Nghệ sĩ cống hiến đặc biệt dù không đủ giải thưởng vẫn được xét tặng NSND

Theo quy định mới, các nghệ sĩ dù không đủ số giải thưởng quy định vẫn có thể được xét trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT nếu có tài năng xuất sắc và cống hiến nổi trội.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Một trong những thay đổi quan trọng là cách tình thời gian hoạt động chuyên nghiệp của các nghệ sĩ. Theo quy định cũ, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm tốt nghiệp trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở.

Nghị định mới có thêm một cách tính khác, đó là thời gian từ khi bắt đầu hoạt động nghệ thuật tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở.

Nghệ sĩ cống hiến đặc biệt dù không đủ giải thưởng vẫn được xét tặng NSND - 1
Diễn viên Thu Hà đón nhận danh hiệu NSND.

Cả Nghị định 89 và Nghị định 40 đều quy định, danh hiệu NSND được xét tặng cho những nghệ sĩ đạt các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình, ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên (riêng với xiếc và múa là 15 năm trở lên).

Theo quy định trước đây, các nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND phải là người đã được tặng danh hiệu NSƯT và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau đó. Còn theo Nghị định 40, những cá nhân được xét tặng danh hiệu NSND phải được trao tặng danh hiệu NSƯT trước đó, đồng thời đáp ứng các điều kiện sau: Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó 1 giải cá nhân; nếu không có giải cá nhân thì phải có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia.

Tuy nhiên, nghệ sĩ không đủ giải thưởng vẫn có thể được xét trao tặng danh hiệu NSND nếu: Có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, cao tuổi, thực hiện nhiệm vụ chính trị, là giảng viên các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt. Những trường hợp này sẽ được trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Nghệ sĩ cống hiến đặc biệt dù không đủ giải thưởng vẫn được xét tặng NSND - 2
Nghệ sĩ Trần Hạnh nhận danh hiệu NSND.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSƯT có yêu cầu thấp hơn về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp (từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình xiếc và múa là từ 10 năm). Về số giải thưởng, nếu như Nghị định 89/2014 chỉ yêu cầu ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc 1 giải Vàng quốc gia và 2 Giải Bạc quốc gia thì Nghị định 40/2021 lại quy định chi tiết hơn. Theo đó, các nghệ sĩ phải đạt một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng cá nhân; Có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng cá nhân; có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia nếu không có giải Vàng cá nhân.

Các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng, được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt thì có thể trình Thủ tướng xem xét, quyết định phong tặng danh hiệu NSƯT.

Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

/ vtc.vn