Hà Nội sẽ sử dụng phần mềm quản lý F0

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thành phố đã thống nhất chủ trương về việc triển khai dùng phần mềm quản lý F0 tại nhà để theo dõi, tư vấn, điều trị người bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Hà Nội có những kế hoạch chi tiết để căn cứ đánh giá cấp độ dịch hàng tuần.

Trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch, các địa phương áp dụng những biện pháp hành chính phù hợp, đảm bảo an toàn linh hoạt, không ảnh hưởng tới việc đi lại. Việc đánh giá cấp độ dịch này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Liên quan đến dự báo, chuẩn bị kịch bản về tình hình dịch COVID-19 thời gian tới, đăc biệt là trong dịp Tết, ông Cương cho hay, hiện Hà Nội ghi nhận khoảng gần 3.000 ca/ngày, vẫn nằm trong kịch bản của thành phố về kiểm soát, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý, với vị trí là trung tâm giao thương, đi lại, buôn bán, áp lực COVID-19 trong những ngày Tết với Hà Nội là rất lớn. Sở Y tế đã tham mưu cho thành phố thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch.

Cụ thể, tiếp tục tuyên truyền về tuân thủ nguyên tắc 5K, người dân cần đi tiêm đủ liều vaccine, khi có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, cần liên hệ với y tế để được tư vấn.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vaccine, tiêm vét mũi 1, mũi 2, tiêm mũi bổ sung và tiêm liều nhắc lại.

Đặc biệt, thành phố đề ra giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng về quản lý, điều trị các trường hợp F0 trên địa bàn, đặc biệt là các trường hợp điều trị tại nhà. Tạo nhiều kênh tiếp nhận để tiếp nhận từ sớm ở cơ sở, giảm tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ chuyển tầng và tỷ lệ tử vong… Đồng thời, thành phố cũng sẽ ứng dụng các biện pháp công nghệ thông tin để theo dõi, hỗ trợ người bệnh điều trị.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: Thành phố cũng đã thống nhất chủ trương về việc triển khai dùng phần mềm quản lý F0 tại nhà để quản lý người bệnh. Việc này đảm bảo bà con đón tết an lành và phản ứng nhanh với tình hình dịch bệnh dịp Tết nguyên đán.

Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội còn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, nên việc quản lý cũng như chăm sóc bệnh nhân hiệu quả. Điển hình, Long Biên là quận đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng phần mềm quản lý F0 tại nhà, sau thời gian triển khai bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

ông Nguyễn Hữu Quốc, Phó giám đốc Trung tâm y tế quận Long Biên cho biết, trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn quận Long Biên tăng khá cao. Nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin bằng phần mềm quản lý F0, nên việc quản lý cũng như chăm sóc bệnh nhân, nhất là bệnh nhân F0 điều trị tại nhà rất tiện lợi.

Để hỗ trợ tối đa, giúp những đối tượng F0 tại nhà an tâm điều trị, tránh gây hoang mang, lo lắng, thời gian qua, trên địa bàn Thành phố đã thành lập nhiều trạm y tế lưu động, cũng như đẩy mạnh hoạt động của Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà. Theo đó, Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 nhập thông tin người nhiễm bệnh Covid-19 lên hệ thống phần mềm sau khi nhận được dữ liệu từ y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành trực tiếp chủ động theo dõi, gọi điện hỗ trợ nhóm F0 có triệu chứng theo phân tầng trên phần mềm. Ngoài ra, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành còn nhận điện thoại được gọi từ F0 để hỗ trợ hướng dẫn khai báo thông tin sức khỏe trên phần mềm, tư vấn dinh dưỡng, an toàn lây nhiễm, trấn an tinh thần... cho bệnh nhân; kết hợp với tổng đài 1022 để nhận thông tin hỗ trợ F0 theo dõi tại nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, Hà Nội đã triển khai phần mềm quản lý F0 tại nhà. Hằng ngày, F0 phải tự khai báo 2 lần trên Hệ thống quản lý theo dõi bệnh nhân Covid-19 của thành phố. Khi khai báo sẽ phân độ ngay (xanh, vàng, cam, đỏ) tương đương với mức độ an toàn, trung bình, nguy cơ, nặng.

Các bác sĩ của mạng lưới thầy thuốc đồng hành cùng với cán bộ y tế xã phường theo dõi trên phần mềm này, bệnh nhân nào chuyển màu đỏ, họ sẽ liên lạc, nếu thấy dấu hiệu chuyển nặng sẽ được đưa tới bệnh viện, cơ sở thu dung tùy vào mức độ bệnh đã được phân tầng.

PV (th)

Hôm nay tăng 1.392 ca COVID-19, Hà Nội gần 3.000 F0 Hôm nay tăng 1.392 ca COVID-19, Hà Nội gần 3.000 F0
Cả nước có gần 16.000 ca COVID-19 mới, hơn 20.500 F0 khỏi bệnh Cả nước có gần 16.000 ca COVID-19 mới, hơn 20.500 F0 khỏi bệnh
Người về quê đón Tết không phải cách ly, Hà Nội có 14 F0 nhiễm Omicron Người về quê đón Tết không phải cách ly, Hà Nội có 14 F0 nhiễm Omicron

/ Nghề nghiệp và cuộc sống