Núi Ba Vì (Sơn Tây, Hà Nội) đang lưu giữ kho tàng đồ sộ gần 200 công trình phế tích là những khu nghỉ dưỡng được Pháp xây dựng từ hơn 90 năm trước tại các điểm cao 400 m, 600 m, 700 m, 800 m, 1.000 m. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo các phế tích, đồng thời dựa vào các phế tích đó để phát triển du lịch được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Lợi thế du lịch đang bị bỏ phí
Nằm cách trung tâm Thủ đô hơn 60km về phía Tây, với khí hậu núi cao trong lành và mát mẻ, từ những năm 1930 - 1940, người Pháp đã quy hoạch núi Ba Vì trở thành khu nghỉ dưỡng quy mô.
Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, khu vực núi Ba Vì được Công sứ Sơn Tây G.Tucat đánh giá cao: “Thứ nhất, đường từ Hà Nội lên Ba Vì rất thuận tiện. Khoảng cách từ Hà Nội đến cốt 1.000 chỉ có 67km. Toàn bộ chỉ có 12km đường núi. Độ dốc của núi Ba Vì không quá 10% (ở Tam Đảo là 14%, thậm chí 16%). Thứ hai, khí hậu ở Ba Vì không ẩm ướt như Tam Đảo. Nhiệt độ không thay đổi quá nhiều (thấp nhất là 17,8oC, cao nhất là 29,6oC)”. Bởi vậy, theo Công sứ G.Tucat: “Khu núi Ba Vì sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng mang lợi ích cao hơn Tam Đảo...”.
Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tới tham dự Hội thảo Phát triển giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì” |
Khai phá và mở con đường đầu tiên đến với đỉnh núi – nơi phát hiện phế tích của ngôi đền cổ thờ vị Thánh chủ vùng đất Ba Vì vào năm 1902 là ông Muselier, Sau đó những người Pháp khác, như các ông Marius Boriel, Muster Lachaud – trú sứ Pháp tại tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), Thuillier... lần lượt xây dựng các công trình với nhiều chức năng tại các cote 400, 800m và 1000m của khu vực núi Ba Vì, nay là Vườn Quốc gia Ba Vì.
Đến năm 1944, người Pháp xây dựng nhiều công trình trên núi Ba Vì. Căn cứ vào nền móng và dấu vết để lại cùng tư liệu lưu trữ, người ta nhận ra tại khu vực cốt 600 - 800 từng hiện hữu một thị trấn sầm uất với khách sạn, biệt thự, nhà đại tá, nhà trung tá, nhà thờ, khu trại hè, cô nhi viện. Không chỉ có vậy, ở cốt 1.100, người Pháp còn xây dựng sân bay trực thăng cùng nhà điều hành. Những công trình này được kết nối với nhau thông qua con đường chạy từ chân núi lên tới đỉnh.
Việc xây dựng của những người Pháp ở Ba Vì trong khoảng 40 năm diễn ra trong sự vất vả của cả người dân Pháp và Việt đã giữ cho nơi này một khu vườn nhiệt đới tuyệt vời, một khu du lịch – nghỉ dưỡng – văn hóa hấp dẫn. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do chiến tranh nên các công trình trên núi Ba Vì hầu hết bị bỏ hoang, bị người dân phá dỡ để lấy nội thất và vật liệu xây dựng. Theo thống kê, đến nay vẫn còn khoảng 200 nền phế tích.
Một nhà thờ xây từ thời Pháp, nay chỉ còn thế này |
Trước những năm 2000, khu vực này hầu như không được “động” đến. Cả một khu nghỉ dưỡng hứa hẹn có thể là một “thiên đường” tương tự Đà Lạt, đã dần trở thành hoang phế, lụi tàn. Người dân bản địa phá sạch sẽ hầu như tất cả các công trình kiến trúc, tàn phá gần hết rừng.
Rừng Quốc gia Ba Vì hiện nay không phải khu rừng nguyên bản,bởi trước đó, toàn bộ rừng nguyên sinh của Ba Vì từ cote 800 trở xuống đã bị phá hết, bao phủ diện tích gần 10 ngàn ha là tre, là cỏ tranh, và các loại cây cộng sinh. Chim thú ở vườn Quốc gia Ba Vì cũng bị săn bắt hết nhẵn, đến mức chuột, rắn cũng không còn…80% rừng Ba Vì hiện nay là rừng mới trồng từ năm 1991. Và những con đường vàng rực hoa dã quỳ, thu hút nam thanh nữ tú lên chụp ảnh cũng là do ông Lương Ngọc Anh, Công ty THHH Phát triển Công nghệ, ông chủ của khu Du lịch Meliã Ba Vì nhân giống gần 20 năm trước. Sở dĩ ông Lương Ngọc Anh nghĩ ra "ý tưởng" nhân giống hoa dã quỳ là vì rừng Ba Vì từ cốt 100 đến cốt 800 hầu như chỉ còn cỏ gianh là cây lau…Trồng dã quỳ vừa đẹp mà vừa ngăn chặn được sự phát triển của cỏ gianh…
Một tòa biệt thự nay chỉ còn là phế tích |
Nhằm “đánh thức” những tiềm năng du lịch đang bị bỏ quên tại Ba Vì, tọa đàm khoa học “Phát triển giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tập đoàn Melia phối hợp tổ chức đã phần nào đưa ra được nhiều ý kiến đáng suy ngẫm.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất 5 nguyên tắc khai thác: Bảo tồn nguyên trạng các kiến trúc Pháp cũ; Phục dựng những không gian văn hóa - kiến trúc trên nền phế tích cũ; Tạo không gian kiến trúc mới kết hợp nền phế tích cũ một cách hài hòa với thiên nhiên; Xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ tăng tính tương phản cho quá khứ - hiện tại; Tôn tạo cảnh quan mới trên cơ sở lựa chọn có chủ ý với các chủng cây xanh bản địa.
Đi kèm các nguyên tắc trên đều có ví dụ về các công trình lịch sử nổi tiếng thế giới vừa bảo tồn giá trị vừa phát triển du lịch, văn hóa như tòa Reichstag (Đức), thành phố cổ Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ), bảo tàng Lourve (Pháp), khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima (Nhật Bản)... Tuy nhiên, việc tận dụng các phế tích để phát triển du lịch lại không phải vấn đề đơn giản bởi chính những khó khăn từ cơ chế.
Làm sao để vừa giữ rừng, vừa phát triển kinh tế?
Chỉ nói riêng tại khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì Moutain Retreat ngày nay (trước đây là Lemonde Ba Vì), sự phát triển của những khu du lịch này đã làm thay đổi diện mạo của du lịch Việt Nam, tạo sức hút lớn đối với quốc tế; tạo công ăn việc làm cho người bản địa và đóng góp to lớn cho ngân sách.
Dự án này được ký với Vườn Quốc gia Ba Vì trong thời gian 30 năm là từ 2017 đến 2047. Hết 30 năm, nếu không thực hiện tiếp thì toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất của doanh nghiệp sẽ thuộc về Nhà nước. Thế nhưng, trước đó từ hơn chục năm, Công ty THHH Phát triển Công nghệ đã phải cùng với Ban Quản lý Vườn Quốc gia trồng lại toàn bộ rừng, làm lại những con đường có từ thời Pháp, và làm hệ thống cấp điện, nước; tôn tạo cảnh quan cho phù hợp, đồng thời tiến hành các biện pháp giữ gìn các phế tích.
Những phế tích ở trên bình độ 600 |
Thế nhưng, việc vừa bảo tồn phế tích, vừa tận dụng phế tích để làm điểm du lịch không phải điều dễ dàng. Doanh nghiệp đã vấp phải nhiều quy định “cứng nhắc”, phải xin phép khi đặt một viên đá, sửa vài mét đường sạt lở ... Thậm chí, doanh nghiệp còn phải chịu mức thuế 2% trên tổng doanh thu, bất kể chi phí là bao nhiêu.
3 năm trôi qua, Dự án mới thực hiện gần hết Giai đoạn 1. Nhà đầu tư đã làm hết các thủ tục để phát triển giai đoạn 2, cũng theo đúng quy hoạch của Vườn Quốc gia. Các Bộ như Bộ tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương và các cơ quan có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thẩm định và có ý kiến xong hết, giờ chỉ còn chờ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký.
Gần đây, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân, và Đảng cũng đã coi doanh nghiệp tư nhân là " động lực" phát triển của kinh tế… Tuy nhiên sự chuyển biến thực sự còn rất chậm, chưa đáp ứng thực tế của sự phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường và hoa dã quỳ ở Meliã Ba Vì |
Có thể nói, trong khoảng 15 năm trở lại đây, ngành du lịch đã có những bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ và đã trở thành một “ngành công nghiệp không khói” quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Những khu du lịch danh tiếng nhất hiện nay như khu Fansipan ở Sapa; khu Bà Nà ở Đà Nẵng; khu Vinpearl Nha Trang hay Phú Quốc và dĩ nhiên không thể không nói đến khu Melia Ba Vì... đều do những tập đoàn kinh tế tư nhân xây dựng.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, ngành du lịch nói riêng và các doanh nghiệp tư nhân nói chung đã góp phần không nhỏ nhằm giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc tại điểm du lịch. Trong bối cảnh không có đủ ngân sách chi cho đủ việc bảo vệ rừng, chỉ có cách giao cho các nhà đầu tư tư nhân phát triển du lịch là một cách hiện quả nhằm giữ đất, giữ rừng mà vẫn thu được hiệu quả kinh tế.
Vương Tâm
Du lịch quốc tế tại châu Á hiện ra sao? |
Địa phương đua nhau kích cầu, đón khách du lịch trở lại |
Hoa dã quỳ nở rộ trên núi Ba Vì |