Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Mỹ và Trung Quốc đối thoại cùng nhau để tránh nguy cơ chĩa hạt nhân vào đối phương.
Viễn cảnh cuộc chiến hạt nhân là điều không bên nào muốn, song nguy cơ bùng phát một cuộc chiến như vậy hoàn toàn có thể xảy ra. Tính toán chiến lược sai lầm, thậm chí một trục trặc của hệ thống chỉ huy, điều khiển sẽ châm ngòi cho xung đột vũ trang, chiến tranh. Đối với Mỹ và Trung Quốc, nguy cơ đó lại càng cao khi hai cường quốc này mâu thuẫn, liên tục đối đầu trên nhiều mặt trận.
Nhiều hoài nghi
Trung Quốc được cho đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Theo báo cáo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh tham vọng sở hữu 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Tháng trước, rộ lên những thông tin cho rằng nước này dường như thử nghiệm tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân bay quanh địa cầu.
Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt trên nhiều mặt trận trong thời gian qua. |
Trước đó, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) từng đưa ra các bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã xây khoảng 300 hầm chứa tên lửa mới có thể được dùng cho tên lửa đạn đạo.
Những động thái này của Trung Quốc rõ ràng khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”, Washington khó lòng đứng nhìn đối thủ của mình đẩy mạnh phát tiên kho vũ khí hạt nhân nhanh chóng. Ngay sau động thái của Trung Quốc, Mỹ tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa bội siêu thanh, thậm chí là lên kế hoạch chế tạo vũ khí laser công suất mạnh chưa từng có, nhằm hạ gục hàng loạt mục tiêu, trong đó có tên lửa siêu vượt âm của đối thủ.
Cuộc chạy vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là điều khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ, song mối lo nằm ở chỗ hai cường quốc này âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân, gieo rắc hiểm họa khôn lường đối với nhân loại.
Theo các chuyên gia, những lo ngại của Mỹ về “sự bùng phát chiến lược” từ việc Trung Quốc phát triển mạnh mẽ kho vũ khí hạt nhân là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu Washington và Bắc Kinh không tham gia đối thoại một cách thiện chí, thẳng thắn, kết quả từ cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân có thể sẽ rất thảm khốc.
Một số chuyên gia Mỹ tuyên bố, Trung Quốc đang thử nghiệm các hệ thống vũ khí hạt nhân trong nỗ lực tìm cách xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Điều này diễn ra khi giới chuyên gia hạt nhân Trung Quốc lo ngại hệ thống phòng thủ của nước này có thể gặp khó khi đối mặt với cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ.
Trước lo ngại về hạn chế của hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình hối thúc quân đội nước này “đẩy nhanh việc xây dựng các hệ thống răn đe chiến lược tiên tiến”. Bắc Kinh lo ngại, hệ thống phòng thủ kém cỏi của họ có thể sẽ là nhân tố khiến Mỹ gia tăng các hành động thù địch, đồng thời có thể đẩy Trung Quốc vào thế bất lợi trong cuộc đua tranh với Mỹ.
Giới chức Trung Quốc nhận định, Washington đang tỏ ra tuyệt vọng hơn trong việc cố gắng ngăn chặn Bắc Kinh vượt mặt về kinh tế (trong ngắn hạn) và quân sự, cho rằng áp lực ngày càng tăng của Mỹ đối với Trung Quốc về nhân quyền, pháp quyền, vấn đề Hong Kong và Đài Loan là bằng chứng cho thấy Washington sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn để chặn bước tiến của Bắc Kinh.
Theo giới quan sát quân sự Trung Quốc, mục đích phát triển kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh nhằm ngăn Washington thực hiện một cuộc tấn công chiến lược. Không một quốc gia nào mong muốn kích hoạt ngòi nổ hạt nhân, bởi viễn cảnh cuộc chiến hạt nhân không những gây hậu họa với đối thủ mà ngay cả chính nước đó.
Trung Quốc không ngừng đầu tư, tăng cường năng lực quân sự bằng những vũ khí tối tân, hiện đại. |
Khó hóa giải
Để ngăn chặn sự cạnh tranh hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Washington phải thừa nhận một thực tế nguy cơ bị tổn thương hạt nhân khi đối đầu với Bắc Kinh. Lịch sử đã có tiền lệ về việc này, để có những đồng thuận như vậy đòi hỏi cả Washington và Bắc Kinh đều phải nhượng bộ.
Trong quá khứ, lãnh đạo Liên Xô - Mikhail Gorbachev và lãnh đạo Mỹ - Ronald Reagan, đã đưa ra một nguyên tắc được sử dụng cho đến ngày nay, tuyên bố không có “bên chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và không nước nào được khai chiến”.
Quyết định này của lãnh đạo Liên Xô và Mỹ đã giúp hạ nhiệt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, một cam kết chung tương tự từ các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc được cho sẽ là giải pháp hóa giải, giúp vô hiệu hóa cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới đang diễn ra hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh.
Làm được như vậy sẽ giúp ổn định mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, cũng góp phần trấn an Bắc Kinh rằng Washington sẵn sàng chấp nhận chung sống hòa bình và không thách thức các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Giảm bớt nguy cơ, hậu họa từ một cuộc chiến hạt nhân sẽ mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí quan trọng khác như hạn chế sự phát triển của các hệ thống tên lửa và vũ khí không gian mới. Đồng thời, giúp hạn chế cạnh tranh quân sự Mỹ và Trung Quốc trên bình diện rộng hơn.
Một khi có niềm tin lớn hơn vào triển vọng quan hệ Mỹ - Trung, Bắc Kinh có thể có xu hướng hành động chủ động hơn để hợp tác với Washington trong các vấn đề khác như tranh chấp thương mại và tấn công mạng, hoặc các thách thức toàn cầu cấp bách như đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn luồng quan điểm cho rằng, việc phát triển kho vũ khí hạt nhân đóng vai trò như một chiến thuật gây uy tín, giúp tăng cường tiềm lực quân đội Trung Quốc trước Mỹ. Qua đó, Bắc Kinh đưa ra các đòi hỏi, muốn sự nhượng bộ lớn hơn từ Washington trên bàn đàm phán.
Đối đầu quân sự Mỹ - Trung khó có thể hóa giải "một sớm, một chiều". |
Trung Quốc kỳ vọng, Washington ngừng chỉ trích, đưa ra các đe dọa an ninh đối với nước này khi chấp nhận đối thoại với Mỹ về vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh hiện nay, điều đó khó có thể diễn ra khi Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực duy trì các giá trị phổ quát trong chính sách đối ngoại giao của Mỹ.
Việc Mỹ và Trung Quốc sớm nhận ra sự cần thiết đối thoại thẳng thắn với nhau, thay vì đơn phương phát triển vũ khí hạt nhân có ý nghĩa quan trọng nhằm ổn định quan hệ chiến lược. Điều này sẽ giúp cho Washington và Bắc Kinh có thể chấm dứt leo thang hạt nhân vô cùng lãng phí và nguy hiểm như hiện nay. Mỹ - Trung có thể sử dụng các nguồn lực đó để đối phó với những thách thức từ đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Mỹ - Trung sớm thừa nhận tính dễ bị tổn thương, nguy hiểm về viễn cảnh đối đầu hạt nhân giữa hai nước là bước đi tích cực, cần thiết để đưa mối quan hệ hai nước phát triển theo hướng có tính xây dựng hơn nhiều.
Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để Mỹ và Trung Quốc có thể ngồi vào bàn đàm phán, thương thảo về vấn đề vũ khí hạt nhân. Bởi vì, năng lực quân sự nói chung và sức mạnh đầu đạn hạt nhân nói riêng là chìa khóa để hai bên “nắn gân”, gây sức ép, thậm chí là đe dọa lẫn nhau.
Hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ đã liên tục thảo luận về các hiệp ước vũ khí nhằm kiềm chế, ngăn chặn nhau phát triển, triển khai vũ khí hạt nhân. Trước sự phát triển mạnh mẽ về năng lực hạt nhân của Trung Quốc, Washington nhiều lần kêu gọi, yêu cầu Bắc Kinh phải tham gia vào hiệp ước New START cùng với Mỹ và Nga.
New START là hiệp ước duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Washington và Moskva. Trung Quốc hiện không bị hạn chế theo hiệp ước này. Trung Quốc cũng có lý do để từ chối tham gia vào hiệp ước bởi cho rằng số đầu đạn hạt nhân của nước này ít hơn so với Mỹ và Nga. Bắc Kinh phải chủ động, có số lượng đầu đạn cần thiết để đối phó Washington trong trường hợp xung đột leo thang, không kiểm soát.
Kông Anh
Mỹ - Trung chạy đua mở rộng kho vũ khí hạt nhân, thế giới sẽ ra sao? |
Mỹ - Trung công bố thỏa thuận tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu |