Hà Nội điều trị F0 tại nhà, linh hoạt phòng chống dịch theo tình hình mới

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu phổ biến đến người dân hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5/12.

Triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại nhà

Tối 2/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký công điện triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định, số ca COVID-19 trên địa bàn TP tăng rất nhanh trong những ngày gần đây, phát sinh thêm các ca bệnh mới.

Tại các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 của TP, mặc dù hiện số ca bệnh nặng ở tầng 3 (điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch) chiếm tỷ lệ thấp (dưới 0,8%), tuy nhiên khi số ca bệnh tăng nhanh sẽ là thách thức lớn đối với các cơ sở y tế.

Dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng nhanh khi các hoạt động kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa và di chuyển của người dân từ các địa phương trên cả nước về TP trong những tháng cuối năm tăng cao. Do đó, TP cần triển khai ngay những biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

2.jpeg -0

Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine. Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 (đảm bảo các điều kiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế), hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà; xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5/12.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở thu dung, cơ sở y tế và tại nhà, hoàn thành trước ngày 4/12.

Chỉ đạo tăng cường phân luồng các bệnh viện của TP, hệ thống y tế ngoài công lập, các cơ sở xét nghiệm đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế về các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để triển khai phương án đáp ứng thu dung điều trị và cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm COVID-19 theo Kế hoạch của UBND TP, hoàn thành chậm nhất trong ngày 5/12.

Đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất 150 giường bệnh

Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các quận, huyện, thị xã khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại các cơ sở lưu trú và cách ly tại nhà trên địa bàn đối với các trường hợp F1 trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đảm bảo điều kiện theo quy định. Tổ chức rút kinh nghiệm; nhân rộng những cách làm hiệu quả trên từng địa bàn quận, huyện, thị xã.

Khẩn trương phối hợp Sở Y tế triển khai ngay các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng theo mô hình Trạm Y tế lưu động, đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh (yêu cầu hoàn thành trong ngày 2/12).

4.jpeg -0

Hà Nội triển khai Trạm y tế lưu động.

Khẩn trương triển khai phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà theo Kế hoạch của UBND TP.

Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em theo lộ trình hạ dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ 12-14 tuổi. Tích cực tổ chức tiêm lưu động, đặc biệt phải tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, có bệnh nền), khó di chuyển; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Rà soát, kiểm tra, tuyên truyền công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn: Các khu dân cư (mật độ đông, sử dụng chung nhà tắm, khu vệ sinh); chợ dân sinh; trung tâm thương mại; nhà hàng ăn uống, bến tàu bến xe, tàu điện trên cao các cơ sở khám chữa bệnh,…và các khu vực có sự kiện tập trung đông người; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; yêu cầu đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm nhiều lần, không chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Lắp thiết bị quét mã QR Căn cước công dân tại trụ sở các cơ quan, bệnh viện, trường học

Lãnh đạo TP yêu cầu Công an TP chỉ đạo các đơn vị, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường cập nhật, kiểm soát thông tin nhân khẩu trên địa bàn; quản lý chặt chẽ số người thường trú, tạm trú, rà soát hộ khẩu, người được cấp căn cước công dân gắn chip, quản lý mã số định danh cá nhân…

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh, người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoại tỉnh về địa phương làm việc...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên.

Triển khai lắp đặt các thiết bị quét mã QR Căn cước công dân gắn chíp điện tử bằng thiết bị chuyên dụng của Bộ Công an tại trụ sở các cơ quan, công sở TP, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, tiến đến mở rộng trên toàn địa bàn TP.

ma-qr-in-tren-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-co-tac-dung-gi-0-100931.jpeg -0

Hà Nội tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư.

Ngoài ra triển khai ứng dụng (VN-eID) do Bộ Công an phát triển trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và Căn cước công dân giúp công dân khai báo di chuyển nội địa để kiểm soát người về từ các địa phương khác, trong đó thường xuyên cập nhật người dân trở về từ các vùng dịch, các trường hợp chưa được tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine, người đã khỏi bệnh COVID-19 trên địa bàn để triển khai các biện pháp nghiệp vụ trong trường hợp cần thiết.

Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở Giáo dục tham mưu, báo cáo UBND TP về việc cho học sinh trở lại trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên và sẵn sàng các phương án xử lý các tình huống phát sinh.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị vận tải của TP bố trí, sắp xếp các phương tiện vận chuyển F1 tới các cơ sở cách ly tập trung của TP do Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì điều phối và nhu cầu của các quận, huyện, thị xã.

Sở Du lịch khẩn trương phối hợp Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã rà soát các cơ sở lưu trú đảm bảo điều kiện, báo cáo UBND TP về việc mở rộng các cơ sở lưu trú phục vụ cách ly F1 trên địa bàn TP, hoàn thành chậm nhất trước ngày 5/12.

CL

/ cand.com.vn