Hong Kong mất gì khi bị Trump tước đặc quyền?

Việc Trump tước các đặc quyền của Hong Kong tác động tới nhiều lĩnh vực như thương mại, giao dịch vũ khí, dẫn độ, hay hợp tác giáo dục.

Nhằm đáp trả việc Trung Quốc áp luật an ninh mới với Hong Kong, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/7 ký sắc lệnh tước những ưu đãi thương mại của Hong Kong, đồng thời phê chuẩn Đạo luật Tự trị Hong Kong mà quốc hội Mỹ thông qua hồi đầu tháng.

Sắc lệnh hành pháp của Trump sẽ đình chỉ hoặc chấm dứt những đặc quyền và ưu đãi dành cho đặc khu được quy định trong Đạo luật Chính sách Hong Kong năm 1992. Trong khi đó, Đạo luật Tự trị Hong Kong cho phép Mỹ trừng phạt các quan chức và cảnh sát được cho là xâm phạm quyền tự trị của thành phố, cùng những ngân hàng thực hiện giao dịch quan trọng với họ.

Chính phủ Mỹ sẽ sửa đổi các quy định với Hong Kong trong vòng 15 ngày tới. "Hong Kong giờ đây sẽ được đối xử giống như Trung Quốc đại lục. Không có đặc quyền nào, không có ưu đãi kinh tế, và không xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm", ông chủ Nhà Trắng phát biểu.

hong kong mat gi khi bi trump tuoc dac quyen
Toàn cảnh Hong Kong nhìn từ đỉnh Victoria. Ảnh: Reuters.

Sắc lệnh hành pháp của Trump quy định "loại bỏ ưu đãi dành cho những người mang hộ chiếu Hong Kong so với những người có hộ chiếu Trung Quốc đại lục". Tuy nhiên, người Hong Kong và công dân Trung Quốc đại lục hiện nay dường như không có khác biệt nào trong quy trình nộp đơn và thời hạn visa vào Mỹ.

Những người mang hộ chiếu Hong Kong có quyền nộp đơn xin visa nhập cảnh Mỹ nhiều lần, hiệu lực tối đa 10 năm, do tổng lãnh sự Mỹ cấp. Trong khi đó, người mang hộ chiếu Trung Quốc đại lục được quy định nộp đơn xin visa tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, hoặc các lãnh sự quán ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán hoặc Thẩm Dương. Họ cũng có thể nộp đơn xin visa nhập cảnh Mỹ nhiều lần và hiệu lực tối đa 10 năm.

Tuy nhiên, quy định trước đây đối với các nhà báo tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục khác nhau. Phóng viên làm việc ở Hong Kong có thể xin visa nhập cảnh Mỹ nhiều lần với thời hạn 5 năm, nhưng nhà báo tại đại lục chỉ được phép nộp đơn xin visa nhập cảnh Mỹ một lần, giá trị tối đa ba tháng.

Sắc lệnh mới của Trump còn ảnh hưởng tới tài sản tại Mỹ của một số người Hong Kong cũng như đại lục. Các cá nhân hoặc thực thể do Bộ Ngoại giao Mỹ xác định sẽ bị cấm đầu tư, chuyển nhượng, xuất khẩu, rút hoặc giao dịch bất cứ tài sản nào tại Mỹ. Chưa rõ quy định bao gồm những tài sản nào, nhưng có thể là tài khoản ngân hàng, các khoản đầu tư hoặc bất động sản.

Những cá nhân bị nhắm tới bao gồm các quan chức hoặc lãnh đạo trong chính quyền Hong Kong liên quan tới quá trình xây dựng và thực thi luật an ninh quốc gia mới, cùng những người bị coi là làm suy yếu quyền tự trị của thành phố, kiểm duyệt hoặc xử phạt các hành động tự do ngôn luận.

Những người trợ giúp đáng kể các đối tượng trên, hoặc hỗ trợ tài chính, vật chất và công nghệ, cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Những người bị trừng phạt, cùng vợ hoặc chồng và con cái của họ, bị coi là gây tổn hại lợi ích của Mỹ, không được cấp visa định cư và không định cư.

Lĩnh vực thương mại Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng dưới sắc lệnh của Trump, khi các mức thuế trừng phạt mà Mỹ áp đặt với đại lục hiện nay sẽ có hiệu lực với hàng Hong Kong xuất khẩu. Mỹ cũng không còn miễn trừ giấy phép đối với những mặt hàng xuất khẩu tới Hong Kong rồi vận chuyển vào đại lục.

Theo Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ, trong giai đoạn 2016-2018, giá trị hàng hóa bị kiểm soát được Mỹ xuất tới Hong Kong đạt khoảng 400-500 triệu USD mỗi năm, chủ yếu bao gồm các sản phẩm viễn thông, bảo mật thông tin và điện tử.

Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Hong Kong. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong cho biết giao dịch hàng hóa giữa hai bên năm ngoái chỉ chiếm 6,2% tổng giao dịch của thành phố, ở mức 517 tỷ đôla Hong Kong (khoảng 66,7 tỷ USD). Giá trị xuất khẩu từ Hong Kong sang Mỹ cũng chỉ đạt 3,7 tỷ đôla Hong Kong (hơn 477 triệu USD), chiếm chưa tới 0,1% tổng xuất khẩu của đặc khu.

Tuy nhiên, các ưu đãi thương mại của Mỹ trước đây đã góp phần giúp Hong Kong trở thành một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, với các tiêu chuẩn quốc tế mà không thành phố nào của Trung Quốc đại lục có thể sánh được. Bởi vậy, việc Trump tước các ưu đãi với đặc khu sẽ đánh dấu "quá trình bắt đầu hồi kết của một Hong Kong mà chúng ta từng biết", Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trugn Quốc tại Đại học London, nhận định.

Mỹ còn chấm dứt xuất khẩu thiết bị quân sự cho Hong Kong. Tuy nhiên, một nguồn tin cảnh sát Hong Kong cho biết họ không chỉ dựa vào Mỹ, bởi nguồn vũ khí hiện nay còn đến từ nhiều nơi khác, bao gồm Trung Quốc đại lục. "Thiết bị mà Mỹ đang cung cấp cho chúng tôi không hiếm đến mức không thể tìm nguồn thay thế trên thị trường", nguồn tin nói.

Động thái của Mỹ còn tác động tới lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu. Washington sẽ tiến hành các bước nhằm chấm dứt chương trình học bổng Fulbright với Hong Kong, sáng kiến trao đổi giáo dục quốc tế nổi tiếng của chính phủ Mỹ. Kể từ năm 1996, 173 người Hong Kong đã tham gia chương trình này.

Viện Khoa học Không gian và Thông tin Địa cầu thuộc Đại học Trung Văn Hong Kong cũng không còn được Mỹ đối đãi đặc biệt. Tuy nhiên, sắc lệnh của Trump lưu ý rằng việc hợp tác giữa viện khoa học này với Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ vốn đã chấm dứt. Đại học Trung Văn Hong Kong cho biết thỏa thuận hợp tác kết thúc hồi tháng 11/2019 và không được gia hạn.

Các thỏa thuận về việc dẫn độ những người chạy trốn và bị kết tội giữa Mỹ và Hong Kong sẽ bị đình chỉ. Theo số liệu của chính quyền, Mỹ đã gửi 7 đơn xin dẫn độ nghi phạm cho cơ quan tư pháp Hong Kong từ năm 2015 đến 2018, trong đó hai trường hợp đã được giao nộp.

Việc hợp tác đào tạo lực lượng cảnh sát Hong Kong cũng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, một nguồn tin cấp cao thuộc lực lượng cảnh sát Hong Kong cho biết ảnh hưởng của điều khoản này rất hạn chế, bởi mỗi năm chỉ có vài sĩ quan được đưa tới Mỹ tham gia chương trình huấn luyện ngắn. Hoạt động này từng bị đình chỉ khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng trước đây.

"Phía Mỹ nghĩ rằng chúng tôi sẽ chịu tổn hại, nhưng nghiêm túc mà nói quyết định mới không gây ra tác động gì cả. Nó không ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi. Trên thực tế, chúng tôi vẫn có thể tới học hỏi từ các tổ chức tại nhiều quốc gia khác", nguồn tin nói.

hong kong mat gi khi bi trump tuoc dac quyen Ông Trump ký sắc lệnh chấm dứt quy chế đối xử đặc biệt với Hong Kong

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/7 cho biết đã ký sắc lệnh chấm dứt quy chế đối xử đặc biệt với Hong Kong.

https://vnexpress.net/hong-kong-mat-gi-khi-bi-trump-tuoc-dac-quyen-4131134.html 

/ vnexpress.net