Lịch sử tranh luận ứng viên Tổng thống Mỹ: "Nói" giỏi hơn chưa chắc đã đắc cử

Tranh luận tổng thống Mỹ trước mỗi dịp bầu cử là cơ hội để cử tri hiểu hơn về tính cách, đường lối, phong cách lãnh đạo của các ứng viên, nó có thể gây ảnh hưởng lớn trong một số cuộc bầu cử, nhưng cũng có nhiều trường hợp, người chiến thắng trong các cuộc tranh luận rốt cuộc lại là kẻ thất bại chung cuộc.

Lịch sử các cuộc tranh luận

Tranh luận tổng thống Mỹ có nguồn gốc từ 7 cuộc tranh luận giữa Abraham Lincoln và Stephen Douglas khi tranh cử ghế thượng nghị sĩ Illinois năm 1858. Nguyên nhân dẫn đến tranh luận là Lincoln đã "theo chân" Douglas trên hành trình vận động quanh bang. Cứ vài ngày sau khi Douglas có bài phát biểu tại một địa điểm nhất định, Lincoln cũng sẽ làm vậy. Douglas cuối cùng đồng ý đứng chung sân khấu với Lincoln để tranh luận 7 lần, mỗi lần trong ba giờ về các vấn đề đạo đức và kinh tế xoay quanh chế độ nô lệ.

Cuối cùng, Lincoln không chiến thắng. Tuy nhiên, những lời tranh luận của ông được chia sẻ trên khắp cả nước và trở thành bàn đạp đưa Lincoln vào Nhà Trắng hai năm sau đó.

0612 20080927debate1
Obama đối đầu với McCain năm 2008

Các cuộc tranh luận tổng thống của Mỹ thường chỉ bao gồm hai ứng viên chính đảng, mặc dù tên của các ứng viên đảng khác và ứng viên độc lập vẫn xuất hiện trên lá phiếu. Vì Covid-19, các cuộc tranh luận năm nay có thể quan trọng hơn so với các năm trước đó vì ứng viên có ít cơ hội tham gia các sự kiện vận động trực tiếp hơn.Năm 1960, Mỹ lần đầu tiên tổ chức tranh luận tổng thống và bắt đầu từ năm 1976, hoạt động này được tổ chức vào mỗi mùa bầu cử. Năm nay Mỹ tổ chức ba cuộc tranh luận tổng thống vào 29/9, 15/10 và 20/10. 6 chủ đề trong cuộc tranh luận đầu tiên là hồ sơ của Donald Trump và Joe Biden, Tòa án Tối cao, kinh tế, đại dịch Covid-19, vấn đề chủng tộc và bạo lực ở các thành phố, và tính toàn vẹn của bầu cử.

Các cuộc tranh luận ảnh hưởng đến kết quả bầu cử như thế nào

Đôi khi tranh luận tổng thống không có nhiều tác động đến kết quả bầu cử. Tuy nhiên, nó được coi là đã đóng vai trò quan trọng làm nên chiến thắng cho John F. Kennedy. Kennedy đã giành được thiện cảm từ khán giả truyền hình với vẻ ngoài điển trai và khả năng lập luận lưu loát, rành rọt trong khi Richard M. Nixon toát mồ hôi và trông rất căng thẳng. Sau cuộc tranh luận, khán giả truyền hình nghiêng về Kennedy trong khi các cuộc thăm dò cho thấy những người nghe tranh luận trên đài phát thanh, tức chỉ nghe tiếng chứ không xem hình, nghiêng về Nixon. Kennedy là người đắc cử.

Trong khi đó, vào mùa bầu cử năm 2004, thượng nghị sĩ John Kerry được cho là thể hiện tốt hơn trong tranh luận và kết quả thăm dò cũng cho thấy ông dẫn trước đối thủ, mặc dù từng yếu thế hơn trước khi các cuộc tranh luận bắt đầu. Nhưng cuối cùng, George W. Bush tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

0608 564b05043b690a93418bf7e1433f37a150 27 kerry bush2xh473w710
Tổng thống Bush và ứng viên John Kerry của Đảng Dân Chủ trong cuộc tranh luận trước bầu cử 2004

Việc phân tích ảnh hưởng chính xác của các cuộc tranh luận đối với cử tri là rất khó, nhưng rõ ràng "chúng có ý nghĩa quan trọng", Kathleen Hall Jamieson, giám đốc Trung tâm Chính sách Công Annenberg tại Đại học Pennsylvania, nói. "Đây là cơ hội duy nhất trong mùa bầu cử để so sánh hai ứng viên khi họ trả lời cùng một vấn đề tại cùng một nơi. Bạn có thể hiểu được tính khí và khả năng ứng biến của họ".

Ngoài việc cho cử tri thấy tích cách của các ứng viên, các cuộc tranh luận cũng giáo dục cho cử tri Mỹ về các vấn đề nổi cộm và giúp họ hiểu lập trường của các ứng viên, Bill Benoit, giáo sư về nghiên cứu truyền thông tại Đại học Alabama ở Birmingham, cho biết. Ông nói rằng các nghiên cứu cho thấy những người xem tranh luận hiểu nhiều về các vấn đề hơn những người không xem.

"Các cuộc tranh luận đúng là làm thay đổi lựa chọn bỏ phiếu của một số cử tri, nhưng thường là chúng khiến cử tri củng cố quan điểm về một chiến dịch hơn", Benoit nói. "Tranh luận không phải là yếu tố đơn lẻ định đoạt một chiến dịch sẽ thua hay thắng, nhưng nó chắc chắn củng cố hoặc làm suy yếu một chiến dịch".

Điều khác xa so với thời Lincoln là khán giả giờ đây dễ bị ảnh hưởng bởi những quan điểm trên mạng xã hội khi xem tranh luận hơn, Benoit nói thêm.

Sau mỗi phiên tranh luận, những phát ngôn ấn tượng và những lời công kích gay gắt thường được truyền thông chú ý. Khi tranh luận năm 2016, Trump liên tục nói kháy, đào bới đời tư và dọa bỏ tù Clinton vì bê bối sử dụng email riêng tư để xử lý công vụ. Trump còn gọi đối thủ là "người đàn bà xấu xa" và "con rối", khiến ông bị nhiều người lên án sau phiên tranh luận.

0618 doug debate stl 276 superjumbo v2
Hai ứng viên Donald Trump và Hilary Cliton đối đầu năm 2016

Trong khi đó, Clinton nhấn mạnh ưu thế của mình là người dày dặn kinh nghiệm chính trị trong khi Trump là "kẻ ngoại đạo" thiếu hiểu biết. Bà cũng xoáy sâu vào bê bối miệt thị phụ nữ của ông. Các cuộc thăm dò sau tranh luận cho thấy Clinton được ủng hộ nhiều hơn Trump. Tuy nhiên, Trump là người đắc cử.

Richard Vatz, học giả từ Đại học Towson, cho rằng vào năm 2016, sự yêu hay ghét của cử tri với Trump và Clinton đã quá rõ ràng nên các cuộc tranh luận ít có tác động đến lá phiếu.

Chiêu trò trước tranh luận của Trump và Biden

Tổng thống Trump hôm 27/9 yêu cầu đối thủ Joe Biden xét nghiệm ma túy trước hoặc sau buổi tranh luận đầu tiên vào ngày 29/9. Ông cũng đồng ý xét nghiệm.

Joe Biden và Donald Trump tung ra rất nhiều "đòn" trước cuộc tranh luận chính thức

"Tôi sẽ kiên quyết yêu cầu xét nghiệm ma túy đối với Joe Biden 'buồn ngủ' trước hoặc sau cuộc tranh luận vào tối 29/9", Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter. Biden "buồn ngủ" là biệt danh do ông chủ Nhà Trắng đặt cho đối thủ bên phía đảng Dân chủ.

"Đương nhiên, tôi cũng sẽ đồng ý xét nghiệm. Nói giảm đi thì màn trình diễn tranh luận của ông ấy đã lập kỷ lục một cách bất thường. Chỉ có ma túy mới có thể tạo ra sự khác biệt này???", ông Trump viết thêm nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố này.

Truyền thông Mỹ hôm 26/9 đưa tin công tác chuẩn bị cho buổi tranh luận hôm 29/9 đã hoàn tất. Tuy nhiên, việc xét nghiệm ma túy không được đề cập, theo AFP.

Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần chế giễu đối thủ Biden. Trong những tuần gần đây, ông liên tục đề nghị ông Biden xét nghiệm ma túy nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy cựu phó tổng thống có thể đang sử dụng các loại thuốc không xác định để ghi điểm trong chiến dịch tranh cử.

Ông Biden đã bác bỏ cáo buộc này, kêu gọi cử tri cùng theo dõi ông và đối thủ đảng Cộng hòa.

"Hãy quan sát tôi. Hãy theo dõi cả hai chúng tôi", ông Biden nói ABC News hồi tháng 8.

Hôm 26/9, cựu phó tổng thống cho biết ông mong đợi "các cuộc tấn công cá nhân và lời nói dối" từ Tổng thống Trump trong buổi tranh luận. Ông còn ví ông Trump với trưởng ban tuyên truyền của Đức Quốc xã Joseph Goebbels.

0623 original
Trump yếu thế hơn trong cuộc tranh luận, nhưng cuối cùng đắc cử Tổng thống

Cuộc đối đầu hôm 29/9 ở Cleveland, Ohio, là buổi tranh luận đầu tiên trong ba buổi tranh luận kéo dài 90 phút của hai đối thủ đảng Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Đây cũng là lần đầu tiên cử tri có cơ hội nhìn thấy các ứng cử viên đối đầu trực tiếp với nhau.

Phóng viên (t/h)

Trump Trump "thách" Biden xét nghiệm chất kích thích trước buổi tranh luận đầu tiên
Bị tố chỉ nộp 750 USD thuế thu nhập, ông Trump phản bác Bị tố chỉ nộp 750 USD thuế thu nhập, ông Trump phản bác
Ông Biden so sánh Tổng thống Trump với bộ trưởng tuyên truyền Đức Quốc xã Ông Biden so sánh Tổng thống Trump với bộ trưởng tuyên truyền Đức Quốc xã
/ Nghề nghiệp & Cuộc sống