Hệ lụy xung đột Nga - Ukraine với an ninh châu Âu

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine dù sớm kết thúc hay còn kéo dài nhưng rồi cũng sẽ đi đến hồi kết với một thỏa thuận chấm dứt chiến sự. Tuy nhiên, dù kết thúc theo cách nào thì cuộc xung đột này cũng mang lại những hệ lụy chưa thể lường hết với an ninh châu Âu, cấu trúc an ninh châu lục này trong tương lai lâu dài.

Hệ lụy xung đột Nga - Ukraine với an ninh châu Âu ảnh 1
Xung đột tại Ukraine gây ra những hệ lụy khôn lường cho an ninh châu Âu

Các kịch bản để ngỏ

Hiện đang có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau về tình hình chiến sự cũng như đàm phán giữa Nga và Ukraine, song có thể thấy một sự “giằng co” cả trên thực địa và bàn đàm phán. Cho dù Nga khẳng định, chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, song ngoài thành phố Kherson, Nga đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine và vẫn chưa thể kiểm soát thêm thành phố lớn nào tại Ukraine, thậm chí còn hết sức khó khăn trong việc kiểm soát những nơi có vị trí chiến lược như thành phố cảng Mariupol.

Trong động thái mới nhất, Nga tuyên bố giảm các hoạt động quân sự ở miền Bắc Ukraine, trong đó có khu vực quanh Thủ đô Kiev, để tập trung vào vùng Donbass, nơi có đông người nói tiếng Nga và tự tuyên bố độc lập như Lugansk và Donetsk. Diễn biến, chiều hướng tiếp theo của tình hình chiến sự trên thực địa được cho sẽ tác động lớn tới nội dung và kết quả trên bàn đàm phán giữa hai bên.

Thế nhưng, cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine diễn biến theo chiều hướng nào thì cũng có những kịch bản có thể dự báo vào thời điểm xung đột đã diễn ra hơn một tháng này. Trong đó, kịch bản được cho nhiều khả năng xảy ra nhất là xung đột kết thúc bằng một thỏa ước chính thức được ký kết giữa hai nước Nga và Ukraine.

Theo thông tin từ kết quả vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29-3 vừa qua, hai bên đã lần đầu tiên đưa ra các đề xuất cụ thể của mình bằng văn bản. Trong đó, Ukraine khẳng định lập trường từ bỏ tham vọng gia nhập liên minh quân sự NATO để trở thành quốc gia trung lập, không cho đặt các căn cứ nước ngoài tại nước này hay sở hữu vũ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt. Về vấn đề được cho là khó khăn nhất là toàn vẹn lãnh thổ, Ukraine đề xuất tạm gác sang một bên những câu hỏi về Crimea và những vùng lãnh thổ ly khai ở khu vực Donbass.

Nhìn vào lập trường của Nga xuyên suốt từ trước tới nay là “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” tại Ukraine, đồng thời Kiev phải công nhận độc lập cho vùng ly khai ở khu vực Donbass và thừa nhận chủ quyền Nga tại bán đảo Crimea. Việc để “treo lại” vấn đề lãnh thổ được xem là giải pháp khả thi và dễ được các bên chấp nhận để có thể chấm dứt chiến sự và ký kết một thỏa ước hòa bình.

Kịch bản thứ hai có thể thấy là trong trường hợp Matxcơva và Kiev không đạt được một giải pháp ngoại giao hay chính trị, Nga nhiều khả năng sẽ hỗ trợ các tỉnh khác ở khu vực Donbass nằm ở phía Đông sông Dnieper tuyên bố độc lập như các nước cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk. Trường hợp này xảy ra trên thực tế sẽ chia cắt Ukraine thành “hai nước” ở phía Tây và phía Đông Ukraine.

Kịch bản thứ ba, dù được đánh giá ít xảy ra nhất những cũng không thể loại trừ vào lúc này là xung đột tiếp diễn giằng co, dai dẳng và Nga bị “sa lầy” tại Ukraine. Đây được gọi là “kịch bản Syria” khi chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky với sự hậu thuẫn, hỗ trợ tối đa của Mỹ và phương Tây kháng cự lâu dài và Nga không thể kết thúc xung đột bằng một chiến thắng trên chiến trường.

Những hệ lụy khôn lường

Còn quá sớm để nhìn nhận xem xung đột giữa Nga và Ukraine sắp tới sẽ diễn ra theo kịch bản nào. Tuy nhiên, việc diễn ra theo kịch bản nào cũng sẽ tác động sâu rộng tới cuộc khủng hoảng an ninh tại châu Âu như việc Nam Tư tan rã và NATO do Mỹ đứng đầu mở cuộc tấn công quân sự vào quốc gia Nam Âu này năm 1999.

Với kịch bản được cho nhiều khả năng xảy ra nhất và dễ được các bên chấp nhận nhất là Ukraine trở thành quốc gia trung lập nếu nhận được sự bảo đảm an ninh. Sự đảm bảo an ninh này, theo đề xuất lúc này của Ukraine trong đàm phán với Nga, là Kiev muốn có một cơ chế quốc tế về đảm bảo an ninh, trong đó các nước đứng ra bảo đảm sẽ hành động theo cách tương tự như Điều 5 trong Hiến chương NATO và thậm chí còn chắc chắn hơn. Ukraine cũng nêu đích danh các quốc gia bảo đảm là Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh - là 4 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; cùng với Canada, Đức, Israel, Italy, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trừ Trung Quốc và Israel, những quốc gia vừa đề cập đều là thành viên của NATO.

Yêu cầu của Ukraine đặt ra thế rất khó cho Mỹ và NATO mà liên minh quân sự này chưa từng gặp phải một mô hình đảm bảo an ninh như vậy kể từ khi thành lập năm 1949 tới nay. Họ phải làm gì, làm như thế nào để bảo đảm an ninh cho “quốc gia trung lập” Ukraine cũng như đối phó với các thách thức an ninh và các thách thức an ninh này đến từ đâu, như thế nào?... có phải đến từ Nga hay không?, làm thế nào để xử lý “mối đe dọa” an ninh từ Nga?...

Tiếng là bảo đảm an ninh cho Ukraine, nhưng NATO và Nga không vì “quốc gia trung lập” mà giảm sức nóng của sự đối đầu. Có động thái đáng chú ý là do cuộc khủng hoảng Ukraine, đã có những dự báo cho rằng một số quốc gia trung lập lâu nay ở châu Âu như Thụy Điển, Phần Lan... muốn tìm một “chiếc ô an ninh”. Điều này, theo giới phân tích, có thể càng phá vỡ thêm sự ổn định, cấu trúc an ninh vốn quá phức tạp hiện nay ở châu Âu, dẫn tới nguy cơ mất an ninh ở châu Âu.

Trường hợp xung đột không kết thúc bằng một thỏa ước hòa bình, Ukraine sẽ trở thành một điểm nóng an ninh nguy hiểm trong lòng châu Âu, tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành đụng độ, xung đột trực tiếp giữa NATO do Mỹ đứng đầu với Nga. Đây là một viễn cảnh tất cả đều cảm thấy lo lắng bởi hệ lụy khôn lường với sự hòa bình, ổn định và an ninh không chỉ ở châu Âu, mà trên toàn cầu.

Không trực tiếp tác động tới an ninh châu Âu, song xung đột ở Ukraine đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo được đánh giá là nghiêm trọng nhất tại châu lục này kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai khi hàng triệu người dân Ukraine đã phải đi lánh nạn. Dòng người tị nạn Ukraine càng gia tăng thì hệ quả an ninh mà nó mang lại cho châu Âu càng nghiêm trọng và khốc liệt hơn.

Cuộc xung đột vũ trang rõ ràng không chỉ gây ra tổn thất nghiêm trọng cho Ukraine mà còn mang lại những hệ lụy chưa thể đánh giá hết vào lúc này với an ninh, ổn định ở châu Âu trong tương lai nhiều năm tiếp theo.

Xuất khẩu khí đốt của Nga vẫn ổn định bất chấp tuyên bố cắt giảm của châu Âu Xuất khẩu khí đốt của Nga vẫn ổn định bất chấp tuyên bố cắt giảm của châu Âu

Dù các nước phương Tây đã tuyên bố cắt giảm nguồn năng lượng từ Nga, việc xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của ...

EU phản ứng trái chiều với lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga EU phản ứng trái chiều với lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga

Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã xảy ra bất đồng về việc liệu và làm thế nào để áp dụng các ...

/ www.anninhthudo.vn