Suốt nhiều tháng, Biden thể hiện ý thức phòng nCoV bằng cách đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người, nhưng sức khỏe của ông vẫn gây lo ngại.
Những hoài nghi về sức khỏe của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dựa trên thực tế là ông sẽ trở thành tổng thống Mỹ cao tuổi nhất từng được bầu nếu chiến thắng vào tháng 11. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 7,6 triệu ca nhiễm và gần 215.000 người tử vong.
Chủ đề này càng được chú ý sau khi Tổng thống Donald Trump, người đứng cạnh Biden trong buổi tranh luận đầu tiên hôm 29/9, dương tính với nCoV. Các thông điệp của Nhà Trắng về tình hình sức khỏe của Trump bị đánh giá khá mâu thuẫn. Bác sĩ Sean Conley, người chuyên trách điều trị cho Trump, hôm 4/10 thừa nhận che giấu việc Tổng thống phải thở oxy khi nồng độ oxy trong máu tụt xuống do sốt cao.
Do đó, tiến sĩ Kelly Michelson, giám đốc Trung tâm Đạo đức sinh học và Nhân văn Y tế thuộc Trường Y khoa Feinberg, Mỹ, cho rằng việc Biden hoàn toàn minh bạch về sức khỏe của ông với công chúng giờ đây không chỉ là cách tiếp cận đúng đắn, mà còn khôn ngoan.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu trong sự kiện vận động tranh cử tại thành phố Grand Rapids, bang Michigan, hôm 2/10. Ảnh: AFP. |
"Điều đó giúp tạo ra niềm tin trong cộng đồng, xoa dịu nỗi sợ hãi và lo ngại. Tôi cũng không thực sự hiểu tại sao lại không thể minh bạch về những gì đang diễn ra. Tôi nghĩ việc để công chúng nắm được tình hình rất quan trọng", Michelson nêu ý kiến.
Whit Ayres, nhà thăm dò ý kiến kỳ cựu của đảng Cộng hòa, chỉ ra rằng thông tin liên quan đến sức khỏe của cả Trump và Biden đều thuộc về lợi ích của công chúng. "Họ nên sẵn lòng chia sẻ thông tin. Các cử tri dao động cũng vô cùng quan tâm đến sức khỏe của Tổng thống cũng như người có thể đắc cử, giữa lúc đại dịch đang hoành hành", ông nói.
Tuy nhiên, vài tháng gần đây, chiến dịch của Biden không đề cập nhiều về các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho ứng viên 77 tuổi. Ngay sau Hội nghị Toàn quốc đảng Dân chủ hồi tháng 8, một quan chức tiết lộ cựu phó tổng thống Mỹ chưa xét nghiệm, dù việc này được yêu cầu. Một ngày sau đó, chiến dịch cho biết Biden và người đồng hành Kamala Harris, cùng những người tiếp xúc với họ, sẽ được xét nghiệm "thường xuyên".
Tối 3/10, sau hai ngày từ chối cung cấp chi tiết về quy trình xét nghiệm cho Biden và giữa lúc thông tin Trump nhiễm nCoV đang thu hút sự chú ý của dư luận, chiến dịch của ứng viên đảng Dân chủ đã cam kết công bố tất cả kết quả xét nghiệm của ông. Theo kết quả mới nhất hôm 4/10, Biden âm tính với nCoV.
Không dừng lại ở tính minh bạch, nhiều người còn lo ngại về việc Biden tiếp tục vận động tranh cử. Chiến dịch của Biden vẫn tổ chức chuyến đi đến thành phố Grand Rapids, bang Michigan, sau khi Trump thông báo nhiễm nCoV.
Dù đã được xác nhận âm tính, việc Biden không dừng các hoạt động là trái với quy tắc quan trọng trong hướng dẫn y tế, bởi ông vừa tiếp xúc với một ca nhiễm nCoV là Trump. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bất cứ ai tiếp xúc gần với ca nhiễm nên "tự cách ly tại nhà, bởi triệu chứng có thể xuất hiện sau 2-14 ngày từ khi phơi nhiễm với virus", đồng thời nên "tránh xa người khác".
Các bình luận viên của NY Times đánh giá quyết định của Biden có nguy cơ làm suy yếu thông điệp đặt sức khỏe và an toàn lên trên chính trị mà ông nêu ra. "Tôi nghĩ Biden, Trump, hay bất kỳ ai khác, đều không có lý do để trở thành ngoại lệ. Mọi công dân đều nên tuân thủ hướng dẫn của CDC", tiến sĩ Michelson cho hay.
Tuy nhiên, tiến sĩ Irwin Redlener, chuyên gia về phản ứng với đại dịch tại Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia, Mỹ, từng làm việc trong ủy ban tư vấn y tế cộng đồng cho chiến dịch của Biden, đánh giá hai ứng viên đã giữ khoảng cách đủ xa trong buổi tranh luận.
"Đội ngũ của Biden tin rằng họ đang tuân thủ các quy tắc và không lo ngại chuyện này", Redlener cho hay, nói thêm rằng cựu phó tổng thống Mỹ nên "được xét nghiệm hàng ngày" và chiến dịch của ông cũng cần tiếp tục làm theo hướng dẫn của CDC.
Symone Sanders, cố vấn cấp cao cho chiến dịch của Biden, thậm chí khẳng định ứng viên đảng Dân chủ "không bị tiếp xúc" tại buổi tranh luận, bởi ông đứng cách Trump tới hơn 2 m. T.J. Ducklo, phát ngôn viên chiến dịch, cũng cho hay Trump và Biden "không được coi là tiếp xúc gần theo quy ước của CDC, nơi đưa ra những hướng dẫn mà chúng ta đang làm theo".
Tại buổi tranh luận, Trump và Biden đều không đeo khẩu trang, đứng cách nhau khoảng 3,7 m, gấp đôi khoảng cách CDC khuyến cáo. Tuy nhiên, trong không gian kín, đặc biệt là nơi đông người và có ai đó nói lớn suốt thời gian dài như Trump, virus trong giọt bắn của Tổng thống có thể đi xa hơn khoảng cách 2 m, giới chuyên gia cảnh báo.
"Đây là một rủi ro chắc chắn đáng kể", Linsey Marr, chuyên gia nghiên cứu sự lây lan của virus trong không khí tại Đại học Bách khoa Virginia, Mỹ, nhận định. Theo bà, Trump trong buổi tranh luận có thể phát tán lượng virus nhiều gấp 10 lần so với lúc chỉ hít thở. Do đó Biden là "một ca tiếp xúc gần" bất chấp bộ quy tắc của CDC.
Juliet Morrison, nhà virus học tại Đại học California, Mỹ, còn lưu ý "kết quả xét nghiệm âm tính không hẳn đồng nghĩa với việc không nhiễm virus", bởi trong giai đoạn đầu sau khi lây, nồng độ virus có thể quá thấp để cho ra kết quả dương tính. "Bạn phải tiếp tục thận trọng và giả định rằng mình thực sự có khả năng đã nhiễm. Do đó, bạn cần xét nghiệm mỗi ngày", chuyên gia cho hay.
Những ngày tới, chiến dịch của Biden đặt mục tiêu cân bằng giữa phòng ngừa Covid-19 và duy trì hoạt động ở các bang. Tuy nhiên, việc Trump nhiễm nCoV dường như đã tạo nên bầu không khí lo âu trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
"Cuộc bầu cử chỉ còn cách vài tuần, nên chiến dịch của Biden muốn ông có cơ hội thể hiện mình trước công chúng Mỹ. Tuy nhiên, sự thiếu thận trọng của Tổng thống đã khiến mọi thứ đi chệch hướng. Chiến dịch của Biden thất vọng vì điều đó", chuyên gia Redlener cho hay.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)