Khi ca nhiễm nCoV tăng mạnh, ca tử vong vượt 100.000, chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp, người Pháp cảm thấy họ không có lối thoát.
Tại ga tàu Montparnasse ở Paris, sự tương phản không thể rõ ràng hơn. Khoảng một năm trước, khi Pháp chuẩn bị phong tỏa lần đầu tiên để chống Covid-19, người dân Paris tuyệt vọng chen chúc trên các đoàn tàu trong một cuộc "tản cư" khổng lồ, biến ga Montparnasse thành một nơi đầy sợ hãi và lo lắng, còn thủ đô Paris trở thành "thành phố ma".
Nhưng vào sáng 2/4, một ngày trước khi Pháp bắt đầu phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, lưu lượng khách ở nhà ga Montparnasse và những nơi khác ở Paris tương đối thấp. Điều này phản ánh tâm trạng mệt mỏi sâu sắc của người Pháp. Một lần nữa, họ bị hạn chế di chuyển và phải đóng cửa trường học.
"Có một chút mệt mỏi", Muriel Sallandre, người bắt tàu để thăm cha mẹ ở miền tây nước Pháp nhưng dự định trở lại Paris trong vài ngày tới, nói. "Việc cứ phải phụ thuộc vào các thông điệp của chính phủ thay vì tự quyết định khiến bạn hơi chán nản".
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở ngoại ô Paris ngày 1/4. Ảnh: AFP. |
Nhiều người Pháp đã đổ xô đi mua vé tàu ngay sau khi có thông báo về đợt phong tỏa mới tối 31/3. Vì vậy, các nhà ga của thủ đô có thể sẽ đông đúc hơn vào cuối tuần. Một số người dân Paris cũng đã rời thành phố sau khi các hạn chế được áp dụng ở khu vực thủ đô vài tuần trước.
Mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron cam kết rằng đây sẽ là lần phong tỏa cuối cùng của Pháp trước khi trở lại cuộc sống bình thường, không có ánh sáng rõ ràng nào ở cuối đường hầm: ca nhiễm đang tăng mạnh, tổng số người chết vì nCoV ở Pháp đã vượt 100.000. Giống như các nước EU khác, tiến độ chiến dịch tiêm chủng vẫn còn chậm.
"Với tình hình hiện giờ, tôi cảm thấy rằng trong một tháng nữa, chúng tôi sẽ còn bị áp đặt hạn chế khắt khe hơn", Marie-Yvonne Bougrel, 53 tuổi, cho biết. Bà cảm thấy những biện pháp đang được áp dụng không thật sự hiệu quả.
Bougrel rất thất vọng về chiến dịch tiêm chủng chậm chạp của đất nước. Bougrel cho biết trong số những người bà quen, chỉ một người đã được tiêm chủng.
Trong phát biểu trên truyền hình quốc gia được hơn 30 triệu người Pháp theo dõi trực tiếp hôm 31/3, Tổng thống Macron thông báo về đợt phong tỏa quốc gia sau nhiều tháng phớt lời lời khuyên từ các nhà dịch tễ học và áp lực từ các đối thủ chính trị. Macron từng đặt cược rằng mặc dù tình trạng lây nhiễm gia tăng và các biến thể mới dễ lây lan hơn, chính quyền có thể tránh được áp đặt phong tỏa toàn quốc nếu có đủ số người được tiêm chủng với tốc độ ổn định. Tuy nhiên, cuối cùng, ván cược này không thành công.
Vấn đề hậu cần và nguồn cung vaccine đã kìm chân chiến dịch tiêm chủng. Công ty dược phẩm AstraZeneca không thể sản xuất kịp theo cam kết và họ phải hoàn thành các đơn đặt hàng cho Anh trước. Cũng có những lo ngại về tác dụng phụ của loại vaccine này, khiến Pháp và nhiều nước châu Âu phải tạm ngừng tiêm trong một thời gian ngắn. Một số quốc gia vẫn không triển khai vaccine AstraZeneca hoặc đang hạn chế nhóm người được tiêm vaccine này.
Đối với người Pháp, tâm trạng càng trở nên u ám hơn khi các quốc gia khác, đặc biệt là Anh và Mỹ, dường như đang trên đà phục hồi với các chiến dịch tiêm chủng thành công. Chỉ 13% dân số Pháp đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, so với 47% người Anh và 30% người Mỹ.
Tại nhà ga, Brigitte Bidaut, một dược sĩ đã nghỉ hưu, cho biết bà "kinh hoàng trước những gì đang diễn ra ở Pháp". "Nước Mỹ từng như mớ bòng bong nhưng giờ họ đang tiêm hai triệu mũi mỗi ngày. Người Anh cũng từng hỗn loạn nhưng giờ họ đã xử lý khá hơn", bà nói. "Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta chẳng có liều nào. Ngay cả sau 4 tuần phong tỏa, tôi vẫn không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm".
Cuộc thăm dò hôm 1/4 cho thấy phần lớn người Pháp nghi ngờ về hiệu quả của đợt phong tỏa mới. Sự chán ngấy của người dân với các hạn chế chống dịch được thể hiện trong cuộc thăm dò, khi 70% người được hỏi tán thành lệnh phong tỏa mới nhưng 46% người nói rằng họ định phớt lờ các biện pháp này. 2/3 số người trẻ tuổi cho biết họ sẽ không tuân thủ quy định.
Năm ngoái, Pháp đã phải phụ thuộc vào Trung Quốc và các quốc gia khác về nguồn cung khẩu trang, kit xét nghiệm và các công cụ cơ bản khác để chống lại dịch bệnh bùng phát. Giờ đây, đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào vaccine nước ngoài trong khi Pháp là quê nhà của nhà sinh học Louis Pasteur và có lịch sử lâu dài về những đột phá trong y học.
Antoine Levy, nhà kinh tế học người Pháp và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết Pháp đã chi nhiều tiền, cố gắng đảm bảo người lao động phải nghỉ làm vì phong tỏa vẫn được trả lương và dần dần thắt chặt các hạn chế về di chuyển của người dân chứ không thực hiện đột ngột. Tuy nhiên, họ đạt được rất ít tiến bộ trong phát triển vaccine.
"Họ đầu tư ít vào nghiên cứu vaccine, thứ dường như là cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng, trong khi họ chấp nhận những hy sinh lớn về tự do công cộng và nền kinh tế trong suốt một năm", ông nói. Khi nhìn sang các nước khác, người Pháp "cảm thấy rằng chúng tôi đã thất bại trên mọi mặt trận".
Levy nói rằng đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba tạo ấn tượng rằng Pháp một lần nữa trở lại đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng 3/2020 và. "Điều này tạo ra cảm giác đất nước đang đi xuống".
Pháp là thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chưa tự phát triển được vaccine. Anh và Mỹ đã khôi phục danh tiếng sau những hỗn loạn ban đầu nhờ vaccine, còn Trung Quốc và Nga đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng toàn cầu bằng vaccine của mình. Trong khi đó, Pháp đứng ngoài cuộc.
Cuối tháng một, viện Pasteur thông báo rằng họ sẽ từ bỏ nghiên cứu về ứng viên vaccine sau kết quả thử nghiệm đáng thất vọng. Một tháng trước đó, Sanofi, công ty dược phẩm lớn nhất của Pháp, nói rằng vaccine của họ khó có thể sẵn sàng trước cuối năm 2021.
"Đó là dấu hiệu đất nước đang thụt lùi và không thể chấp nhận được". François Bayrou, ủy viên phụ trách quy hoạch chính phủ dài hạn, nói hồi tháng một.
Vấn đề với vaccine đã khiến nhiều người Pháp ở mọi lứa tuổi nghi ngờ và bi quan. "Tôi vẫn đang chờ xem, nhưng tôi nghĩ triển vọng trở lại cuộc sống bình thường chỉ là ảo tưởng", sinh viên Victor Cormier, 22 tuổi, nói.
Andrée Girard, 61 tuổi, người đã nghỉ hưu, cho biết bà không thể đặt lịch hẹn để tiêm chủng. Bà không tin rằng những hạn chế mới sẽ kiềm chế được dịch và lo sợ rằng Pháp sẽ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn phong tỏa, gỡ bỏ rồi lại phong tỏa trong tương lai gần.
Đề cập đến cam kết của Macron rằng Pháp sẽ mở cửa trở lại vào giữa tháng 5, Girard nói "tôi hoài nghi về ánh sáng cuối đường hầm. Họ đã hứa rồi lại thất hứa trong suốt năm qua".
"Tôi không còn tin nữa", bà nói. "Không biết chúng tôi có quay lại được cuộc sống cũ hay không".
Phương Vũ (Theo NYTimes)
Pháp phong tỏa Paris
Pháp áp lệnh phong tỏa một tháng với Paris và nhiều vùng phía bắc, sau khi chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 bị đình trệ, biến ... |