Khi COVID-19 phá tan giấc mơ World Cup của bóng đá Việt

Trong chuyến tập huấn chuẩn bị cho vòng chung kết Asian Cup 2022, đội tuyển nữ Việt Nam đã chịu tổn thất nặng nề vì COVID-19. Hơn 2 năm đã trôi qua kể từ khi bùng phát, đại dịch COVID-19 đang khiến kế hoạch vươn ra biển lớn của bóng đá Việt Nam gặp vô vàn khó khăn.

Nỗi buồn khó quên

"Bao giờ mới vượt được Thái Lan?". Câu hỏi đó không chỉ ám ảnh đội tuyển nam, mà còn khiến những cô gái đá bóng mất ăn mất ngủ. Tương tự những cầu thủ nam Việt Nam, cầu thủ nữ không ít lần lép vế trước kình địch số 1 khu vực. Trong khi chúng ta vẫn chỉ giành được thành tích ở cấp độ Đông Nam Á, đội tuyển nữ xứ chùa vàng đã vươn tầm thế giới, và họ thậm chí làm được điều đó không chỉ một lần.

Khi COVID-19 phá tan giấc mơ World Cup của bóng đá Việt -0

Đội tuyển nữ Việt Nam liên tiếp gặp khó khăn trước thềm Asian Cup

Ngày 20-1, Giải bóng đá nữ vô địch châu Á (Asian Cup nữ) sẽ chính thức diễn ra. Bên cạnh vị thế của giải bóng đá hàng đầu châu lục dành cho phái nữ, Asian Cup nữ 2022 cũng là đấu trường chọn ra những đại diện tiêu biểu nhất của bóng đá châu Á tham dự World Cup năm tới. Việc có đến 5 tấm vé trực tiếp, cùng 2 suất đá playoff liên châu lục biến Asian Cup 2022 là nơi quyết định vận mệnh World Cup của bóng đá nữ Việt Nam.

Để chuẩn bị cho giấc mơ vươn ra thế giới, bóng đá nữ Việt Nam đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng trong hơn 1 năm. Là người gắn bó với những cô gái đá bóng suốt 2 thập niên, HLV Mai Đức Chung hiểu rõ hơn ai hết cơ hội này chỉ đến một vài lần trong đời. 8 năm trước, đội tuyển nữ Việt Nam từng mất tấm vé dự World Cup ngay trên sân Thống Nhất. Không ai muốn câu chuyện tương tự diễn ra.

Khi COVID-19 phá tan giấc mơ World Cup của bóng đá Việt -0

Từ cơ hội đi World Cup, đội tuyển nữ Việt Nam có nguy cơ bị cấm thi đấu 2 năm

Tại Asian Cup nữ 2014, Việt Nam và Thái Lan gặp nhau ở trận playoff giành vé dự Cúp Thế giới. Đó là trận đấu cả 2 đội chơi so kè, ăn miếng trả miếng với tôn chỉ “muốn thắng, trước hết không được phép thua cuộc”. 18.000 khán giả đã đến sân Thống Nhất, con số gấp đôi lượng người theo dõi trực tiếp trận chung kết. Đáng tiếc là đội tuyển nữ Việt Nam lại để thua Thái Lan 2 bàn, và Tuyết Dung chỉ gỡ lại 1 bàn trong những phút cuối cùng.

8 năm đã trôi qua, nhiều tuyển thủ nữ Việt Nam vẫn chưa quên ngày họ phải nhìn Thái Lan ăn mừng tấm vé dự World Cup ngay trên sân nhà. HLV Mai Đức Chung và các học trò sau đó đã đánh bại người Thái ở SEA Games, cũng như AFF Cup nữ, nhưng điều đó vẫn chưa thể làm nguôi ngoai niềm tiếc nuối vì mất cơ hội vươn ra thế giới. Đến năm 2018, Thái Lan lại giành vé đi World Cup, và điều đó lại như một nhát dao cứa vào nỗi đau của tuyển nữ Việt Nam.

Sau lá thăm là COVID

Tham vọng giành vé dự World Cup của đội tuyển nữ Việt Nam qua cửa ải Asian Cup 2022 sớm gặp khó khăn ngay từ cánh cửa đầu tiên. Việc những cô gái đá bóng vượt qua vòng đấu loại với thành tích đáng nể (nhất bảng B, toàn thắng 2 trận, ghi 23 bàn và không để lọt lưới bàn nào, chân sút Hải Yến là vua phá lưới vòng loại với 8 bàn) không giúp tuyển nữ Việt Nam có vị thế tốt khi bốc thăm vòng bảng. Chúng ta bị xếp vào nhóm hạt giống số 3.

Khi COVID-19 phá tan giấc mơ World Cup của bóng đá Việt -0

Bóng đá nữ Việt Nam thiếu một nguồn lực quan tâm, động viên mạnh như “Madame Pang” Nualphan Lamsam

Nhiều người dự đoán đội tuyển nữ Việt Nam sẽ rơi vào bảng đấu khó khăn, nhưng không ai nghĩ đó rốt cục lại là bảng tử thần. Kết quả bốc thăm đưa thầy trò HLV Mai Đức Chung phải tranh vé đi tiếp cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Myanmar. Trong khi đội tuyển từ Đông Nam Á được coi như kẻ tám lạng người nửa cân với đội tuyển nữ Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những đối thủ ở một đẳng cấp quá xa.

"Chúng tôi đặt mục tiêu có điểm trước Nhật Bản và Hàn Quốc, qua đó vượt qua vòng bảng và giành vé playoff dự World Cup". Đó là phát biểu của HLV Mai Đức Chung kể từ khi được hỏi về kết quả bốc thăm, cũng như trước lúc lên đường sang Tây Ban Nha tập huấn. Tuy nhiên, ai cũng ngầm hiểu đó là cách ông Chung lên dây cót tinh thần cho những học trò. Ai cũng hiểu cơ hội giành 1 điểm từ những cường quốc bóng đá nữ là điều gần như không thể.

Trong lịch sử, đội tuyển nữ Việt Nam không chỉ liên tiếp thua Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn thua với tỷ số rất đậm. Đó là lý do khiến các tuyển thủ nữ Việt Nam chuyền tay nhau kết quả bốc thăm trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Một vài người còn vui tính nói vị lãnh đạo của AFC đã "quá khéo tay" khi đưa đội tuyển nữ Việt Nam rơi vào cửa ải khó khăn nhất. Ở chiều ngược lại, Thái Lan có vẻ nhận được kết quả bốc thăm khá dễ dàng. Cơ hội dự World Cup lần thứ 3 liên tiếp hoàn toàn nằm trong tầm tay họ.

Bên cạnh kết quả bốc thăm không như ý, đội tuyển nữ Việt Nam còn phải nhận tin dữ trong chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha. Hàng loạt thành viên đội tuyển, bao gồm các cầu thủ, trợ lý và bác sĩ của đội đều được chẩn đoán dương tính với COVID-19. Việc đó khiến cho đội tuyển của chúng ta có chưa tới 10 gương mặt đến Ấn Độ ở đợt đầu tiên. HLV Mai Đức Chung đang đối mặt với nguy cơ không có đủ cầu thủ để đá trong giải đấu được trao mục tiêu lớn.

Vé World Cup trở thành án cấm thi đấu?

Ai cũng hiểu có bột mới gột nên hồ. COVID-19 từng khiến nhiều tuyển thủ nữ Việt Nam lỡ cơ hội xuất ngoại 1-2 năm trước. Đỉnh dịch đã qua đi, nhưng di chứng nó để lại vẫn còn quá nhiều. Bên cạnh cơ hội cọ xát thi đấu bị hạn chế, đội tuyển nữ Việt Nam nhiều khả năng sẽ tham dự Asian Cup với một đội hình chắp vá. Trong trường hợp các tuyển thủ tập huấn ở châu Âu không thể bình phục sớm, VFF sẽ phải triệu tập gấp nhiều cầu thủ không tập luyện suốt thời gian dài lên thi đấu ở giải lần này.

Khi COVID-19 phá tan giấc mơ World Cup của bóng đá Việt -0

Sau thành công với bóng đá nữ Thái Lan, Madame Pang muốn đưa đội tuyển nam tham gia World Cup

Có một lý do khiến đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam buộc phải bổ sung cầu thủ gấp để tham dự Asian Cup thay vì bỏ giải. Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) quy định những đội tuyển bỏ giải không có lý do chính đáng có thể phải chịu án cấm thi đấu đến 2 năm. Điều đó đồng nghĩa với việc kế hoạch phát triển dài hơi bóng đá nữ tại Việt Nam hứng chịu tổn thất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng đến tương lai lâu dài.

Ở chiều ngược lại, việc triệu tập hàng loạt cầu thủ lên đội tuyển nữ quốc gia sát giờ thi đấu chỉ là việc làm lợi bất cập hại. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng khiến nhiều CLB không thể tập trung, tập luyện trong thời gian qua. Sẽ ra sao nếu đội tuyển nữ Việt Nam hướng đến tấm vé World Cup với một đội hình yếu cả về mặt cá nhân lẫn tập thể? Đó là điều không ai mong muốn, và thất bại là điều khó tránh khỏi.

Nhưng ở một góc độ nào đó, ngay cả khi đội tuyển nữ Việt Nam không giành vé dự World Cup lần này, đó cũng là điều không khiến chúng ta quá tiếc nuối. So với những lần hụt vé trước kia, thầy trò HLV Mai Đức Chung đang lâm vào tình thế bất khả kháng, không thể nắm quyền tự quyết trong tay. Chỉ cần ra sân chơi hết sức mình với những con người tập hợp được, đội tuyển nữ Việt Nam có thể ngẩng cao đầu rời giải mà không còn quá nhiều vướng bận.

Bên cạnh đó, với mức độ đầu tư hiện tại vào bóng đá nữ, việc đội tuyển Việt Nam đến rất gần tấm vé dự World Cup trong 10 năm qua là thành tích rất đáng khích lệ. Từ việc chỉ dám đặt mục tiêu ở những sân chơi tầm cỡ khu vực, chúng ta đã dần vươn ra biển lớn châu Á, cũng như mang tầm nhìn thế giới. Cơ hội giành vé dự World Cup của chúng ta chỉ còn là vấn đề thời gian, trong tương lai gần.

Bất chấp những khó khăn bủa vây, những gì đội tuyển nữ Việt Nam cần nhất lúc này có lẽ là sự cổ vũ đến từ người hâm mộ. Lịch thi đấu, cũng như quy định cách ly khiến các tuyển thủ nữ Việt Nam gần như không có cơ hội đón Tết bên gia đình giống đội tuyển nam. Họ đã hy sinh hạnh phúc cá nhân vì màu cờ sắc áo, và họ cần hơn bao giờ hết lời động viên chân thành vào lúc này.

Thái Lan đổ tiền giành vé dự World Cup như thế nào?

Bà Nualphan Lamsam, Trưởng đoàn giúp đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2021 là một nhân vật rất đặc biệt. Doanh nhân, nhà điều hành thể thao được biết đến dưới biệt danh "Madame Pang" có lẽ là người thành công nhất trên cương vị nhà quản lý ở bóng đá Đông Nam Á. Trước khi giành chức vô địch cùng đội tuyển nam, bà chính là Trưởng đoàn giúp đội tuyển nữ Thái Lan 2 lần giành vé dự World Cup.

Sinh ra trong một gia đình tài phiệt Thái Lan, Madame Pang không chỉ biết cách dùng tiền và những mối quan hệ để thúc đẩy bóng đá nước nhà phát triển. Bà nổi tiếng nhờ phương thức "cho cần câu chứ không cho con cá" với các cầu thủ nữ Thái Lan trước kia. Thành viên đội tuyển nữ Thái Lan, phần lớn là con em sinh ra trong những gia đình nghèo khó ở vùng núi, được bà hỗ trợ ăn học nên người. Sau khi giải nghệ, phần lớn những tuyển thủ nữ Thái Lan trở về làm việc cho công ty của Madame Pang.

"Vô địch Đông Nam Á là chưa đủ. Chúng tôi muốn hướng đến World Cup". Đó là tuyên bố của Madame Pang khi bà phục hưng đội tuyển nữ Thái Lan, và điều đó đang diễn ra với cả đội tuyển nam. Ở cấp độ CLB, bà cũng không tiếc tiền đầu tư vào Port FC, qua đó nâng tầm đội bóng này trở thành thế lực hàng đầu của bóng đá Thái Lan. Đó là lý do mọi cầu thủ, HLV bóng đá xứ chùa vàng đều nói về Madame Pang với giọng nể phục.

Đơn Ca

Toán khó cho bóng đá Việt Nam Toán khó cho bóng đá Việt Nam
Bóng đá Việt Nam: Vượt đại dịch, thích ứng bình thường mới Bóng đá Việt Nam: Vượt đại dịch, thích ứng bình thường mới

/ antg.cand.com.vn