Nga và Trung Quốc đang tăng cường các tuyên bố đáp trả Washington và đồng minh, cam kết thúc đẩy một trật tự công bằng và dân chủ hơn để đối trọng với Mỹ.
Bất chấp những đồn đoán về một trục chống Mỹ đang nổi lên, tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin phủ nhận Nga-Trung đang tìm kiếm một liên minh chính trị và quân sự theo kiểu Chiến tranh Lạnh.
Thay vào đó, cả hai ca ngợi quan hệ song phương “ổn định và vững chắc”, mô tả bên còn lại là “đối tác ưu tiên”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc họp hôm 28/6 đã gửi đi thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Biden.
"Một số quốc gia sử dụng ý thức hệ để vạch ra ranh giới, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương, làm lung lay nền tảng pháp lý của hệ thống quan hệ quốc tế. Thế giới càng rối ren, Trung Quốc và Nga càng cần tăng cường hợp tác chiến lược”, thông báo sau cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo khẳng định.
Thông báo nhấn mạnh trước bối cảnh đó, hai nước cần tăng cường phối hợp, hợp tác về chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, năng lượng và công nghệ, “bảo vệ lợi ích chung trên trường quốc tế”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP) |
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) nhận định khi liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang gia tăng đối đầu với Nga và Trung Quốc, hai nước này sẽ cảm thấy việc tăng cường liên minh bán thân Trung - Nga là điều cấp bách.
"Mối quan hệ như vậy sẽ được củng cố hơn nữa nếu các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc - Mỹ và Nga - Mỹ trở nên căng thẳng hơn”, Shi nhận định.
Theo Danil Bochkov, chuyên gia tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga dù lãnh đạo và quan chức chính phủ hai nước coi quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung là ưu tiên của cả hai bên, Moskva và Bắc Kinh hiếm khi đề cập tới cụm từ "đối tác ưu tiên" trong các văn bản chính thức.
"Điều này đòi hỏi cả hai nước, trong khi ưu tiên quan hệ quốc tế của họ với các bên khác, vẫn dành sự quan tâm cụ thể cho các cuộc tiếp xúc với nhau, đặc biệt là khi đề cập đến cuộc chiến chống COVID-19 và các cáo buộc vi phạm nhân quyền", Bochkov phân tích.
Chuyên gia này lưu ý rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, hai người đã gặp nhau hơn 25 lần là nền tảng quan trọng của quan hệ song phương.
Điều này, theo Bochkov giúp Moskva và Bắc Kinh thảo luận các vấn đề nhạy cảm nhất một cách chân thành và cởi mở.
Mỹ và các đồng minh trong những năm gần đây nhiều lần bày tỏ quan ngại về mối quan hệ ấm dần lên giữa Trung Quốc và Nga, đặc biệt là hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa hai nước và các cuộc tập trận chung.
Trong khi Bắc Kinh và Moskva cam kết cải thiện hợp tác quân sự, tuyên bố mới đây cho biết mối quan hệ đối tác giữa hai bên không phải là “một liên minh chính trị và quân sự theo kiểu Chiến tranh Lạnh.
Một điểm nổi bật trong hội nghị thượng đỉnh Nga - Trung là việc gia hạn hiệp ước láng giềng hữu nghị, trong đó hai bên đồng ý gác lại tranh chấp biên giới và không tuyên bố chủ quyền với các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Chỉ ra một điều khoản cụ thể trong hiệp ước về việc tham vấn ngay lập tức nếu một mối đe dọa quân sự xuất hiện, ông Bochkov cho rằng điều quan trọng là cả hai quốc gia phải đảm bảo họ vẫn thân thiện trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự.
"Đây là một công thức hợp tác rất thoải mái giữa Nga và Trung Quốc, đảm bảo rằng hai bên sẽ không trở thành đối thủ của nhau”, ông Bochkov cho hay.
Tuy nhiên, Zhang Xin, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông lưu ý rằng mặc dù mối quan hệ giữa Nga - Trung đang ngày càng sâu sắc, sẽ là điều quá xa vời nếu nói về một liên minh quân sự chống Mỹ. Nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế trong quan hệ giữa hai nước.
"Tôi không cho là Nga sẽ thể hiện quan hệ quân sự thân thiết với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Đài Loan cũng như Trung Quốc không làm vậy liên quan tới vấn đề Ukraine. Trung Quốc và Nga không sẵn sàng giúp nhau kích động một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn với phương Tây do Mỹ dẫn đầu", ông này phân tích.
Trong khi đó, Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga chỉ ra một số căng thẳng trong quan hệ Nga - Trung như việc Moskva không thỏai mái trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á thông qua sáng kiến Vành đai - Con đường, hay tham vọng của Bắc Kinh ở Bắc Cực.
Ông Putin dùng dầu mỏ tập hợp quyền lực và trừng phạt đối thủ thế nào?
Dầu lửa và khí đốt là công cụ lợi hại giúp chính trị gia Putin tập hợp quyền lực ở Nga và trừng phạt các ... |
Thượng đỉnh Biden-Putin vừa kết thúc, Mỹ đã tính chuyện trừng phạt Nga
Cố vấn an ninh quốc gia MỹJake Sullivan tiết lộ Mỹ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới với Nga liên quan đến ... |