiến quơ tay gọi vợ như thói quen, nhưng người đàn ông ung thư gan giai đoạn cuối chợt nhớ mình đang cách ly tập trung vì "là người từ viện K Tân Triều trở về".

Sáng ra, nhận được điện thoại vợ, ông chồng 60 tuổi oà khóc như đứa trẻ: "Tôi buồn nhức không ăn, không ngủ được bà ạ". Ngồi một mình trong nhà theo yêu cầu cách ly, bà Bùi Thị Chín, vợ ông, cũng khóc theo. "Thế người ta có chăm ông tử tế không? Họ cho ông ăn gì?", bà sốt sắng. "Bác sĩ quan tâm chẳng khác ở viện K nhưng tôi đau nhức khắp người, muốn xoa bóp mà chẳng biết kêu ai", giọng ông mệt mỏi.

Tháng 10 năm ngoái, ông Chiến đột nhiên chán ăn, sụt 10 kg, đau tức hạ sườn. Đi khám, ông biết mình mắc ung thư giai đoạn cuối. Từ đó, cứ 23 ngày, hai vợ chồng lại đưa nhau lên Hà Nội truyền hoá chất, hết ba ngày thì về.

Hôm 24/4, ông kết thúc đợt truyền hoá chất thứ bảy. Sáu lần trước, thuốc truyền vào không đáp ứng nên tế bào ung thư phát triển. Lần này, ông được áp dụng liều cao nên sau đó lúc nào cũng chóng mặt, buồn nôn chỉ húp được vài thìa cháo loãng.

Những ngày "lửa đốt" của bệnh nhân ung thư
Ông Chiến (ngoài cùng bên trái) điều trị tại viện K khi dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bà Chín cứ nghĩ việc ông Chiến mắc ung thư là bất hạnh lớn nhất của gia đình, cho đến hôm 7/5, tin có ổ dịch Covid-19 ở bệnh viện K làm xôn xao xã trung du ở huyện Nho Quan. Gia đình ông Chiến có tên trong danh sách phải đi cách ly tập trung vì từng đến bệnh viện K dù đêm đó, ông bà tính nhẩm bảo nhau "may mắn" khi đã rời bệnh viện từ 14 ngày trước.

Hôm sau, đại diện địa phương yêu cầu ông Chiến đi cách ly tập trung tại một bệnh viện địa phương. Bà Chín khóc rấm rứt, xin cho chồng được ở nhà tự cách ly. Thuyết phục không được, bà đòi cán bộ phải viết cam kết "chồng tôi mà chết thì các anh phải đền". Ông Chiến quay sang bảo vợ: "Thôi tôi cũng chẳng sống được mấy hơi nữa. Để tôi đi cho hàng xóm, chính quyền yên tâm". Người đàn ông vơ vội vài bộ quần áo, nhét dăm trăm nghìn đồng vào túi, theo xe đi cách ly.

Vì là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nên ông Chiến được xếp ở cùng phòng với ba bệnh nhân cùng độ tuổi. Không gian của họ khép kín trong phòng bệnh khoảng 20 m2, có bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm túc trực.

Theo lịch của bệnh viện, hai ngày nữa ông Chiến sẽ truyền hoá chất. Nhưng bệnh viện còn phong toả nên ông bà chỉ biết nghe ngóng và chờ đợi. Điều bà Chín sợ nhất là chồng không còn đủ sức để chờ. "Nếu được, tôi chỉ xin nhắn với chính quyền cho chồng tôi được về nhà để tôi săn sóc. Ông ấy chẳng còn sống được mấy mươi nữa", bà nói.

"Dù thế nào cũng phải an toàn và khỏe hơn" là hy vọng duy nhất để hai vợ chồng chị Tâm trụ lại Hà Nội chờ bệnh viện hết ngày phong tỏa. Đơn thuốc còn bảy ngày, chị sẽ mua thêm cho anh uống theo lời dặn dò trước đó của bác sĩ. Còn với Hoa, dù tiền dần cạn nhưng niềm tin vẫn còn. Người phụ nữ này mong 21 ngày trôi qua nhanh để được điều trị như phác đồ đã định. Bà mẹ hai con tin, nếu chữa trị kịp thời, chị có thể chứng kiến ngày con cái xây dựng gia đình, khoảng 15-20 năm tới.

Hải Hiền - Phạm Nga

F1 chết vì ung thư khi đang cách ly tập trung F1 chết vì ung thư khi đang cách ly tập trung
/ vnexpress.net