Liệu tình báo Mỹ có thể ngăn được vụ khủng bố 11-9?

Các cuộc tấn công ngày 11-9-2001 có phải là một bất ngờ chiến lược không thể đoán trước? Dư luận chung cho rằng âm mưu khủng bố này rất táo bạo, chưa từng có tiền lệ, việc chuẩn bị và thực hiện phức tạp đến mức không ai có thể tin rằng nó có thể xảy ra, nhưng nó đã trở thành hiện thực.

Đây là niềm tin của đại đa số người Mỹ và phần còn lại của thế giới. Nhưng điều đó liệu có đúng không? Vì sao tình báo Mỹ đã không phát hiện ra những dấu hiệu nguy hiểm này, như sự xuất hiện của 19 tên không tặc trên đất Mỹ?

Những cảnh báo sớm

Đã xuất hiện rất nhiều cảnh báo. Mỹ từng là mục tiêu hàng đầu của những kẻ khủng bố Hồi giáo trong nhiều năm trước vụ 11-9. Ngày 26-2-1993, một chiếc xe bán tải chở khoảng 600 kg thuốc nổ tự chế phát nổ tại bãi đậu xe của Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới, tạo ra một hố sâu 60 mét. 6 người chết và hơn 1.000 người bị thương.

FBI sau đó đã tăng cường giám sát giáo sĩ Abdul Rahman, người được cho là đứng sau vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 và rất thân cận với Abdullah Azzam - người đồng sáng lập Al-Qaeda. Sống ở New York từ năm 1990, Rahman đã liên tục tung ra các bài phát biểu đầy bạo lực chống Mỹ tại các nhà thờ Hồi giáo ở đây. FBI biết rằng một kế hoạch khủng bố quy mô lớn khác mang mật danh là “Day of Terror” đang được chuẩn bị. Nó nhắm đến việc trong cùng lúc làm nổ tung trụ sở FBI, trụ sở Liên Hợp Quốc và ba làn đường giao thông ở New York.

Nhưng điều gây ngạc nhiên là việc kế hoạch khủng bố Bojinka, sau khi bị phanh phui, cũng đã không tạo ra được những cảnh báo cần thiết với các nhà chức trách Mỹ, buộc họ phải đưa ra những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với việc di chuyển bằng đường hàng không, đặc biệt là việc tăng cường giám sát đối với các chiến binh thánh chiến sống trên đất Mỹ và các nơi trên thế giới.

hinh 1.jpg -0

Abdul Rahman, kẻ chủ mưu vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993.

Kế hoạch Bojinka là một chuỗi chiến dịch khủng bố quy mô bao gồm nhiều thành phần: đầu tiên là ám sát Giáo hoàng nhân chuyến công du của ông đến Philippines từ 12 đến 17-1-1995. Bom sẽ được đặt trên một trong các tuyến đường mà Giáo hoàng sẽ đi qua. Sau đó là kế hoạch đặt bom trên 12 chiếc máy bay của Mỹ cất cánh từ các sân bay Châu Á và làm cho chúng nổ tung trên biển Thái Bình Dương vào ngày 21 và 22-1-1995, mục đích để giết được khoảng 4.000 người (bọn khủng bố đã thử nghiệm bằng cách cài bom trên một chiếc Boeing 747 của Philippine ngày 11-12-1994, một hành khách thiệt mạng, máy bay bị hư hỏng nhưng vẫn hạ cánh được).

Phần thứ 3 sẽ diễn ra theo đúng mô hình của vụ 11-9, cướp hàng chục máy bay ngay sau khi chúng cất cánh và đưa chúng đến các mục tiêu khác nhau: Trung tâm Thương mại thế giới, tòa nhà Quốc hội, Lầu Năm Góc, trụ sở CIA, các nhà máy điện hạt nhân và tháp Willis ở Chicago (tòa tháp cao 442m, cao nhất thế giới vào lúc đó).

Kế hoạch Bojinka đã bị vô hiệu hóa vào ngày 6-1-1995 khi cảnh sát Philippines kịp thời tận dụng vụ cháy căn hộ của những kẻ chủ mưu để bắt giữ tên khủng bố đầu tiên và những kẻ khác trong những ngày tiếp theo. Các cơ quan tình báo Mỹ, thông qua các đối tác Philippines đã có quyền truy cập vào kho dữ liệu đáng kể thuộc đủ loại: máy tính, các dấu vân tay, số điện thoại, chứng từ chuyển tiền. Trong một chiếc máy tính, họ tìm thấy một tuyên bố của Bin Laden về vụ khủng bố thất bại ngày 26-2-1993 nhắm vào Trung tâm Thương mại Thế giới: “lần sau sẽ làm tốt hơn”.

Vào đầu năm 1995, thẩm phán điều tra chống khủng bố Jean-Louis Bruguière của Pháp đã đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng về mối đe dọa loại này với các nhà chức trách Mỹ. Ông thông báo rằng 4 kẻ khủng bố thuộc Nhóm Hồi giáo vũ trang (GIA), những kẻ đã cướp chiếc máy bay của Air France chặng Algiers-Paris (từ ngày 24 đến 26-12-1994), đã sửa soạn một số kịch bản: kích nổ chiếc Airbus khi đang bay hoặc lao nó vào tháp Eiffel hoặc tháp Montparnasse.

Cuộc phiêu lưu của những kẻ khủng bố này đã kết thúc ở Marseille khi đặc nhiệm Pháp tấn công chiếc máy bay lúc nó đang đậu trên đường băng. Do đó, việc sử dụng máy bay để thực hiện các cuộc tấn công ngoạn mục, mang tính biểu tượng, ghi dấu ấn sâu đậm trong dư luận là điều hiển nhiên từ năm 1995 trở đi, và lẽ ra phải được coi là một mối đe dọa lớn. Nhưng người Mỹ đã không hiểu điều này.

hinh 3.png -0

Sau 20 năm, câu hỏi rằng liệu tình báo Mỹ có khả năng ngăn chặn được vụ khủng bố 11-9 vẫn chưa có lời giải đáp.

Thái độ khó hiểu của Mỹ trong việc giải quyết Bin Laden

Một trong những điểm mấu chốt dẫn đến sự bất lực trong việc ngăn chặn vụ 11-9 là việc Mỹ đã thể hiện một thái độ mềm yếu rất khó hiểu đối với Ảrập Xêút. Dường như “Hiệp ước Quincy” (được đặt theo tên của tàu tuần dương Mỹ mà Roosevelt và Vua Ibn Saud đã ký kết thỏa thuận vào ngày 14-2-1945) là nguồn gốc cho sự nhún nhường của Washington đối với đồng minh này.

Hiệp ước này quy định quyền của Mỹ được tiếp cận nguồn dầu mỏ của Vương quốc để đổi lấy sự bảo vệ của Mỹ đối với chế độ của Ảrập Xêút. Hệ quả của mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia là việc Ảrập Xêút tài trợ không ngừng cho sự bành trướng của Hồi giáo chính thống trên toàn thế giới, kể cả ở châu Âu và ở Mỹ. Bin Laden, kẻ khá thân cận với những người cai trị vương quốc, là một “người hùng” trong cuộc chiến chống lại Liên Xô ở Afghanistan, nhưng đã được biết đến, ít nhất là từ năm 1995, như là một mối đe dọa cực kỳ to lớn đối với phương Tây.

Tháng 2-1996, ông ta gửi đến một số tờ báo lớn lời kêu gọi tấn công vào các lợi ích của Mỹ. Các cuộc tấn công ngày 7-8-1996 ở Nairobi và Dar es Salaam là hệ quả của lời tuyên chiến này. Ngày 23-8-1996, Bin Laden tuyên bố tiến hành thánh chiến chống lại những người Mỹ đang chiếm đóng Ảrập Xêút, nơi có mặt hai nhà thờ Hồi giáo thiêng liêng. Giai đoạn Bin Laden trú ẩn ở Sudan, theo một số nguồn tin, chính quyền Khartoum đã đề nghị giao nộp ông ta cho Mỹ nhưng Washington đã từ chối. Vì vậy, Bin Laden đã chuyển đến Afghanistan trót lọt.

wtc.jpg -0

Sau 20 năm, hình ảnh này vẫn còn ám ảnh thế giới.

Người Mỹ tiếp tục thể hiện một thái độ ôn hòa khó hiểu. Họ thúc giục Riyadh tìm cách làm cho Bin Laden tỉnh lại - nghĩa là từ bỏ việc tấn công các lợi ích của Mỹ. Nhà báo Jamal Khashoggi (đã bị ám sát vào ngày 2-10-2018 tại Lãnh sự quán Ảrập Xêút ở Istanbul) được các cơ quan tình báo Ảrập Xêút giao nhiệm vụ đi gặp “người quen cũ” Bin Laden để khuyên giải ông ta. Một cố gắng vô ích.

CIA cũng biết rõ về cuộc họp quan trọng của Al-Qaeda được tổ chức vào ngày 5-1-2000 tại Malaysia. Hai trong số những kẻ tham dự cuộc họp ngay sau đó đã nhập cảnh vào Mỹ với hộ chiếu hợp lệ. Đó chính là 2 trong số 19 tên không tặc đã cướp máy bay trong ngày 11-9. Nhưng những thông tin quan trọng này lại không hề được chuyển cho FBI, mặt dù lúc đó đã có một đơn vị đặc nhiệm hỗn hợp CIA/FBI được giao nhiệm vụ chính xác là tiến hành cuộc chiến chống lại Al-Qaeda.

8 năm qua mặt tất cả các cơ quan tình báo Mỹ

Ali Mohamed là cựu sĩ quan quân đội Ai Cập, rất thân thiết với Bin Laden. Anh ta đóng một vai trò quyết định trong việc đào tạo kỹ năng của những kẻ khủng bố thánh chiến, chuẩn bị cho các cuộc tấn công khủng bố trong những năm 1990, trong việc phát triển sức mạnh của Al-Qaeda trên đất Mỹ và trong các sự kiện ngày 11-9.

Bị quân đội Ai Cập sa thải năm 1984 vì những những tư tưởng Hồi giáo cực đoan, anh ta trở thành cố vấn an ninh của Egypt Air, tận dụng cơ hội này, thủ lĩnh tương lai của Al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri, đã yêu cầu anh ta tìm hiểu về hệ thống an ninh của sân bay Cairo. Thời gian sau đó Al-Zawahiri ra lệnh cho Ali Mohamed thâm nhập vào hàng ngũ tình báo Mỹ. Sau khi chủ động tiếp xúc với Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, Ali Mohamed được chi nhánh CIA ở Đức tuyển dụng để “nằm vùng” tại một nhà thờ Hồi giáo ở Hamburg. Nhưng CIA nhanh chóng phát hiện ra trò chơi hai mang của Ali Mohamed và đã đình chỉ hợp tác với anh ta, còn Bộ Ngoại giao Mỹ thì đưa anh ta vào danh sách những kẻ khủng bố bị tình nghi.

Nhưng một năm sau đó, Ali Mohamed đã xin được thị thực vào Mỹ và gia nhập vào quân đội Mỹ năm 1986. Tận dụng các kỳ nghỉ, Ali Mohamed thường xuyên bay sang Afghanistan để huấn luyện quân sự cho các mujahedin bất chấp các quy định cấm đoán của quân đội Mỹ. Khi kết thúc hợp đồng với quân đội vào năm 1989, Mohamed đã chiêu mộ, huấn luyện các phần tử Hồi giáo ở Mỹ về các kỹ thuật ám sát và khủng bố. Một trong những người được anh ta huấn luyện đã ra tay ám sát giáo sĩ Do Thái cực đoan Meir Kahane ở New York vào ngày 5-1-1990.

Cùng năm đó, Ali Mohamed thành công trong việc lọt vào hàng ngũ FBI với vị trí phiên dịch. Dưới vỏ bọc này, Mohamed gặp nhiều thuận lợi khi tiến hành tuyển chọn người cho nhóm khủng bố đã kích nổ quả bom trong bãi đậu xe của Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 26-2-1993. Đến lúc này, hồ sơ của anh ta thực sự đáng lo ngại và FBI cuối cùng cũng đã lần ra mối liên hệ của anh ta với Al-Qaeda.

a5.jpg -0

Những nhân viên cứu hộ đầu tiên tại hiện trường sau khi trung tâm thương mại thế giới bị sập. Ảnh: New York Times.

Cuối năm 1993 tại Sudan, Ali Mohamed đã tổ chức một cuộc gặp mặt giữa Bin Laden và Imad Moughniyah, một trong những thủ lĩnh của Hezbollah Liban. Kéo được những kẻ thù lâu năm của phong trào vũ trang Sunni và Shiite ngồi lại bàn chuyện hợp tác với nhau đã chứng tỏ sức nặng đáng kể của Ali Mohamed trong thế giới của những kẻ khủng bố Hồi giáo. Sau 8 năm lừa dối và thao túng các cơ quan quyền lực nhất nước Mỹ: Quân đội, CIA, FBI, cuối cùng Ali Mohamed cũng bị sa lưới vào năm 1998, nhưng 8 năm đó cũng là đủ để Ali Mohamed xây dựng một mạng lưới hùng hậu của Al-Qaeda trên đất Mỹ, đủ khả năng tiến hành vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9.

Giờ đây người Mỹ, dẫu không ngăn chặn được vụ 11-9, cũng đủ thông minh để ra tay hành động nhằm ngăn cho điều này không thể xảy ra một lần nữa. Tổng thống và Quốc hội Mỹ đã hợp tác chặt chẽ để đưa ra các quyết định sâu rộng, chẳng hạn như thông qua Đạo luật Yêu nước, được ban hành vào ngày 26-10-2001, sáu tuần sau ngày 11-9. Đạo luật dài 300 trang này đã củng cố đáng kể quyền hạn của các cơ quan tình báo trong việc chống khủng bố.

Dương Thắng

/ antg.cand.com.vn