Hàng nghìn tín đồ đạo Hindu đến nhà trọ Mukti Bhawan, Kashi mỗi năm để chờ chết, với niềm tin rằng linh hồn họ sẽ được thần Shiva cứu rỗi.
Mukti Bhawan là một nhà trọ ở Kashi do một tổ chức từ thiện điều hành, cung cấp chỗ ở tạm thời cho những người sắp từ giã cõi đời.
Cụ bà Parvati Devi, 85 tuổi, tới đây để chờ chết. Nằm trên chiếc giường gỗ, cụ trông rất yếu, mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu nhìn đăm đăm về góc căn phòng ở Mukti Bhawan. Con trai cụ, Sudir Singh, đang cúi người gần đó, nấu ăn trên một chiếc bếp lò di động.
"Mẹ tôi không bị bệnh gì cả, chỉ già thôi. Bà mong được chết ở Kashi", Singh, 45 tuổi, làm nghề luật sư nói. Cụ Devi và con trai đến từ Kapuri, ngôi làng nhỏ ở bang Madhya Pradesh, cách Kashi khoảng 650 km. Singh cho hay mẹ anh vẫn có thể nói nhưng không còn nghe được nữa.
Cụ bà Devi nằm trong phòng trọ ở Mukti Bhawan để chờ chết. Ảnh: SCMP. |
Thành phố cổ Kashi bên bờ sông Hằng được coi là nơi linh thiêng nhất trong đạo Hindu, còn được biết đến với là Varanasi hoặc Benares, thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Nơi này thu hút đông đảo tín đồ hành hương từ khắp nơi trên thế giới trong suốt hơn ba thiên niên kỷ. Người ta tin rằng chết ở đây và được rắc tro xuống sông Hằng sẽ giúp họ gột rửa bụi trần, linh hồn được tái sinh và cứu rỗi.
Khu phố cổ nhộn nhịp ở Kashi trải dài 5 km dọc theo bờ tây sông Hằng, với hàng trăm ngôi đền rải rác. "Ghat", hay những bậc thang bằng đá dẫn xuống bờ sông, trở thành hình ảnh nổi tiếng ở khu phố cổ này.
Ngã tư Godaulia là một trong những giao lộ nhộn nhịp nhất ở Kashi. Xe đạp, xe kéo, xe máy, ôtô tranh nhau bấm còi, rồi người đi bộ và bò, vốn được xem như linh vật trong Hindu giáo, tất cả như đang tham gia vào một điệu nhảy hỗn loạn và ngẫu hứng.
Một góc thành phố Kashi bên bờ sông Hằng, Ấn Độ. Ảnh: Alamy. |
Cách ngã tư hối hả và nhộn nhịp đó khoảng 100 m, xuyên qua "mê cung" của những con hẻm nhỏ hẹp là một ngôi nhà hai tầng lớn màu xanh lá cây, với cổng in đậm dòng chữ "Kashi Labh Mukti Bhawan". Căn nhà giống như nơi nghỉ ngắn hạn cho người già và bệnh nhân tới Kashi để chờ chết. Điều kiện để được vào khu nhà này, tất nhiên là những người đang cận kề cái chết.
"Hầu hết khách của chúng tôi đều được 'giải thoát' trong vòng hai tuần. Nếu không ra đi trong vòng hai tuần, họ sẽ được đưa trở lại nhà. Tuy nhiên, với những trường hợp chuyển biến xấu, họ sẽ được gia hạn thêm thời gian ở lại đây", Anurag Hari Shukla, người quản lý Mukti Bhawan, nói.
Shukla tiếp quản công việc này từ bố anh, Bhairav Nath Shukla, người đã điều hành nhà cứu tế này hơn 40 năm và mất năm 2018. Shukla tin những ai được chết ở Kashi là một đặc ân và vì vậy, cần được tôn vinh chứ không phải tiếc thương. "14.835 khách hàng đã được 'siêu thoát' tại Mukti Bhawan trong hơn 60 năm qua", Shukla tự hào nói.
Shukla giải thích rằng có hai loại người tìm đến Kashi trước khi chết. Thứ nhất là những người khỏe mạnh, muốn biến Kashi thành "nhà" của họ cho đến khi họ chết, thời gian có thể là vài năm. Thứ hai là những người đến Kashi vào những ngày "gần đất xa trời", gọi là "Kashi labh" (Labh có nghĩa là "đến đích" trong tiếng Hindu). Nhà nghỉ Mukti Bhawan chỉ phục vụ những người ở dạng thứ hai.
Trong thần thoại Hindu, Kashi là ngôi nhà trần gian của vị thần vĩ đại Shiva, theo Rajeev Ranjan Sinha, 72 tuổi, giáo sư Phạn ngữ từng công tác tại Đại học Hindu Benares. "Các tín đồ Hindu giáo tin rằng cái chết ở Kashi sẽ phá vỡ vòng luân hồi, mang đến sự tái sinh, cứu rỗi linh hồn", Sinha nói.
Nhà nghỉ Mukti Bhawan được thành lập năm 1958 và được điều hành dưới sự ủy thác của tổ chức từ thiện Dalmia. Doanh nhân Ấn Độ Jaidayal Dalmia thành lập nơi này để tưởng nhớ mẹ mình, người đã ở Kashi những tháng cuối đời.
Phí trọ ở Mukti Bhawan là 20 rupee (0,3 USD/ngày). Quản lý Shukla nói rằng khoản phí ít ỏi này là để trang trải hóa đơn điện. Anh cho hay mỗi phòng được cấp một bếp lò để nấu ăn, bởi mỗi khách hàng tới đây thường có khoảng hai người thân trong gia đình đi theo chăm sóc.
Bên trong Mukti Bhawan có một căn phòng giống như "phòng hành chính", với tường quét vôi màu xanh lá cây, trần nhà treo các bức tranh đầy màu sắc vẽ các vị thần Hindu như Shiva, Rama và Hanuman. Trên tường còn có các giá sách với những cuốn về tâm linh, những chồng giấy ố vàng. Một chiếc tủ gỗ có từ khi nhà trọ này mở ra, lưu hồ sơ của tất cả những người từng tới đây.
"Puja", một phòng thờ nhỏ được đặt ở phía trước khu nhà trọ, là nơi các nhà sư tụng kinh ba lần một ngày, nhằm giúp những người ở trọ cảm thấy thanh thản hơn trong những ngày cuối đời.
Người dân làm lễ hỏa táng bên bờ sông Hằng ở Kashi, Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Qua cánh cửa là một khoảng sân với nhiều phòng nhỏ, nơi khách hàng và những người chăm sóc họ sinh sống. Không có bác sĩ, y tá hay tủ thuốc ở đây. Cứ vài giờ, những người ốm yếu đang chờ chết sẽ được tặng lá thiêng Tulsi, một loại thảo mộc được cho là chữa bách bệnh và một vài thìa nước thiêng lấy từ sông Hằng. Các tín đồ Hindu cho rằng đó là "liều thuốc" tốt nhất khi từ giã cõi đời.
Quản lý Shukla kể câu chuyện anh từng nghe từ bố mình, về một học giả Phạn ngữ có tên là Ram Sagar Mishr từng tới Mukti Bhawan và thuê một phòng để chờ chết. Ông ấy tin rằng mình sẽ chết sau 16 ngày đến đây.
Mishr rất quý em trai mình, nhưng hai anh em từng cãi vã đến mức xây một bức tường ngăn đôi ngôi nhà của họ. Vào ngày thứ 14 sau khi đến Mukti Bhawan, Mishr nói với mọi người rằng "Xin hãy gọi em trai tôi đến. Tôi đã không nói chuyện với chú ấy suốt 40 năm và điều đó đè nặng trái tim tôi".
Ngày thứ 16, khi người em đến, Mishr nắm tay em và xin lỗi, nói với người em hãy phá bỏ bức tường chia đôi ngôi nhà của họ. Hai anh em òa khóc, rồi Mishr tắt thở, từ giã cõi đời. "Ông ấy đã 'hái được quả' ở Kashi", Shukla kể.
"Bố tôi thường bảo rằng ông từng thấy rất nhiều người mang theo 'hành lý là tâm tư nặng trĩu trong suốt cuộc đời, nhưng rồi nhận ra nó vô ích ở cuối hành trình", Shukla kể. "Bố nói rằng bài học mà ông rút ra là không để những mâu thuẫn kéo dài mà hãy giải quyết chúng càng sớm càng tốt".
Mai Lâm (Theo SCMP)