Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Việc này nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, cả nước hiện có 22 cảng hàng không, sân bay thuộc 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang có hoạt động khai thác nội địa và các sân bay, bãi đáp có hoạt động hàng không chung (Hạ Long, Vũng Tàu…).
Các cảng này sẽ được phân thành 3 nhóm, trong đó, nhóm A (vùng xanh) - là các cảng hàng không sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; nhóm B (vùng vàng) - là các cảng, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố chỉ áp dụng giãn cách xã hội theo từng khu vực (cấp quận/huyện trở lên) trong tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương theo Chỉ thị 16; nhóm C (vùng đỏ) - là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ theo Chỉ thị 16.
Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, chặng bay chiều từ nhóm A đến nhóm A, B và C sẽ không giới hạn hành khách, tuy nhiên, khách đi máy bay phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Với chặng bay chiều từ nhóm B đến nhóm A, B và C; từ nhóm C đến nhóm A và B, khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19 chỉ cần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; các hành khách khác phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ và đáp ứng một trong các điều kiện: Có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến cảng hàng không sân xuất phát; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Các đường bay giữa các cảng hàng không sân bay nhóm C với nhau chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến. Hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Mục tiêu của kế hoạch trên, theo Cục Hàng không Việt Nam là để xây dựng cơ chế áp dụng tự động để hãng hàng không chủ động xây dựng kế hoạch, mở bán, triển khai khai thác chuyến bay chở khách thường lệ, hoặc dừng chuyến bay theo các điều kiện đã được quy định cụ thể (khi thay đổi chính sách giãn cách xã hội tại địa phương, việc vận chuyển hành khách sẽ thay đổi tương ứng).
Kế hoạch cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển khách thực hiện công vụ, nhân viên y tế, nhân viên làm nhiệm vụ phòng chống dịch; từng bước đáp ứng ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho hành khách đủ điều kiện về phòng chống dịch, đồng thời giúp duy trì hoạt động vận chuyển hàng không nội địa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 của từng địa phương, không bao gồm yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách nội địa tại các cơ sở cách ly tập trung của quân đội hoặc địa phương được phê duyệt.
Đáng lưu ý, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất cho phép các hãng hàng không Việt Nam được phép tổ chức mở bán, khai thác các đường bay nội địa với các yêu cầu, điều kiện nêu trên theo nhu cầu, không hạn chế về tần suất khai thác trên cơ sở "slot" được Cục Hàng không Việt Nam xác nhận.
Chuyến bay đầu tiên của hàng không Việt Nam vận chuyển hàng y tế từ Hoa Kỳ về nước
Rạng sáng 25/8, chuyến bay VN9 do Vietnam Airlines khai thác từ San Francisco (Hoa Kỳ) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội ... |
Tạo điều kiện vận chuyển hành khách các tỉnh phía Nam bằng đường hàng không
Cục Hàng không Việt Nam vừa lên kế hoạch phối hợp, hỗ trợ hoạt động vận tải hàng không cho TP.Hồ Chí Minh, và các ... |