Học sinh không cần đeo tấm chắn giọt bắn, cần học cách "gắn bó" khẩu trang

Hình ảnh học sinh đeo tấm kính chắn giọt bắn, đeo khẩu trang kín mít chống COVID-19 trong thời tiết nắng nóng những ngày vừa qua khiến các cháu khó chịu, khổ sở, còn các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. 

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: Học sinh không cần đeo tấm kính chắn giọt bắn, để phòng chống COVID-19, học sinh chỉ cần đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, khử khuẩn lớp học, vệ sinh tay là quan trọng nhất.

"Đeo tấm chắn giọt bắn chỉ dành cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, với những người nghi ngờ, những người thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh trong bệnh viện, nhân viên bán hàng... Học sinh không cần thiết đeo tấm chắn giọt bắn, chỉ cần áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội"- ông Phu nói.

Theo ông Phu, đeo tấm chắn giọt bắn còn làm hại thị lực của trẻ. "Đó không phải là tấm kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như ở bệnh viện. Hơn nữa khi đeo người đeo không phải nhìn liên tục, mà các cháu học sinh thì phải điều tiết mắt liên tục. Vì vậy không nhất thiết phải đeo, sẽ hại mắt"- PGS Phu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: "Học sinh mang nón che giọt bắn liên tục khi đến trường là không cần thiết". Trong lớp học, trẻ ngồi theo một hướng cố định, nón che giọt bắn lúc này cũng không có tác dụng nhiều. Thậm chí, các em có thể đùa nghịch làm kính tấm chắn gãy, dẫn đến nhiều tình huống ngoài ý muốn khác.

Nón che giọt bắn chỉ phát huy hiệu quả và thật sự cần thiết trong trường hợp mặt đối mặt, giao tiếp trực tiếp. Việc mang khẩu trang, rửa tay đúng cách và không đưa tay lên vùng mũi, miệng mới là cách phòng ngừa quan trọng và tốt nhất.

Bác sĩ Khanh cho hay việc mang nón che giọt bắn trong thời gian dài rất khó chịu. Học sinh không sử dụng quen sẽ đổ mồ hôi, ảnh hưởng đến mắt do trẻ thấy khó chịu nên dễ dùng tay để chạm vào mắt thường xuyên, đặc biệt là các em có đeo kính cận. Trong khi đó, việc dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng là hành động cần tránh để phòng ngừa lây nhiễm virus.

Sau những ngày đầu quay trở lại trường học, nhiều phụ huynh phản ánh rằng trẻ cảm thấy khó chịu vì phải đeo khẩu trang trong lớp, thậm chí nhiều em lén mở khẩu trang xuống để thở khi không có giáo viên. Thậm chí, hình ảnh các cháu đeo khẩu trang khi ngủ còn khiến cho phụ huynh vô cùng lo lắng. Nói về vấn đề này, bác sĩ Khanh khuyến cáo: "Hãy dạy cho trẻ cách làm quen dần".

"Thông thường, người không quen đeo khẩu trang, trong khoảng 30 phút sẽ có cảm giác khó thở. Tuy nhiên, điều này sẽ được khắc phục nếu hít sâu, thở chậm để điều hòa nhịp thở. Vì vậy, nhân viên y tế có thể mang khẩu trang liên tục nhiều giờ cũng không vấn đề gì"- bác sĩ Khanh nói.

Ông cũng khuyến cáo phụ huynh và giáo viên nên dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của khẩu trang để các em quen dần. Khi trẻ khó chịu, chúng ta cần hướng dẫn con hít sâu, thở từ từ và không đưa tay lên mắt, mũi miệng.

hoc sinh khong can deo tam chan giot ban can hoc cach gan bo khau trang Học sinh trở lại trường: Nắng nóng, mệt mỏi vì không được bật điều hòa
hoc sinh khong can deo tam chan giot ban can hoc cach gan bo khau trang “Học sinh đến trường không cần đeo mũ chắn giọt bắn”
hoc sinh khong can deo tam chan giot ban can hoc cach gan bo khau trang Lớp học không điều hoà, phụ huynh lo con "nóng phát ốm"
/ laodong.vn