Việc làm hai tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh nhằm rút ngắn thời gian từ Đồng Tháp đi TP HCM xuống còn 2 tiếng thay vì 4 tiếng như hiện nay.
Ngày 19/5, ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp, cho biết trong 5 năm tới, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành hai tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, điểm đầu nối với tuyến N2, điểm cuối tiếp giáp đường dẫn cầu Cao Lãnh, tổng mức đầu khoảng 5.000 tỷ đồng (đề xuất ban đầu khoảng 4.500 tỷ đồng). Hiện dự án đã được Chính phủ thống nhất ghi vốn ODA Hàn Quốc.
Tuyến An Hữu - Cao Lãnh dài 28 km, sẽ nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tổng mức đầu tư dự kiến 5.700 tỷ đồng (đề xuất ban đầu khoảng 5.500 tỷ đồng). Dự án này đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025 và đang chờ Quốc hội thông qua kế hoạch vốn.
Hai tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh sẽ kết nối với các dự án khác để hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồ họa: Tạ Lư |
Đây là hai trong bảy tuyến cao tốc được dự kiến được đầu tư ở miền Tây. Năm dự án còn lại gồm: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp cho rằng, hai tuyến cao tốc mới này không chỉ có ý nghĩa với Đồng Tháp mà còn kết nối hai trục cao tốc Đông - Tây cho các tỉnh miền Tây. Khi công trình hoàn thành, người dân các tỉnh Kiên Giang, An Giang và TP Cần Thơ sẽ lên TP HCM thuận tiện, không phụ thuộc vào quốc 1A.
Riêng các tuyến giao thông tỉnh lộ, UBND Đồng Tháp đang triển khai nâng cấp, thảm nhựa tuyến Cao Lãnh - Sa Đéc hiện hữu; đầu tư tuyến ĐT 845 Trường Xuân - Tân Phước và tuyến ĐT 857 cặp kênh An Phong - Mỹ Hòa kết nối các huyện với vùng Đồng Tháp Mười với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng...
Phúc Điền
Chủ tịch Đường sắt Việt Nam: "Đến thời điểm xây dựng đường sắt cao tốc Bắc- Nam" |
Khởi động tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương |