Việc người nhập cảnh trình mẫu xét nghiệm Covid-19 ở nhiều nơi khác nhau, chậm khai báo y tế,... đã gây khó khăn cho việc cách ly.
Ngày 14/1, Thứ trưởng Trương Quốc Cường dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và các khách sạn cách ly chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh.
Ông cho rằng "các đơn vị đang thực hiện tốt nhiệm vụ", tuy nhiên, cũng cần sẵn sàng cho những tình huống mới, nhất là trong bối cảnh tới đây Đà Nẵng tiếp tục tiếp nhận các chuyến bay nhập cảnh, đưa người Việt hồi hương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Theo ông Nguyễn Tiên Hồng - Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố đã cách ly gần 9.000 người, từ 15 quốc gia nhập cảnh về Đà Nẵng. Trong đó, quân đội đảm nhận cách ly hơn 5.400 người. Số cách ly còn lại ở các khách sạn, chủ yếu là chuyên gia.
Hiện Đà Nẵng có 23 khách sạn với 1.473 phòng đảm bảo yêu cầu về cách ly có thu phí. "Gần đây nhiều người chọn trả phí để cách ly ở khách sạn, thay vì ở các khu tập trung của quân đội", ông Hồng nói.
Việc cách ly với người nhập cảnh của Đà Nẵng được chia thành hai mốc thời gian: 7 ngày với các chuyên gia có xét nghiệm âm tính; 14 ngày với các trường hợp hồi hương. "Hết thời gian cách ly, chúng tôi chưa phát hiện ca nào dương tính", ông Hồng thông tin.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, việc tiếp nhận người nhập cảnh cách ly đang tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, ngành chức năng chưa cập nhật được hết các phòng xét nghiệm ở các nước có công dân nhập cảnh, để đối chiếu với giấy xét nghiệm họ mang theo.
Nhiều người nhập cảnh chưa khai báo y tế trước, khi xuống sân bay mới làm dẫn đến kéo dài thời gian hoàn tất hồ sơ để di chuyển về các khu cách ly; có chuyến bay nhập cảnh tới 300 người nên việc xét nghiệm vất vả. Bộ Y tế cũng chưa ban hành hướng dẫn xét nghiệm trường hợp tiếp xúc gần với những người cách ly.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn một khách sạn cách ly người nước ngoài nhập cảnh. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Thêm vào đó, khu cách ly của quân đội chủ yếu là các khu nhà huấn luyện chiến sĩ; nhà rộng, giường tầng, các phòng không tách biệt nhau; mỗi phòng ở từ 70 - 80 người nên không đảm bảo các yêu cầu về cách ly. Khu vệ sinh cũng tập thể nên cần Bộ Y tế hướng dẫn thêm.
TS. BS Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết mốc cách ly 14 ngày là chưa chắc chắn với các trường hợp nhập cảnh, vì đã có người dương tính sau thời gian này. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói "đây là vấn đề mới cần theo dõi để hoàn thiện lại quy trình, phương thức giám sát, cách ly".
Tình trạng người nhập cảnh "chui", tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng là mối lo lắng của Đà Nẵng. Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết vừa qua công an đã phát hiện được một số vụ, nhưng mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Đà Nẵng không có biên giới đất liền nhưng có biên giới biển, cửa khẩu cảng và hàng không. "Một số tỉnh phía Nam xuất hiện tình trạng người dân sau khi sang nước láng giềng đã nhập cảnh trở lại bằng tàu đánh cá. Đà Nẵng cũng có tàu đánh cá nên cần kiểm soát, nhắc nhở ngư dân chấp hành, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng cùng phòng, chống dịch", vị này nói.
Ông cũng cảnh báo việc việc thuyền viên Việt Nam trên các tàu hàng, đi lâu ngày về bờ nhớ vợ, con nên tìm cách trốn về nhà. Cơ quan chức năng cần đảm bảo tất cả các thuyền viên khi vào cảng xuất, nhập hàng không được xuống khỏi tàu. Công dân làm phía dưới cảng cũng không tiếp xúc gần với thuyền viên trên tàu.
"Sắp tới thành phố cần làm nghiêm việc kiểm soát người nhập cảnh trái phép, khuyến khích mỗi người dân là một tai mắt trong việc tố giác những tổ chức, cá nhân vi phạm", ông Lê Quang Nam - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chốt lại vấn đề.
Trung Quốc từ chối cho hai chuyên gia WHO nhập cảnh |
Trục xuất 49 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam |
Muốn nhập cảnh Mỹ phải âm tính với COVID-19 |