Giới tình báo đang "săn tin" sức khỏe của Trump?

Nhiều chuyên gia an ninh lo ngại tình báo nước ngoài đang tích cực tìm kiếm thông tin về sức khỏe của Trump để "tấn công" Mỹ giữa khủng hoảng.

Đội ngũ y tế của Tổng thống Donald Trump sẽ không tiết lộ lần xét nghiệm âm tính cuối cùng của ông. Họ cũng sẽ không nói chi tiết về tình trạng phổi của ông, tại sao ông lại sử dụng liệu pháp điều trị dành cho ca nhiễm nCoV nặng, hay ông sốt cao bao nhiêu độ hoặc nồng độ oxy giảm tới mức nào.

Khi Nhà Trắng cố gắng bỏ qua các câu hỏi về mức độ nghiêm trọng mà COVID-19 gây ra cho Trump, nhiều quan chức và cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo đối thủ của Washington sẽ lợi dụng sự thiếu minh bạch về sức khỏe của Tổng thống Trump để gieo rắc thông tin sai về chính phủ Mỹ.

Các cơ quan tình báo nước ngoài thường đầu tư rất nhiều vào khả năng thu thập thông tin y tế nhạy cảm về các lãnh đạo thế giới, nhằm tìm cách đưa các nguồn tin mà họ tiếp cận trực tiếp hoặc gián tiếp vào các cuộc thảo luận về chủ đề này, theo các quan chức tình báo.

"Bất kỳ dịch vụ tình báo nước ngoài nào cũng muốn có các gián điệp và nguồn tin tình báo cung cấp tin tức về sức khỏe của Tổng thống Mỹ", Steve Hall, cựu quan chức Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Matxcơva Nga, cho hay. "Đây là yêu cầu quan trọng để đạt được cái mà chúng tôi thường gọi là 'kế hoạch và dự định' của chính phủ nước ngoài".

Giới tình báo đang 'săn tin' sức khỏe của Trump? - 1
Tổng thống Donald Trump trở về Nhà Trắng tối 5/10. (Ảnh: NYTimes)

Marc Polymeropoulos, cựu quan chức tình báo cấp cao của CIA đã nghỉ hưu năm 2019, nói rằng đây là một phần của "nhiệm vụ thường xuyên" thu thập thông tin giữa khủng hoảng của dịch vụ tình báo.

"Thu thập thông tin về sức khỏe của giới lãnh đạo đối thủ thường khả thi, bởi mục tiêu khai thác không phải là các nhân viên chính phủ hay dịch vụ tình báo nước khác, mà là nhân viên chính quyền hoặc bệnh viện không có khả năng phản gián", Polymeropoulos nói.

Hall không tin các nước đối thủ của Mỹ có thể cài gián điệp ở Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, nơi Tổng thống Trump điều trị COVID-19 cuối tuần qua, nhưng ông cho rằng nhiều khả năng họ sẽ sử dụng nguồn tin có sẵn trong Nhà Trắng. Trump đã về Nhà Trắng tối 5/10, sau hơn ba ngày ở viện.

"Nhiều bài báo chỉ ra Trump đã điện đàm với lãnh đạo nước ngoài. Nếu một trong số cuộc gọi đó là với Vladimir Putin và tôi giả sử là giám đốc tình báo của Tổng thống Nga, tôi sẽ thiết lập để nghe lén cuộc gọi", Hall nói. "Trump thấy khó thở sao? Hay ông ấy có phải đã bối rối?".

Thông tin này có thể dễ dàng bị đối thủ khai thác, đặc biệt trong lúc có nhiều thông tin trái chiều về tình hình sức khỏe của Tổng thống Mỹ như hiện nay, theo Mick Mulroy, nhà phân tích của ABC News và cựu quan chức CIA, người từng là phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới năm 2019.

Mulroy thêm rằng "cuộc khủng hoảng niềm tin" mà Nhà Trắng đang tạo ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đối thủ nước ngoài phát động chiến dịch thông tin sai lệch nhằm "làm xói mòn niềm tin của người dân Mỹ vào chính phủ và quá trình bầu cử".

Mulroy kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người vừa trở về sau chuyến công du một tuần, cùng các lãnh đạo an ninh quốc gia khác có mặt ở thủ đô Washington, để "đảm bảo hoạt động liên tục của chính phủ và gửi thông điệp tới bất kỳ đối thủ nào muốn khai thác tình hình ở Mỹ lúc này".

Trong khi đó, các quan chức chính quyền tiếp tục nhấn mạnh rằng tình hình đã được kiểm soát và họ không quá lo ngại về khả năng các đối thủ nước ngoài sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng này.

"Các đối thủ của chúng ta biết chính phủ Mỹ vẫn ổn định và chúng ta đang bảo vệ người dân Mỹ", Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien nói với CBS hôm 4/10.

Tuy nhiên, lo ngại bị đối thủ khai thác thông tin vì mục đích bất chính là lý do khiến việc công bố thông tin về sức khỏe của lãnh đạo Mỹ thường được thực hiện rất cẩn thận. Hầu hết tổng thống trước đây đều yêu cầu bác sĩ của họ công bố các báo cáo chi tiết về dấu hiệu sinh tồn, các loại thuốc họ sử dụng hay tình trạng bệnh trong quá khứ và hiện tại.

Nhưng khi Trump trở thành người cao tuổi nhất trở thành tổng thống Mỹ năm 2016, ông đã từ chối cung cấp hồ sơ y tế đầy đủ của mình. Thay vào đó, bác sĩ cũ của Tổng thống Mỹ tháng 12/2015 tuyên bố "Tôi có thể khẳng định nếu đắc cử, ngài Trump sẽ là người khỏe mạnh nhất từng được bầu làm tổng thống". Sau đó, ông tiết lộ chính Tổng thống Trump là người đã viết tuyên bố đó.

Lara Seligman và Natasha Bertrand, hai biên tập viên của Politico, nhận định cách Nhà Trắng xử lý thông tin về sức khỏe Tổng thống Trump đã gây ra sự rối loạn và hoang mang ở cấp lãnh đạo của Mỹ những ngày qua. Quan chức chính quyền hôm 4/10 thừa nhận Trump đã bị giảm nồng độ oxy trong máu sau khi dương tính với nCoV, nhưng lại khẳng định ông có thể được xuất viện sớm vào ngày hôm sau.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnamy trở thành người mới nhất trong danh sách quan chức thân cận của Trump nhiễm nCoV, sau khi cô thông báo kết quả xét nghiệm dương tính hôm 5/10. Nhưng chính quyền vẫn đưa ra báo cáo "tích cực" về sức khỏe của Trump, đồng thời cho rằng bộ cả bộ máy an ninh quốc gia và thế giới không cần biết chính xác về tình trạng của ông.

"Tôi không nghĩ chúng ta cần biết chính xác tình hình sức khỏe của Tổng thống bởi chúng ta không phải bác sĩ. Nhưng có điều rõ ràng là Tổng thống vẫn làm việc, ông ấy không mất năng lực làm việc và toàn bộ bộ máy chính phủ vẫn theo chỉ đạo của ông", Elliott Abrams, Đại diện đặc biệt về vấn đề Iran của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với CNN. Ông thêm rằng các đối thủ của Mỹ "không nên" lợi dụng tình huống này.

Giới tình báo đang 'săn tin' sức khỏe của Trump? - 2
Ông Trump khi ra viện. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, điều này không đủ khiến các quan chức và chuyên gia an ninh bớt lo lắng. "Đối với các cơ quan tình báo nước ngoài, đặc biệt là các đối thủ của Mỹ, họ không có ưu tiên nào lớn hơn việc nghe ngóng về các sự kiến xảy ra trong nội bộ chính quyền của Tổng thống. Do đó, rất hợp lý khi cho rằng họ có nguồn tin ở đâu đó đang tìm cách tiếp cận với thông tin đáng tin cậy về tình hình sức khỏe của ông", John McLaughlin, cựu quyền giám đốc CIA, nói.

"Khó để nói họ có thể tìm ra thông tin chi tiết nào hơn những gì người Mỹ đã biết hay không, nhưng họ chắc chắn sẽ cố tìm những yếu tố để gây rối loạn", ông nói thêm.

Cho tới ngày 5/10, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin gì về nỗ lực khai thác và truyền bá thông tin sai lệch của các đối thủ nước ngoài liên quan tới sức khỏe của Trump, nhưng Polymeropoulos cho rằng không nên lơ là cảnh giác.

"Chúng tôi vẫn cho rằng dịch vụ tình báo nước ngoài đang tích cực thu thập và có nhiều khả năng sẽ tìm thấy nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe của Tổng thống hơn truyền thông và người dân Mỹ", ông nói.

Nghi vấn về sức khỏe của Trump Nghi vấn về sức khỏe của Trump
Trump có thể sống tới 200 tuổi nếu ăn ít hambuger hơn Trump có thể sống tới 200 tuổi nếu ăn ít hambuger hơn

/ vtc.vn