Lịch sử Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chắc chắn sẽ có những dòng xứng đáng để ghi nhận một giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 của tập đoàn với những gam màu sáng-tối rất rõ rệt.
Từ khi chuyển đổi mô hình từ tổng công ty sang tập đoàn vào năm 2006, chưa có nhiệm kỳ nào mà Đảng bộ PVN phải trải qua những ngày tháng khó khăn, phức tạp như nhiệm kỳ 2015-2020. Sau nhiệm kỳ 2010-2015, mọi hoạt động tưởng chừng trơn tru, hiệu quả, thì từ đầu năm 2015, tập đoàn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn bao gồm cả từ khách quan và chủ quan.
Đó là giá dầu thô liên tiếp giảm sâu và giữ ở mức thấp từ giữa năm 2015, lên được một chút vào năm 2019 thì đến đầu năm 2020 lại "xuống dốc không phanh". Giá dầu giảm khiến thị trường dầu mỏ trên thế giới đảo lộn, nhiều công ty khai thác phá sản, hàng loạt dự án lớn của ngành dầu khí trên thế giới phải dừng, giãn tiến độ... PVN cũng không tránh khỏi khó khăn, thậm chí có lĩnh vực còn gay gắt hơn bởi tiềm lực hạn chế, cơ chế hoạt động lại thiếu linh hoạt, phải thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) một cách cứng nhắc, mệnh lệnh...
|
|
Nhà máy điện Cà Mau 1&2 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. |
Bên cạnh đó, hàng loạt cán bộ chủ chốt của tập đoàn mắc sai phạm và bị xử lý bằng pháp luật gây tổn thất nặng nề về tư tưởng, làm giảm uy tín của tập đoàn, gây nên sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng ở nhiều cấp lãnh đạo. Tinh thần người lao động có nơi, có lúc sa sút, thậm chí hoang mang. Văn hóa dầu khí đã bị mai một, thậm chí đã mất ở một số đơn vị.
Trong tình hình khó khăn bộn bề như vậy, Đảng bộ tập đoàn đã bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, không tránh né khuyết điểm nhưng cũng không phủ nhận những thành tựu to lớn mà các thế hệ người dầu khí đã dày công gây dựng. Đảng bộ tập đoàn đã tập trung vào 3 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, đổi mới, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp. Công tác quản trị doanh nghiệp được xác định là một trong những khâu đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của tập đoàn. Xuất phát từ nhu cầu của tập đoàn, đồng thời thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Đảng ủy tập đoàn đã chỉ đạo công tác tái cơ cấu bộ máy điều hành PVN. Việc thay đổi, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân sự và tinh gọn từ 33 đầu mối xuống còn 18 đầu mối bước đầu đã nâng cao vai trò và hiệu quả của bộ máy điều hành PVN, phù hợp với yêu cầu tình hình mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của PVN trong các giai đoạn tiếp theo.
Một điều rất đáng mừng là cán bộ lãnh đạo các cấp và người lao động dầu khí đều nhận thấy việc cần thiết phải tái cơ cấu bộ máy quản lý và đổi mới công tác điều hành. Và ai cũng thấy đó là yếu tố sống còn của tập đoàn. Nhờ đó mà việc tái cơ cấu đã được thực hiện khá suôn sẻ, không có những hiện tượng gây mất đoàn kết nội bộ, không xảy ra hiện tượng khiếu kiện vượt cấp.
Thứ hai, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Công tác đào tạo và phát triển nhân lực trong các năm tiếp tục chuyển biến tích cực. Các chương trình đào tạo bao gồm: Đào tạo chuyên sâu tập trung cho 5 lĩnh vực SXKD chính, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung và cán bộ nguồn; các chương trình đào tạo bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, tập đoàn đã hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo khung cho khối kỹ thuật và tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo khung cho cán bộ lãnh đạo/quản lý và khối nghiệp vụ phi kỹ thuật. Thông qua công tác đào tạo trong những năm qua, tập đoàn đã xây dựng được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN). Các hoạt động KHCN luôn gắn liền với các hoạt động SXKD của tập đoàn trong tất cả lĩnh vực: Tìm kiếm thăm dò và khoan-khai thác dầu khí; hóa-chế biến dầu khí và khí; kinh tế quản lý dầu khí; điện; an toàn và bảo vệ môi trường. Hằng năm, tập đoàn đầu tư kinh phí chi cho công tác nghiên cứu khoa học để thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KHCN, bao gồm các nghiên cứu về đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí phục vụ công tác gia tăng trữ lượng, nghiên cứu chế tạo, nghiên cứu định hướng và đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng phục vụ hoạt động SXKD.
Một nét nổi bật trong nhiệm kỳ 2015-2020 là Thường vụ Đảng ủy PVN đã xác định rõ công tác xây dựng Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Tập đoàn là đơn vị có bề dày VHDN và có truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là ý chí, khát vọng "tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc" đã được hun đúc qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, từ khi bị khủng hoảng, VHDN dầu khí đã ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí đã mất đi bản sắc. VHDN chính là bệ đỡ, là nền tảng để tạo nên sự phát triển bền vững. Tái tạo lại VHDN dầu khí chính là "đi tìm lại các giá trị văn hóa đã bị suy giảm, bị mai một". Đảng ủy PVN đã ban hành nghị quyết về công tác truyền thông và VHDN. Trên cơ sở đó, Hội đồng thành viên đã ban hành Cẩm nang văn hóa dầu khí, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của tập đoàn và đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam. Tập đoàn đã lồng ghép triển khai văn hóa Petrovietnam trong mọi hoạt động SXKD, thực hiện an sinh xã hội cũng như trong thỏa ước lao động tập thể, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bảo vệ giá trị cốt lõi và thương hiệu Petrovietnam.
Bằng những biện pháp, giải pháp quyết liệt "đánh" đúng vào những điểm yếu của tập đoàn, nên từ giữa năm 2018, một bầu không khí tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy tập đoàn đã có tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công nhân viên. Sự tự tin, phấn khởi đã trở lại trên gương mặt của từng người lao động... Và chính sự tự tin đó đã giúp tập đoàn và các đơn vị thành viên đối phó một cách chủ động, bình tĩnh, rất hiệu quả khi phải đối mặt với khủng hoảng kép vào đầu năm 2020, đó là giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua, đại dịch Covid-19 làm kinh tế thế giới, trong đó có cả Việt Nam lâm vào cuộc suy thoái lớn.
Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ PVN, có thể rút ra được những bài học lớn:
Một là, đối với ngành dầu khí và Tập đoàn PVN, gần 60 năm qua, cũng như 5 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW chứng minh rằng, tầm nhìn chiến lược đúng đắn, đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và hoàn cảnh quốc tế là yếu tố quyết định để nắm bắt các cơ hội, phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động dầu khí trong nước.
Hai là, dầu khí là tài nguyên không tái tạo, do đó phải tổ chức khai thác, chế biến và sử dụng hiệu quả, lâu dài nguồn tài nguyên trong nước.
Ba là, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ dầu khí theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bốn là, nguồn nhân lực phải được đào tạo toàn diện, nhất là về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, KHCN, tay nghề. Tập thể lãnh đạo phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý; có tinh thần đoàn kết, thống nhất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật; chủ động, linh hoạt trong điều hành vì mục tiêu phát triển bền vững ngành dầu khí.
Năm là, ngành dầu khí là sự nghiệp của cả nước và vì cả nước, có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ, hợp tác với các ngành, các địa phương cũng như vì sự nghiệp chung. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm ngành dầu khí phát triển đúng chiến lược đã được Bộ Chính trị định hướng.
Sáu là, ngành dầu khí cần tiếp tục được tập trung tăng cường nguồn lực; có các chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho ngành dầu khí phát triển bền vững.
Bài và ảnh: NGUYỄN NHƯ PHONG