Bộ GD-ĐT vừa ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, một trong những điểm mới được quy định là cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập…
Lý giải về điều này, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, thay đổi này nhằm phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Theo ông Hồng, học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng để phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý của giáo viên giảng dạy. Vì hiện nay nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là rất cần thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này cởi mở, phù hợp với xu thế hiện nay, tạo điều kiện cho học sinh được truy cập internet, tiếp cận với nhiều tri thức hơn và đẩy mạnh chuyển đổi số. Song cũng có không ý kiến lo ngại về việc, liệu học sinh có thực sự dùng điện thoại vào việc học, việc quản lý lớp học với giáo viên có khó khăn hơn?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, trước hết cần hiểu đúng về Thông tư 32, ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.
“Tôi khẳng định, việc cho phép sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập không phải câu đúng trong thông tư. Quy định chính xác nằm ở mục “các hành vi học sinh không được làm của Thông tư 32 về Ban hành Điều lệ trường THCS, THPT. Trong đó, học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Quy định này nhằm hỗ trợ học sinh khi cần tra cứu, tìm tài liệu khi có sự cho phép và hướng dẫn, giám sát của giáo viên trong lớp”, ông Thành cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, trong bối cảnh CNTT phát triển, công tác dạy học trực tuyến, sử dụng các nguồn học liệu trên mạng, phát triển học liệu số phổ biến. Việt Nam không thể nằm ngoài làn sóng ứng dụng CNTT. Trong thời gian học sinh phải nghỉ dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT hướng dẫn học online. Bộ cũng đã dự thảo thông tư về dạy học online và xin ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.
Việc học online giúp học sinh và thầy cô đạt được mục đích “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, nhờ đó, có thể hoàn thành chương trình và đảm bảo chất lượng. Giáo viên và học sinh tương tác qua mạng xã hội, tin nhắn, điện thoại để trao đổi bài vở.
“Bộ GD-ĐT quyết định không cấm tuyệt đối việc học sinh dùng điện thoại trong lớp và sửa thành quy định về hành vi học sinh không được làm. Điều này có nghĩa là thầy cô sẽ quyết định với bài học nào, thời điểm nào, học sinh được sử dụng điện thoại để tra cứu”, ông Thành giải thích.
Trước câu hỏi, Bộ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định này hay không, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông cho biết, Bộ không thể hướng dẫn cụ thể cho từng giáo viên. Với các bài học trên lớp, giáo viên là người hiểu hơn ai hết khi nào cần cấm và khi nào học sinh được phép sử dụng.
“Nếu không cần thiết, thì thầy cô không cho sử dụng. Thay vì cấm hoàn toàn, hiện nay Bộ chỉ cấm việc dùng không đúng mục đích và trao quyền cho giáo viên”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, giáo viên cần hiểu rất rõ vai trò của mình trong lớp, phải tổ chức, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động của học sinh trong lớp, thậm chí ngoài lớp.
Ông cho biết: "Trong một giờ học của một lớp học thì mọi hành động của học sinh phải được giáo viên kiểm soát. Trong lớp học, người giáo viên đang quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh, học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, cần phải hiểu rằng việc giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học.
Có thể hình dung, trên lớp, giáo viên sẽ giao cho học sinh nhiệm vụ. Như vậy có thể học sinh này sẽ tra trên mạng để truy cứu thêm thông tin để thực hiện nhưng cũng có học sinh lại không cần đến mà vẫn hoàn thành được nhiệm vụ học tập.
Như vậy, Bộ GD-ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát".
Đại diện Bộ GD-ĐT mong muốn, các thầy cô, học sinh, các bậc cha mẹ học sinh và toàn xã hội hiểu đúng về quy định của Bộ.
PV (th)