Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, trong 20 ngày chạy thử, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành an toàn hệ thống, được đánh giá tương đối tốt.
Hôm nay, 31/12, đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiến hành ngày vận hành thử cuối cùng, chuẩn bị cho các công đoạn bàn giao khai thác thương mại cho thành phố Hà Nội.
Theo kế hoạch, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm toàn hệ thống từ 12/12 - 31/12. Kết thúc quá trình 20 ngày đánh giá kỹ thuật, an toàn chạy tàu trên toàn hệ thống của dự án, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan sẽ thực hiện công tác bàn giao khai thác cho thành phố Hà Nội.
Hôm nay 31/12/2020, đường sắt Cát Linh - Hà Đông kết thúc thời gian vận hành thử. |
Trả lời VTC News, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, quá trình vận hành thử, có 9 đoàn tàu được đưa vào khai thác liên tục trong ngày với 166 quy trình vận hành, được thực hiện thống nhất, theo hai hướng từ đầu tuyến Yên Nghĩa đến cuối tuyến là ga Cát Linh.
Hoạt động vận hành thử nghiệm có sự tham gia của nhiều bên, gồm: Chủ đầu tư dự án, Tổng thầu Trung Quốc, Tư vấn độc lập của Pháp, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Tại thời điểm vận hành thử, lãnh đạo nhà thầu Trung Quốc đều trực tiếp có mặt tại dự án để điều hành quá trình vận hành thử nghiệm.
Đánh giá về quá trình vận hành thử, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian chạy thử, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành an toàn hệ thống, được đánh giá tương đối tốt.
Ngày 4/1/2021, tư vấn ATC – Pháp (tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống) sẽ tiếp tục có báo cáo lần thứ 13 đánh giá an toàn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Trường hợp đơn vị tư vấn đánh giá hệ thống vận hành tốt, Bộ GTVT sẽ cùng UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan nghiệm thu dự án có điều kiện theo quy định của Chính phủ. Sau đó, dự án được bàn giao cho Hà Nội. Hà Nội sẽ quyết định việc tiếp tục đánh giá an toàn hoặc vận hành thương mại.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80km/h, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h.
Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 6-7 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách.
Nhân sự vận hành toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến gần 700 người. Trong đó, có 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trước đó đã cam kết với Chính phủ, Thủ tướng sẽ đưa vào vận hành, khai thác thương mại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước Đại hội Đảng toàn quốc năm 2021.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm sau 8 lần lỡ hẹn
Tính đến nay, toàn hệ thống đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chính thức vận hành thử được 3 ngày. “Hiện tại, các lái tàu ... |
Bộ trưởng Giao thông Vận tải hứa hẹn gì về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông?
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ sẽ phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện ... |