Nhiều nhân viên y tế Trung Quốc tỏ ra ngần ngại với việc tiêm vaccine do lo sợ sẽ gặp phản ứng phụ nghiêm trọng như các đồng nghiệp của họ ở Anh, Mỹ.
Là chuyên gia y tế tại một bệnh viện công ở đông bắc Trung Quốc, Zhang Quan có nguy cơ tiếp xúc với virus gây dịch COVID-19. Vị bác sĩ tiêu hóa 37 tuổi này đến từ An Sơn, tỉnh Liêu Ninh cố gắng tránh xa mối nguy hiểm đó bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay và làm xét nghiệm COVID-19 ít nhất một lần/tháng.
Nhưng Zhang không hào hứng với việc nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.
“Đã có báo cáo về việc các nhân viên y tế ở Mỹ và Anh chịu một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Tôi không muốn trở thành chuột thí nghiệm", Zhang nói, tin rằng sẽ tốt hơn nếu đợi kết quả các thử nghiệm.
Giới chức Mỹ tuần trước xác nhận một nhân viên y tế ở Alaska bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer/ BioNTech. Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, có thể dẫn tới bất tỉnh hoặc thậm chí thiệt mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, sức khỏe của người này đang dần hồi phục.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại một bệnh viện ở Trung Quốc. (Ảnh: SCMP) |
Anh trước đó cũng ghi nhận 2 trường hợp có tác dụng phụ tương tự.
"Tôi chưa thấy dữ liệu giai đoạn ba được đánh giá. Bên cạnh đó, Trung Quốc rất nghiêm ngặt về việc kiểm soát dịch bệnh và An Sơn không ghi nhận ca nhiễm mới trong nhiều tháng. Vẫn còn thời gian để chờ đợi và quan sát", anh nói.
Nhiều đồng nghiệp của Zhang có cùng quan điểm này.
Giới chức Trung Quốc đang lên kế hoạch tiêm vaccine cho hàng triệu người trong các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao để tạo ra tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các ca bệnh nhập khẩu.
Wang Huaqing, chuyên gia tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết chiến dịch này tạo bước đệm trước khi việc tiêm chủng được mở rộng cho các nhóm dân số khác.
Nhưng trước hết, các nhà chức trách cần có đủ dữ liệu từ các thử nghiệm trên người giai đoạn 3. Sớm nhất là vào hôm nay (23/12), dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3 của một ứng viên vaccine tới từ Trung Quốc mới được công bố.
Hai tuần trước, Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh thông báo ứng viên vaccine của họ có hiệu quả lên tới 86% nhưng không đưa ra thêm chi tiết.
Truyền thông Trung Quốc nói hơn một triệu người nước này đã được tiêm vaccine theo chương trình khẩn cấp nhưng Bắc Kinh chưa xác nhận con số trên.
Không ít người có ý định ra nước ngoài đang mong mỏi được tiêm sớm vaccine. Nhưng ngược lại, nhiều người trong nước lại không vội vàng.
Tại chợ thực phẩm Sanyuanli ở Bắc Kinh, chủ một sạp bán thịt họ Feng tin cô chưa cần tiêm vaccine.
"Có yêu cầu đề nghị chúng tôi đăng ký sử dụng vaccine nhưng tôi không chắc về điều đó. Cần gì phải gấp vậy. Chúng tôi vẫn đang ổn mà không cần vaccine", Feng nói.
Các khu chợ được coi là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao vì đông người, ẩm ướt. Rất nhiều người nước ngoài qua lại Sanyuanli nhưng Feng nói cô không quá lo lắng về rủi ro từ những ca nhập khẩu.
Tuy nhiên ở miền Trung Trung Quốc, Zhu Junqiang - Giám đốc bán hàng của một công ty nhập khẩu thịt đông lạnh ở Vũ Hán hoan nghênh mọi biện pháp giúp chống lại COVID-19.
Zhu hy vọng vaccine có thể được cung cấp miễn phí nhưng ông sẵn sàng trả 200 NDT ( hơn 700/000 đồng) cho mỗi liều.
"Tôi không muốn mạo hiểm sức khỏe và thậm chí là tính mạng của mình chỉ vì tiếc rẻ và trăm NDT", ông nói.
SONG HY (Nguồn: SCMP)