Hà Nội nghiên cứu bỏ ga ngầm gần Hồ Gươm

Sau nhiều năm bảo vệ phương án làm ga tàu điện ngầm gần hồ, thành phố tính đến các phương án khác, trong đó có việc bỏ xây dựng ga ngầm tại khu vực này.

Chiều 18/3, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

2546 c9 jpeg 4031 1616069355
Phối cảnh ga tàu điện ngầm C9 tại khu vực Hồ Gươm. Ảnh: MRB

"Một phần thân ga C9 và công trình phụ trợ nằm trong ranh giới khu vực bảo vệ (dưới ngầm) của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn", kết luận nêu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản đề nghị thành phố nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga C9 và các công trình phụ trợ bảo đảm không gây ảnh hưởng bất lợi với khu vực bảo vệ các di tích.

Đánh giá các phương án, lãnh đạo thành phố cho rằng, việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga ngầm ảnh hưởng toàn hệ thống đường sắt đô thị (8 tuyến) và phải báo cáo các bộ ngành liên quan để trình Thủ tướng điều chỉnh cục bộ một số quy hoạch. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh hướng tuyến dẫn tới điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, không bảo đảm kỹ thuật chạy tàu, làm tăng chi phí...

Từ những phân tích trên, ông Dương Đức Tuấn giao MRB chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung theo 3 phương án.

Phương án 1: Nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ với loại hình đường sắt đô thị ngầm làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (ranh giới nhà ga ngầm trùng với ranh giới vùng bảo vệ II).

Phương án 2: Giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm đã được MRB và các sở, ngành thống nhất, đã xác định trong quy hoạch Thủ đô, củng cố các văn bản pháp lý để UBND thành phố thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng (không điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô), làm cơ sở báo cáo Thủ tướng quyết định về hướng đoạn tuyến và vị trí ga ngầm C9.

Phương án 3: Giữ nguyên hướng tuyến, xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 với yêu cầu bảo đảm tất cả yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ liên quan để chạy tàu; phân tích, đánh giá về việc sẽ giảm tổng mức đầu tư, giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư, lưu lượng hành khách...

Ông Tuấn yêu cầu phải có phân tích, đánh giá ưu nhược điểm từng phương án, đề xuất báo cáo UBND thành phố xem xét ngay trong tháng 3, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Theo phương án được thành phố đưa ra từ hơn 10 năm trước, nhà ga chính C9 được xây ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Gươm. Công trình dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.

Ga có bốn cửa lên xuống. Cửa số một được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội).

Cửa lên xuống số 4 có hai phương án, một là nằm phía trước điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (cửa hàng Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội cũ) hoặc dịch chuyển vị trí ra phố Hàng Dầu để tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từng đề nghị tịnh tiến ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng. Một số chuyên gia gợi ý Hà Nội bố trí ga tại các vị trí của Tổng Công ty Điện lực, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Nhà hát Lớn... Cũng có ý kiến nên bố trí tuyến và ga chạy dọc đê sông Hồng.

Chính quyền thành phố cho rằng, các đề xuất đều không khả thi bởi nếu dịch chuyển ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng hoặc bố trí ở vị trí khác thì tổng mặt bằng bao gồm thân ga, các cửa lên xuống, công trình phụ trợ và tuyến hầm 2 đầu ga sẽ phải thay đổi vị trí theo, dẫn đến các hậu quả như ảnh hưởng đến an toàn và kỹ thuật chạy tàu, cùng các hạng mục khác của di tích.

Các phương án trên còn khiến tuyến đường hầm phải xuyên qua các khu vực dân cư có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, giải phóng mặt bằng nhiều nhà dân và cơ quan để xây dựng ga.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt -Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên Phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km). Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Xây dựng Xây dựng "cột mốc số 0" ở Hồ Gươm

Việc xây dựng "cột mốc số 0" ở Hồ Gươm được yêu cầu phải có tính thẩm mỹ cao và độc đáo, phù hợp với thủ ...

Đồng ý vay ODA 30.572 tỉ làm đường sắt qua khu vực Hồ Gươm Đồng ý vay ODA 30.572 tỉ làm đường sắt qua khu vực Hồ Gươm

Sáng 4.12, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của kì họp thứ 11, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV ...

Infographic: Toàn cảnh tuyến đường sắt qua Hồ Gươm có giá 3.000 tỉ/km Infographic: Toàn cảnh tuyến đường sắt qua Hồ Gươm có giá 3.000 tỉ/km

UBND TP Hà Nội vừa xin lùi kế hoạch hoàn thành Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tới ...

/ vnexpress.net