Bộ trưởng Thương mại Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa chính của châu Á về kinh tế và quân sự, khi căng thẳng giữa hai nước tiếp diễn.
"Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng lớn nhất, nhưng đồng thời là mối đe dọa chính cả về kinh tế và quân sự trong khu vực này", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong bài phát biểu được ghi âm sẵn tại Hội nghị châu Á 2020 của Viện nghiên cứu Milken hôm 8/12.
Ông Ross cho hay Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt 539 thuế quan trừng phạt, trong đó 210 loại liên quan tới Trung Quốc, dù không nêu thời gian cụ thể. Washington đã đưa "một số lượng lớn" công ty Trung Quốc vào danh sách đen, yêu cầu họ phải có giấy phép cho các lô hàng công nghệ nhạy cảm.
Quốc kỳ Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh hôm 29/4/2020. Ảnh: Reuters. |
Washington đồng thời cũng kêu gọi Trung Quốc tiếp tục thực hiện đầy đủ cam kết trong thỏa thuận thương mại giữa hai nước ký hồi tháng một , sau gần hai năm đàm phán. Theo thỏa thuận, chính quyền Tổng thống Trump sẽ giảm thuế xuống 7,5% đối với 110 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm, đồng thời đẩy nhanh phê duyệt cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường này và cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ross nói rằng Trung Quốc đã thực hiện 57 cam kết về kỹ thuật và mua hơn 23 triệu USD về mặt hàng nông sản của Mỹ. "Đó là khoảng 70% trong tổng mức thỏa thuận, nhưng đáng tiếc là họ đã mua ít hơn ở các mặt hàng khác", ông nói.
"Bây giờ Trung Quốc đã tuyên bố phục hồi sau đại dịch, chúng tôi hy vọng họ sẽ sớm hoàn thành cam kết hai năm", Ross nói thêm.
Mối quan hệ Mỹ - Trung đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay do nhiều bất đồng về hàng loạt vấn đề như Covid-19, chiến tranh thương mại, Biển Đông, luật an ninh Hong Kong. Giới quan sát nhận định giải quyết bài toán Trung Quốc sẽ là một trong số các thách thức lớn nhất đối với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Mỹ lên tiếng bảo vệ Tổng thống Donald Trump trong các quyết định rút Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP), thỏa thuận Iran hay hiệp định Paris, nhưng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác kinh tế với châu Á.
Thanh Tâm (Theo SCMP)