Ông Trần Mậu Minh từng 2 lần từ chối về Sở GD-ĐT TP.HCM công tác. Ông cũng là người không đánh giá học sinh theo Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT mà làm theo cách riêng được nhiều người ủng hộ.
Thầy Trần Mậu Minh từng 2 lần từ chối về Sở GD-ĐT TP.HCM công tác.Thầy cũng là người đánh giá học sinh theo cách riêng được nhiều người ủng hộ.
Từ chối vì thấy mình không hợp ở vị trí chỉ đạo
Thầy Minh nguyên là hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Quận 1, TP.HCM.
Sau năm 1975, khi miền Nam vừa giải phóng, để kiện toàn bộ máy giáo dục, một loạt cán bộ "hạt giống" được mời về Sở GD-ĐT công tác. Lúc này, đời sống của giáo viên công tác tại cơ sở cực khổ, thiếu thốn mọi bề. Thầy Minh được ông Huỳnh Công Minh - phụ trách công tác đoàn, Sở GD- ĐT mời về phụ trách công đội (sau này ông Huỳnh Công Minh đảm đương tới vị trí giám đốc sở), nhưng thầy từ chối.
Thầy giáo hai lần từ chối về sở giáo dục công tác |
"Lúc này, tôi đang gắn bó với cơ sở với học trò. Các em rất quý mến, nếu về sở không có học trò rất buồn nên tôi đã từ chối"
ông Minh kể.Lần khác là những năm 1990. Lúc này, thầy Minh đang làm hiệu trưởng Trường bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục quận 1. Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục mời thầy về công tác tại phòng đào tạo nhưng thầy lại tiếp tục từ chối.
Gắn bó với cơ sở, thầy được được rút sang các Trường THCS Chu Văn An rồi Trường THCS Trần Văn Ơn. Thầy được ví von như một người lính cứu hỏa, trường nào có "vấn đề" là có mặt.
Tôi hỏi có lúc nào chạnh lòng khi những người cùng thế hệ về sở công tác đã đảm đương những vị trí rất cao, thậm chí còn đứng đầu ngành giáo dục thành phố, người thầy giáo già từ tốn bảo không quan niệm vị trí cao thấp mà thấy phù hợp với ý thích của mình.
"Tôi cảm thấy mình không thích hợp ở những vị trí chỉ đạo. Tôi làm ở trường để gắn bó với học trò vì quen với chuyện này. Có lẽ vì vậy mà món quà vô giá tôi nhận được dù đã nghỉ hưu, những học trò cách đây 30-40 năm vẫn tìm tới mình"
."Thời của tôi không ai nghĩ tới chuyện cao thấp mà chỉ nghĩ tới nhiệt tâm để cống hiến, đóng góp được gì cho ngành. Ngay cả khi tôi đang ở vị trí hiệu trưởng bồi dưỡng giáo viên của quận, sở lại rút về để chấn chỉnh Trường THCS Chu Văn An ở khu Mả lạng (một thời nổi tiếng khu tệ nạn của thành phố) tôi cũng rất vui. Tôi không nghĩ mình ở vị trí cấp quận mà về cấp trường"-ông nói.Tuy nhiên, chính điều này khiến thầy Minh nhận được sự tôn kính của nhiều người. Gắn bó với trường lớp, với học trò đã tạo điều kiện cho thầy có nhiều sáng tạo trong dạy học và quản lý.
Thầy giáo luôn sáng tạo
ThầyTrần Mậu Minh là nhà giáo có nhiều đổi mới sáng tạo. Những sáng tạo cách đây 30 của thầy đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đang được ứng dụng rộng rãi trong dạy học.
Những năm 1990, công nghệ thông tin chưa phát triển nhưng Sở GD-ĐT TP.HCM đã quyết định mở lớp tin học cho cán bộ cốt cán của các phòng giáo dục sau chuyến tham quan tập huấn ở Singapore. Là người nằm trong diện được học tập, ngay sau khi tiếp thu, thầy Minh - lúc này đang làm Giám đốc phòng thí nghiệm thực hành Quận 1 kiêm hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng giáo dục - đã mở Trung tâm tin học Quận 1. Thầy đi xin từng cái máy tính cũ về trang bị cơ sở vật chất cho trung tâm. Sau này Trung tâm tin học Quận 1 chính là cơ sở xử lý các số liệu thi cử của sở giáo dục.
Thầy Minh cũng chính là người khai sinh ra giáo án điện tử - một công cụ dạy học được sử dụng rộng rãi ngày nay. Đó là những năm làm hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An. Lúc này toàn thành phố chưa có trường học nào ứng dụng công nghệ vào giảng dạy thì Trường THCS Chu Văn An nổi lên phong trào giáo án điện tử mà người đi đầu và truyền lửa cho giáo viên chính là vị hiệu trưởng Trần Mậu Minh.
Chính thầy hiệu trưởng đã mở lớp dạy giáo viên cách thiết kế tới soạn bài rồi vận động mua cơ sở vật chất. Việc làm được lan rộng, Phòng giáo dục Quận 1 yêu cầu ông Minh mở lớp cho giáo viên cốt cán của quận, còn Trường THCS Chu Văn An trở thành trường có nhiều giáo án xuất sắc nhất thành phố.
Rời Trường THCS Chu Văn An tới Trường THCS Trần Văn Ơn công tác những năm trước lúc nghỉ hưu, thầy Minh lại là người đưa ra phương pháp dạy học trực tuyến E- Learning và phát triển phương pháp học qua dự án.
Nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất phải nhắc tới thầy Minh là người không áp dụng đánh giá học sinh theo Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT mà làm theo cách riêng. Lúc làm quản lý các trường, học sinh nào cũng mặc nhiên có hạnh kiểm tốt nhưng các em phải biết cách để bảo vệ điều này. Đầu học kỳ, các em sẽ được tặng 30 điểm tương đương hạnh kiểm tốt nhưng nếu vi phạm thì bị trừ và làm tốt sẽ được cộng.
Có một câu chuyện hài hước thầy kể lại khi áp dụng cách đánh giá này, học trò có nhiều "mẹo" để kiếm điểm cộng. Có những em do vi phạm khiến bị trừ nhiều điểm và sẽ bị hạnh kiểm thấp nên tìm cách để nâng lên bằng cách nhờ bạn đánh rơi tiền rồi nhặt trả lại. Các em báo với giám thị là cộng điểm với lý do"người tốt việc tốt."Lúc giám thị phát hiện báo cho tôi nhưng tôi bảo vẫn cộng cho chúng vì dù sao cũng đã biết việc nào nên việc nào không nên để sửa đổi" -ông cười nói.
Với cách đánh giá này, sau một học kỳ em nào được 27 điểm trở lên là hạnh kiểm tốt; 21-27 là khá; 15-21 là trung bình khá, dưới 15 là trung bình. Đầu học kỳ sau, học sinh lại có 30 điểm nên không bị mặc cảm, tự ti.
Thầy Minh bảo, lúc đó chỉ nghĩ những gì có lợi và tốt cho học trò thì làm. Ở trường học có nhiều phong trào nhưng không phải cái nào cũng tốt cho học trò, nhưng có những phong trào tốt thì không thể từ chối.
"Cũng may lúc đó nhiều báo đăng bài ủng hộ nên yên thân. Mà tôi chỉ vận dụng đánh giá hạnh kiểm học sinh thay cho cảm tính bằng đánh giá minh bạch có thưởng, có phạt trên cơ sở hoc sinh tự nhận. Khi học sinh có vi phạm lớn vẫn xử lý theo Thông tư 08 lập Hội đồng kỷ luật nhưng giáo dục là chính. Thường thì tôi cho học sinh thời gian phấn đấu sửa chữa cuối học kỳ ra quyết định hủy quyết định kỷ luật cho học sinh để không ghi vào học bạ"- ông kể.
"Tôi thấy mình sống xứng đáng với đời"
Nghỉ hưu đã 7 năm nay, khi được đề cập tới việc chia sẻ trong những ngày gần 20/11 này, thầy Minh rất ngại. Thầy bảo những rào cản về tuổi tác hơn nữa không muốn về mình.
Thầy giáo hai lần từ chối về sở giáo dục công tác |
Được nhiều trường tư mời về làm quản lý nhưng thầy đều từ chối. Vị thầy giáo già bộc bạch, không phải hết yêu nghề mà sức khỏe không cho phép để nhiệt tâm như xưa. Hơn nữa, 40 năm trong nghề, ông thấy mình đã bỏ bê gia đình quá nhiều. Những năm tháng ấy, cứ 6 giờ sáng ông mang xe ra khỏi nhà, tới 9-10 giờ đêm mới về, nên thấy thiếu trách nhiệm với gia đình. May mắn, người vợ cũng là giáo viên nên có sự đồng cảm với chồng. Còn con gái vì có sở thích riêng nên đã rẽ theo hướng khác.
Dù vậy, thầy Minh bảo có những món nợ vẫn không trả. Đó là lý do hiện nay cứ mỗi dịp tuyển sinh lớp 10, ông lại mày mò phân tích số liệu, tư vấn cho học sinh. Ngay cả những học sinh có vấn đề tâm lý lại tìm tới ông để nghe sẻ chia.
Nhìn lại những việc đã làm, người thầy giáo già bảo cảm thấy hạnh phúc, thấy sống xứng đáng với cuộc đời. Còn với nhiều thế hệ học sinh Sài Gòn, hình ảnh thầy giáo Trần Mậu Minh nhân hậu, thân thiện là cả một thời ký ức.
Lê Huyền
Người thầy liệt 2 chân đem “tinh thần lính” làm nên điều kỳ diệu
Chặng đường nào cũng có khúc trơn trượt và nguy hiểm. Để đến được nơi cần đến, dù bạn là ai thì điều quan trọng ... |
Khóc nghẹn buổi trao bằng Thạc sĩ cho người thầy đã qua đời
Những dự định dang dở của thầy sẽ được viết tiếp nhờ ứng dục khoa học và giá trị thực tiễn từ luận văn mà ... |
Những người thầy bắt đầu từ số 0
“Thầy ơi! Em bắt đầu từ con số 0 thì có tham gia vào cộng đồng được không?” |