Hà Nội sẽ tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vaccine cho trẻ em và triển khai tiêm mũi thứ ba để tạo tiền đề thích ứng linh hoạt, an toàn và phục hồi bền vững.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương (Tổ Quốc Oai) phát biểu tại phiên thảo luận |
Sáng 8-12, tiếp tục chương trình kỳ họp, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2022.
Hà Nội chống dịch tốt không?
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai) cho biết, theo thống kê mới nhất về tỷ lễ nhiễm Covid-19 và tử vong của các thủ đô trên thế giới, tình hình tại Hà Nội so với các thành phố cùng quy mô dân cư ở mức độ thấp. Đại biểu Nguyễn Minh Đức phân tích: “Tiêu chí về tỷ lệ nhiễm và tử vong thấp cũng như không gián đoạn đời sống người dân đều được Hà Nội thực hiện tốt. Cử tri quận Hoàng Mai ghi nhận thành phố đã có những quyết sách đi trước 1 bước, có thể phần nào ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng so với mặt bằng chung trên thế giới có thể khẳng định Hà Nội chống dịch thành công”.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương (Quốc Oai) đồng tình và nói: “Công dân Thủ đô rất may mắn trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 khi thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh bằng những chỉ tiêu, con số cụ thể. Thành phố đã có hướng dẫn điều trị F0 thể nhẹ, quản lý F1 tại nhà là quyết sách đúng đắn và nên triển khai rộng toàn thành phố”.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương cũng nêu ý kiến: “Mục tiêu của chúng ta là sống chung với Covid-19, nên cần có thông tin kịp thời từ cơ sở để người dân nắm bắt, không hiểu nhầm, hoang mang làm ảnh hưởng đến các biện pháp phòng chống dịch”.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Mê Linh) bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô đang mong muốn có sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát cả về vật chất lẫn tinh thần từ thành phố. Vì vậy, nên có chính sách động viên lãnh đạo các cấp để họ thực hiện các nhiệm vụ trong hỗ trợ doanh nghiệp một cách quyết liệt, đột phá hơn.
Về công tác quy hoạch, đại biểu cho rằng, nếu Hà Nội không làm tốt công tác quy hoạch thì 5-10 năm nữa sẽ lại “lổn nhổn”. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đời sống, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nước sạch, cần thiết nên thuê chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ, với mục tiêu là xây dựng đô thị thông minh.
Ngoài ra theo đại biểu, qua tiếp xúc cử tri, ghi nhận người dân còn tâm tư với nhiều vụ khiếu kiện khéo dài, cần có cơ chế giải quyết dứt điểm, để người dân ngày càng yên tâm tin tưởng vào chính sách của thành phố…
Đại biểu Nguyễn Bích Thủy (tổ Cầu Giấy) ghi nhận thời gian qua, TP đã có chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính, có nhiều giải pháp tăng cường cường các thủ tục hành chính; song một vài chỉ số CCHC trong năm qua vẫn xếp ở thứ hạng xa so với một số tỉnh, thành. Vì vậy, báo cáo cần làm rõ hơn công tác cải cách hành chính trong giai đoạn thích ứng linh hoạt trên các lĩnh vực như: phòng chống dịch, dạy và học, phục hồi sản xuất kinh doanh…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã trao đổi, làm rõ về các vấn đề cử tri quan tâm |
Mở rộng tiêm vaccine cho trẻ em
Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã trao đổi, làm rõ về các vấn đề cử tri quan tâm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, thành phố phải đặt mục tiêu trên hết, trước hết là sức khỏe, an toàn của nhân dân Thủ đô, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài với trạng thái mới là thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
TP đã đề ra giải pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất, đó là “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ”, trong đó vai trò của mỗi người dân, mỗi gia đình vẫn là quan trọng nhất, đó là tuân thủ theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
“Cùng với những chính sách đã ban hành, UBND TP xin ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu HĐND, trong thời gian tới, sẽ giao các ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để bổ sung thêm các chính sách để hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Để phục hồi phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Giải pháp trọng tâm là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; thích ứng an toàn với dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7,0-7,5%. Để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu này, thành phố sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách.
Trong đó, thành phố sẽ thực hiện mở rộng thêm nhóm đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được hỗ trợ (nhất là công nhân trong khu công nghiệp nhằm lôi kéo, giữ chân, hấp dẫn công nhân quay trở lại làm việc); Tạo điều kiện cho lao động tại các khu công nghiệp điều kiện ăn ở, sinh hoạt đảm bảo cuộc sống lâu dài; Cho vay ưu đãi đối với các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19, trong đó thêm nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học…
Thực hiện các giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế phí, lệ phí như đã thực hiện trong thời gian vừa qua sẽ được rà soát để tiếp tục thực hiện; Cho vay ưu đãi, cho vay thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển.
TP cũng sẽ ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; Tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vaccine cho trẻ em và triển khai tiêm mũi thứ ba.
“TP cũng đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số. Thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử; Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số... Hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến…”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông tin về các giải pháp cụ thể để thúc đẩy đầu tư công; điều tiết ngân sách cho các quận huyện; rà soát các dự án chậm triển khai…
Hà Nội sẽ triển khai kinh tế số như thế nào?
"Về phát triển kinh tế số, đây là một nội dung lớn, là một trong 20 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 đã đề ra. Có thể nói, đây là một điểm rất mới, không chỉ đối với Hà Nội mà còn đối với cả Trung ương. Hiện nay, Thành phố đang giao các cấp, các ngành nghiên cứu, tham mưu để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế số trên địa bàn Thành phố. Qua tổng hợp nhanh nghiên cứu ban đầu của các cấp, các ngành cũng như những hướng dẫn của Trung ương, nội hàm của kinh tế số bao gồm: sản xuất số, trao đổi số, phân phối số và tiêu dùng số. Để triển khai những nội dung này, chúng ta cần đến thể chế số, cần đến hạ tầng số (đó là hạ tầng viễn thông băng thông rộng, hạ tầng điện toán đám mây), cần đến các công nghệ số (là cơ sở dữ liệu lớn BigData, trí tuệ nhân tạo AI, internet kết nối vạn vật IOT,…)… và quan trọng hơn cả là cần thị trường số, nơi bao gồm các công dân số, xã hội số (đó là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi gia đình một đường cáp quang internet…). Với nghiên cứu ban đầu của các ngành, cùng với lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, trên cơ sở các định hướng, chỉ đạo của Trung ương, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các ngành sớm triển khai kinh tế số trên địa bàn Thành phố, nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số sẽ là một trong những lĩnh vực có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Thủ đô". Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải |
Hà Nội cấp phát 6.000 túi thuốc cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà
Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ cho các quận, huyện 6.000 túi thuốc để cấp phát cho các bệnh nhân Covid-19 điều trị ... |