Nếu lấy mức giá điện một giá bằng với giá bán lẻ điện bình quân 1.864 đồng/kWh, hàng triệu khách hàng phải chịu đóng tiền điện cao hơn. Còn nếu lấy mức giá thấp nhất của bậc 1, thì lại thấp hơn giá thành sản xuất điện.
Việc áp dụng song song giá điện bậc thang và điện một giá được xem như một bước thay đổi đáng kể về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Người dùng muốn dùng loại nào có thể lựa chọn.
Song, mức giá gần 3.000 đồng/kWh khiến nhiều người “hụt hẫng” khi cao hơn giá bán lẻ bình quân rất nhiều. Không ít ý kiến mong muốn giá điện một giá bằng với giá bán lẻ điện bình quân, tức là 1.864,44 đồng/kWh để người dùng ít cũng có lợi khi chọn dùng điện một giá, thay vì chỉ dành cho những người dùng trên 701 số điện/tháng.
Vậy nếu mức giá điện một giá là 1.864,44 đồng/kWh, thì có phải nhiều người được lợi hơn không?
Hóa đơn tiền điện luôn là vấn đề khiến dư luận "dậy sóng". |
Trước hết, mức giá điện bán lẻ bình quân 1.864,44 đồng/kWh là cao hơn mức giá bậc 1 của phương án biểu giá bán lẻ điện bậc thang đang được lấy ý kiến. Theo đó, bậc 1 của biểu giá này có mức giá chỉ bằng 90% mức giá bán lẻ điện bình quân, tức là khoảng 1.678 đồng/kWh. Mức giá này áp dụng cho khách hàng dùng từ 100 số trở xuống.
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, số lượng khách hàng dùng dưới 100 số lên đến 9,1 triệu khách hàng với sản lượng điện tiêu thụ chiếm tới 48,26% tổng sản lượng điện sinh hoạt.
Tính toán cho thấy, nếu khách hàng dùng dưới 100 số điện/tháng với giá 1.678 đồng/kWh, số tiền khách hàng này phải đóng là 167.800 đồng (chưa bao gồm 10% VAT).
Nhưng nếu chỉ áp dụng phương án một giá điện là 1.864,44 đồng/kWh thì 9,1 triệu khách hàng này sẽ phải đóng số tiền là 186.444 đồng/tháng, cao hơn 18,6 nghìn đồng so với giá bậc 1 nói trên.
Như vậy, số khách hàng dùng 100 số điện trở xuống sẽ phải đóng tổng cộng tiền tăng thêm lên đến xấp xỉ 170 tỷ đồng (chưa bao gồm 10% VAT).
Còn với phương án một giá bằng giá sinh hoạt bình quân hiện hành (2.056 đồng/kWh), tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng.
Đây sẽ là các phương án ảnh hưởng đến hàng triệu người có thu nhập thấp trong xã hội vốn đang phải chắt chiu từng đồng tiền sinh hoạt.
Còn nếu lấy mức giá điện một giá bằng với bậc 1 là 1.678 đồng/kWh, thì đó là mức giá thấp hơn đáng kể so với giá thành sản xuất điện của EVN. Khi đó, giá điện bậc thang cũng không có lý do gì để tồn tại vì không ai chọn dùng điện bậc thang.
Trong khi đó, mức giá 1.678 đồng/kWh này rất khó được chấp nhận khi bán thấp hơn giá thành. Giá thành sản xuất điện năm 2018, được Bộ Công Thương công bố và đã được kiểm toán, là 1.727,41 đồng/kWh. Nếu bán giá thấp hơn mức này, EVN khó tránh khỏi lỗ nặng vì giá bán thấp hơn giá thành do điện sinh hoạt chiếm gần một nửa tổng sản lượng điện tiêu thụ mỗi năm.
Vì thế, việc áp dụng song song giá điện một giá và giá điện bậc thang để khách hàng lựa chọn như Bộ Công Thương đề xuất cũng là cách để không ảnh hưởng đến hàng chục triệu khách hàng dùng 100 số trở xuống. Nhóm khách hàng này vẫn có thể chọn giá điện bậc thang để không phải đóng thêm tiền điện hàng tháng khi mức điện một giá ở mức cao.
Thực tế, rất khó có thể trông đợi mức điện một giá “thấp như kỳ vọng” của nhiều người bởi điện một giá được thiết kế không dành cho hàng chục triệu khách hàng dùng điện ít. Với mức giá điện một giá lên đến gần 3.000 đồng/số như Bộ Công Thương đề xuất, chỉ có hơn 460 nghìn khách hàng dùng điện từ 701 số trở lên mới có lợi. Dù sao, đây cũng là mức giá rất cao, Bộ Công Thương có thể tính toán lại mức giá này sao cho hài hòa hơn.
Nhưng dù thiết kế thế nào, biểu giá bán lẻ điện sẽ không có một phương án hoàn hảo cho tất cả khách hàng: có người trả ít tiền hơn trước thì cũng có người phải trả nhiều tiền hơn; có nhóm khách hàng bị thiệt, có nhóm khách hàng được lợi.
Giả sử, nếu như chỉ áp dụng điện một giá là 1.864,44 đồng/kWh, lượng khách hàng dùng 400 số có thể giảm tiền điện phải nộp lên tới hàng trăm nghìn đồng một tháng so với việc dùng giá điện bậc thang (theo phương án 5 bậc được Bộ Công Thương lấy ý kiến). Thế nhưng, 9,1 triệu hộ như đã tính toán ở trên lại phải trả nhiều tiền điện hơn, phần nhiều trong số đó lại là những hộ có thu nhập thấp.
Biểu giá điện sinh hoạt mới: Chi tiết số tiền khách hàng phải trả |
Ai thiệt, ai lợi khi tính điện một giá |