Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo rà soát diện tích đất trống, sẵn sàng hoạt động khi các chợ dân sinh, chợ đầu mối phải đóng cửa.
Tại buổi họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với TP Hà Nội diễn ra sáng nay (31/7), bà Nguyễn Phương Lan - quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo rà soát diện tích đất trống sẵn sàng hoạt động khi các chợ dân sinh, chợ đầu mối phải đóng cửa. Đồng thời chia nhỏ các điểm tập kết, bán hàng để không đứt gãy nguồn cung thực phẩm.
Cũng theo bà Lan, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Dù sức mua tăng khoảng 30% nhưng hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cho người dân.
Sở Công Thương lên phương án sẵn sàng khi chợ đầu mối đóng cửa. |
Tuy nhiên, trong tình huống xấu, số lượng F0 tăng cao, các địa phương cung ứng thực phẩm cũng phải giãn cách thì việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội có thể gặp khó khăn.
Do đó, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tập kết hàng hóa về các kho ở Hà Nội để chủ động hàng hóa, đồng thời giao cho các quận, huyện chủ động nguồn hàng hóa theo phương châm 4 tại chỗ.
Trước đó, liên quan đến việc chợ đầu mối phía Nam xuất hiện ca F0, bà Lan cho biết, trường hợp chợ truyền thống phát hiện ca nhiễm, sẽ phải đóng cửa tạm thời và thực hiện ngay việc xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Đến khi chợ đảm bảo an toàn thì cho mở lại.
Nếu chưa đảm bảo các yếu tố dịch tễ thì chợ chưa được phép mở cửa, thay vào đó, thành phố sẽ bố trí các điểm bán hàng lưu động.
Theo bà Lan, do các phương án phòng dịch tại chợ được kích hoạt nên khi có một chợ đóng cửa, việc phân luồng hàng hoá vẫn đảm bảo, nguồn cung hàng vẫn đầy đủ.
"Hà Nội đã chủ động, sẵn sàng nguồn cung của các hệ thống hệ thống phân phối từ nhiều tháng nay. Khi có biến động, Hà Nội vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho người dân", bà Lan khẳng định.
Theo bà Lan, Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 3 cấp độ. Khi dịch bệnh tăng cao, nhu cầu mua sắm tăng mạnh, hàng hóa có khả năng thiếu cục bộ, hoặc khó khăn trong vấn đề lưu thông, TP Hà Nội sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần.
Đồng thời, huy động tổng lực vận chuyển hàng hoá từ các kho hàng ngoài thành phố vào trong thành phố; sẵn sàng nhân lực chở hàng xuyên đêm vào nội thành, tăng giờ mở cửa. Nếu cần biện pháp cao hơn nữa sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.