Nga nói gì về cuộc gặp của Tổng thống Ukraine - Pháp?

Điện Kremlin nhìn thấy những tín hiệu tích cực về giải pháp cho khủng hoảng tại Ukraine sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Pháp và Ukraine tại Kiev.

Một ngày sau cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 8/2 đã tới Kiev hội đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về cuộc khủng hoảng đang tăng nhiệt giữa phương Tây và Nga liên quan tình hình Ukraine.

Nga nói gì về cuộc gặp của Tổng thống Ukraine- Pháp? -0

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Ukraine Zelensky tại cuộc họp báo chung ở Kiev. Ảnh: Getty Images

"Có những tín hiệu tích cực chỉ ra rằng một giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ có thể dựa trên việc thực hiện thỏa thuận Minsk", người phát ngôn Điện Kremlin ngày 9/2 phát biểu, nhắc đến thoả thuận về tình hình Đông Ukraine được Bộ tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức ký năm 2014.

Tuy nhiên, ông Peskov thêm rằng ông vẫn chưa thấy chính quyền Ukraine đã sẵn sàng "thực hiện nhanh chóng những gì Kiev lẽ ra phải làm từ lâu". "Vì thế, có cả những tín hiệu tích cực và những tín hiệu kém tích cực", ông nói.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Zelensky ở Kiev, Tổng thống Macron nói ông đã nhìn thấy con đường giảm căng thẳng. Cả Tổng thống Zelensky và Vladimir Putin, người mà ông Macron gặp ngày 7/2, đều nói họ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận Minsk, theo nhà lãnh đạo Pháp.

Cùng ngày, ông Stanislav Zas, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, cho biết tổ chức này sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây về các đề xuất đảm bảo an ninh tại châu Âu trong trường hợp cần thiết.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng phát trở lại từ năm ngoái, khi Nga cho rằng quân đội Ukraine có kế hoạch phát động một chiến dịch quy mô lớn nhằm vào phe ly khai ở miền Đông.

Những tháng gần đây, tình hình tiếp tục leo thang khi Nga triển khai thêm hàng chục ngàn binh sĩ cùng khí tài cơ giới đến các khu vực gần biên giới Ukraine, động thái được phương Tây mô tả là nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến với Ukraine, song Moscow đã kịch liệt bác bỏ khả năng này.

Tháng 12/2021, Nga đã đồng thời gửi 2 bản đề xuất an ninh lần lượt đến Mỹ và NATO, trong đó yêu cầu khối quân sự cam kết bằng văn bản về việc ngừng mở rộng về phía Đông và không kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, đề nghị của Nga bị khước từ.

Nga cảnh báo họ sẽ không chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO.

Thái Hà

Nhật Bản cung cấp khí đốt cho châu Âu giữa khủng hoảng Ukraine Nhật Bản cung cấp khí đốt cho châu Âu giữa khủng hoảng Ukraine
Căng thẳng Nga-Ukraine: Vì sao Ukraine nổi khùng với Mỹ? Căng thẳng Nga-Ukraine: Vì sao Ukraine nổi khùng với Mỹ?
/ cand.com.vn