Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão sẽ gây ra 2 đợt mưa rất to cho các tỉnh miền Trung, cao điểm từ 27 đến 30/10 với lượng mưa có nơi trên 400mm.
Ngày 25/10, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai họp triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ phức tạp ở miền Trung trong những ngày tới.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới. Đây là cơn bão di chuyển nhanh và suy yếu nhanh, mưa do bão cũng kết thúc nhanh (dự kiến kết thúc trong ngày 28/10).
Quang cảnh cuộc họp. |
Sau đó, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và hoàn lưu sau bão, từ 27 đến 30/10, mưa sẽ dịch dần lên phía Bắc, trọng tâm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với lượng mưa trong 4 ngày từ 200-350mm, có nơi trên 400mm.
"Các khu vực đang ngập cục bộ như Tam Kỳ (Quảng Nam), Quảng Ngãi mưa sẽ giảm trong đêm nay, nước rút dần, nhưng trong đêm mai (26/10) mưa tăng dần trở lại. Tuy nhiên, ngập lụt tại Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn là vấn đề cần lưu tâm. Đồng thời, cảnh báo sạt lở, lũ quét ở Trung và Nam Trung Bộ", ông Lâm nói.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. |
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, theo dự báo, vùng ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão gồm các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiều đến đêm 26/10.
Do vậy, các vấn đề về tác động của cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão này cần lưu ý với gió mạnh trên biển (vùng nguy hiểm trên biển) được dự báo từ vĩ tuyến 10,0 đến vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển này sẽ chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên.
Đối với đất liền, khu vực ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận dự báo gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Ngoài ra theo dự báo, các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và Tây Nguyên có thể xảy ra mưa lớn trong trong khoảng 26-27/10. Vùng mưa lớn xảy ra đúng vào các khu vực mưa rất lớn trong 3 ngày từ 22-25/10. Mưa liên tục nhiều ngày khiến nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng tăng rất cao trong những ngày tới.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia theo dõi thông tin, kịp thời về diễn biến của cơn bão.
Ông Hoài đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tăng cường thông tin trên đài duyên hải để bà con biết vị trí nguy hiểm để kịp thời di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, hoặc tìm nơi trú tránh kịp thời.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản căn cứ tình hình thức tiễn để thông tin cho bà con. Lực lượng biên phòng tăng cường bắn pháo hiệu để không chỉ cảnh báo cho tàu thuyền trên biển mà còn ở ven bờ để nâng cao ý thức phòng chống bão của bà con.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai. |
Trên đất liền không chỉ chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua mà còn chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ sắp tới, do đó, ông Trần Quang Hoài đề nghị triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực ngập lụt; kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ...
"Hiện nay đất đã bão hòa nước, do vậy, cần kiểm tra rà soát toàn bộ khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở để kịp thời sơ tán, cần dừng tất cả các công trình đang thi công, nhất là việc thi công các nhà máy thủy điện, điện gió… chỉ trừ các bộ phận đang sửa chữa, khắc phục sạt lở đất ở ngành giao thông", ông Hoài nhấn mạnh.
Với các hồ thủy điện, ông Hoài yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ, đề nghị Bộ Công Thương vận hành đúng quy trình; khi vận hành xả lũ phải có thông tin kịp thời cho hạ du để bà con sơ tán kịp thời. Các đơn vị kiểm tra hệ thống thông tin ở hạ du của những hồ chứa lớn do Bộ Công Thương và EVN quản lý.