Theo chỉ thị tối 23/7, Sở chỉ huy thành phố đặt tại trụ sở Ủy ban do Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo toàn diện.
Tại Chỉ thị 17 ban hành tối 23/7 (dựa trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng), UBND Hà Nội quyết định thành lập Sở chỉ huy của TP, sở, ngành và địa phương phòng, chống dịch Covid-19.
Sở Chỉ huy TP đặt tại trụ sở UBND Hà Nội để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch thông qua hệ thống giám sát trực tuyến 24/7 và chế độ thông tin, báo cáo. Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo toàn diện, các phó chủ tịch UBND TP phụ trách theo khối, lĩnh vực và các nhiệm vụ được phân công.
Giám đốc sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn thành lập và trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách để phòng, chống dịch và tổ chức triển khai Chỉ thị 17 đảm bảo chế độ báo cáo đầy đủ kịp thời với Sở Chỉ huy TP theo quy định.
Cũng tại Chỉ thị 17 của Hà Nội, Công an TP Hà Nội được giao nhiệm vụ duy trì chốt kiểm soát để giám sát việc chấp hành biện pháp phòng chống dịch của người dân, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Công an cơ sở triển khai giải pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của TP, kiểm soát việc chấp hành biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn.
Chỉ thị nêu rõ, Sở Y tế điều tra dịch tễ, xét nghiệm lấy mẫu trong thời gian ngắn nhất để kịp thời khoanh vùng, dập dịch; bố trí đầy đủ trang thiết bị, sẵn sàng triển khai xét nghiệm trên diện rộng; phân luồng, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Các đơn vị liên quan kích hoạt phương án mở rộng cơ sở cách ly tập trung F1; thiết lập các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng; phân công bệnh viện tiếp nhận điều trị đối với bệnh nhân nặng.
Công an thành phố duy trì các chốt kiểm soát để giám sát việc chấp hành biện pháp phòng chống dịch của người dân; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Bộ tư lệnh Thủ đô phối hợp với lực lượng y tế tiếp tục quản lý các khu cách ly tập trung; tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly; thực hiện giãn mật độ, không để lây chéo dịch bệnh trong khu cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng; đảm bảo khả năng cách ly 50.000 người.
Sở Công Thương chủ trì việc đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu; có phương án dự trữ trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Thành phố sẽ công khai danh sách các cơ sở cung ứng hàng hóa, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh lưu động (khi đưa vào sử dụng) bán các mặt hàng thiết yếu.
Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án bố trí "luồng xanh" cho xe vận chuyển hàng thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt.
Sở Xây dựng chỉ đạo tạm dừng thi công các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn.
Chủ tịch các quận, huyện, thị xã chỉ đạo khẩn trương rà soát, xác minh triệt để những người đã đi về từ vùng dịch, F1, F2 và những trường hợp liên quan khác để thực hiện cách ly y tế, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
Chính quyền thủ đô quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6h ngày 24/7, kéo dài trong 15 ngày. Những ngày gần đây, số ca bệnh mới phát hiện tại Hà Nội liên tục tăng, trong đó có nhiều chùm bệnh không rõ nguồn lây. Tổng số ca nhiễm tích lũy từ ngày 29/4 (đợt dịch thứ tư) là 666, trong đó 397 ca bệnh thuộc các chùm chưa qua 14 ngày.
PV (th)
Israel thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 dạng viên uống |
TP.HCM vượt ngưỡng hơn 50.000 người mắc COVID-19 |
Thủ tướng: "Để phát sinh ổ dịch mới thì 1 tuần giãn cách không có ý nghĩa gì" |