Tối 24-11, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khoá X, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong suốt cả ngày hôm nay, Đại hội đã diễn ra tại Hà Nội với các phần quan trọng là tham luận và bỏ phiếu bầu Ban chấp hành.
Theo đó, tổng số đại biểu tham dự đại hội là 597, phát ra 580 phiếu bầu và thu về 533 phiếu. Phiếu hợp lệ là 531 và chỉ có 2 phiếu không hợp lệ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch, nhà văn Nguyễn Bình Phương và nhà thơ Trần Đăng Khoa giữ chức Phó chủ tịch.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đắc cử Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 |
Sáng mai, 25/11/2020, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá X nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ chính thức ra mắt Đại hội. Cũng trong ngày 24/11/2020, nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ IX đã xin rút ứng cử vào Ban chấp hành khóa mới.
Theo báo cáo công bố tại Đại hội, trong 5 năm qua về tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác tiếp tục được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, chấp nhận và khuyến khích nhiều cá tính sáng tạo, nhiều tìm tòi thể nghiệm cái mới. Đời sống văn học đã trở nên năng động hơn, thích ứng với yêu cầu mới của cuộc sống. Tự do sáng tác được tôn trọng, xu hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động đang thu hút nghị lực và tâm huyết của đông đảo nhà văn hiện nay. Đây chính là nơi thể hiện rõ nhất bản lĩnh, nhân cách và trách nhiệm của nhà văn với đất nước.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam |
Cũng trong 5 năm qua, số đầu sách xuất bản của Hội tiếp tục tăng. Những loại sách tương đối bán chạy là truyện ngắn và tiểu thuyết, có một số cuốn sách vừa ra mắt đã được tái bản. Một số cuốn hồi ký có tiếng vang và chất lượng phát hành lớn. Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, mặc dù đã có rất nhiều đổi mới về tư duy văn học, về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, có sức khái quát về hai cuộc chiến tranh vĩ đại và công cuộc đổi mới còn ít tác phẩm đủ sức gây thành các hiện tượng văn học.
Tình trạng trung bình, tản mạn còn khá phố biến, tính chuyên nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc. Trong lý luận phê bình văn học còn biểu hiện máy móc khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật của nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước. Trong hoạt động nghiệp vụ, một số cơ quan báo chí xuất bản của Hội công tác biên tập chưa theo kịp yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả sản phẩm.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam |
Mục tiêu của nhiệm kỳ tới mà Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra sẽ là nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động văn học lên một tần cao mới theo hướng chuyên nghiệp hoá, phấn đấu để có nhiều tác phẩm kết tinh rực rỡ tài năng và tâm huyết của nhà văn, xây dựng được những hình tượng nghệ thuật có sức khái quát cao, có sức sống lâu bền, phục dựng lại cuộc sống đất nước, con người và thời đại có sức cảm hoá, chinh phục lòng người sâu sắc.
Xây dựng Hội nhà văn Việt Nam thành một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp vững mạnh về tư tưởng và nghiệp vụ, đoàn kết, tập hợp mọi tài năng văn học, góp phần xứng đáng xây dựng văn hoá, xây dựng con người, thoả mãn nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân.
Hầu hết các hội viên Hội Nhà văn tham dự đại hội cũng đều kỳ vọng vào BCH mới đoàn kết, sáng tạo, đổi mới.